Xuất khẩu năm 2002 đạt trên 16,5 tỷ đô la
Hà Nội (TTXVN 27/12/2002)
Theo Bộ Thương mại, năm 2002 cả nước đạt kim ngạch xuất khẩu 16,5 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm ngoái.
Riêng thành phố Hồ Chí Minh đã đạt kim ngạch xuất khẩu 8,4 tỷ USD, chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cảu cả nước.
12/15 mặt hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch tăng hơn so với năm ngoái. Trong đó có nhiều mặt hàng đạt mức tăng trưởng rất cao như thủ công mỹ nghệ, than đá, hạt điều, cao su. Ba mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, vượt ngưỡng 2 tỷ USD là dầu thô trên 3,2 tỷ USD, may mặc 2,7 tỷ USD và thủy sản trên 2 tỷ USD.
Trong số 23 thị trường có kim ngạch xuất khẩu trên 100 triệu USD, có 10 thị trường đạt mức tăng trưởng xuất khẩu từ 10% trở lên. Một số thị trường mới, tuy kim ngạch xuất khẩu chưa cao nhưng mức tăng rất đáng khích lệ như Đan Mạch, Phần Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Riêng thị trường Mỹ, sau một năm thực thi Hiệp định thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD.
Đạt được những thành công trên, theo phân tích của Bộ Thương mại là do các chính sách chỉ đạo thông thoáng của chính phủ, các chính sách tín dụng ưu đãi xuất khẩu, miễn giảm các loại phí và lệ phí, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, các hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh, nhiều thị trường mới được mở, tạo ra triển vọng cho những năm tiếp theo.
Năm 2002, nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện. Lần đầu tiên, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Hiệp hội các nước xuất khẩu hàng dệt may với sự tham gia của 33 nước và vận động các nước xuất khẩu dệt may ủng hộ đề xuất bãi bỏ hạn ngạch xuất hàng dệt may vào EU. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đã ký Hiệp dịnh khung về tài trợ với Ngân hàng quốc tế Matxcơva (IBM), theo đó cung cấp cho IMB hạn mức tín dụng 20 triệu USD để hỗ trợ doanh nghiệp Nga mua hàng của Việt Nam.
Gia tăng xúc tiến thương mại là một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công. 100 doanh nghiệp cùng với các đoàn kinh tế liên ngành đi khảo sát, xúc tiến thương mại tại thị trường châu Phi, Trung Quốc, Belarut, Ukraina, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu hải sản, rau quả tươi, nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc... Tổ chức xúc tiến thương mại Việt Nam đã hợp tác với Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), nhóm đặc trách về xúc tiến thương mại của APEC, các tổ chức xúc tiến thương mại của Nhật Bản, Thụy Sĩ, Hàn Quốc triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp.
Ngoài các Hội chợ, triển lãm trong nước, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tổ chức khoảng 80 hội chợ ở nước ngoài và tham gia nhiều hội chợ quốc tế nhằm quảng bá rộng rãi sản phẩm Việt Nam. Từ năm 2002, Chính phủ đã dành khoản ngân sách tương đương với 0,25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm cho các hoạt động xúc tiến thương mại.
Năm 2002 cũng là năm nhiều doanh nghiệp tăng cường đầu tư, tiếp nhận công nghệ mới, hợp lý hóa tổ chức sản xuất, kinh doanh, cải tiến mẫu mã, tăng sản lượng, nâng cao chất lượng, tạo sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Năm 2003, Việt Nam dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng xuất khẩu 7,5% đến 8%./.