Xuất khẩu hàng dệt may có thể đạt 2,5 tỷ USD
Hà Nội (TTXVN 21/10/2002)
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong năm nay có thể đạt 2,5 tỷ USD, cao hơn so với mục tiêu 2,4 tỷ USD đã đề ra từ đầu năm; Ông Mai Hoàng Ân, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dệt may Việt Nam đã khẳng định như vậy trên cơ sở đánh giá về thực lực hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện nay.
Ông Ân cho biết, 9 tháng đầu năm, cả nước đã xuất khẩu được 1,9 tỷ USD giá trị hàng dệt may, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại thời điểm này, các doanh nghiệp dệt may cả nước đang vào cuộc đua nước rút, khẩn trương tăng năng lực sản xuất, kiểm tra chặt chẽ về chất lượng và giao hàng đúng thời hạn. Các doanh nghiệp có khả năng tài chính đang tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Ước tính đến cuối năm, sẽ có thêm khoảng 10.000 lao động làm việc tại các dây chuyền sản xuất vừa được đầu tư mới.
Hai thị trường lớn là EU và Mỹ đang có nhiều thuận lợi đối với mặt hàng này. Việc EU, một thị trường chiếm khoảng 40% xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam, vừa chấp nhận tăng thêm 25% hạn ngạch trị giá 150 triệu USD trong năm nay cho mặt hàng này đã tiếp thêm sức mới cho các doanh nghiệp Việt Nam. Thị trường Mỹ cũng đang có chiều hướng thuận lợi với 480 triệu USD trong 9 tháng qua, tăng gấp 10 lần mức thực hiện cả năm ngoái. Tổng Công ty dệt may Việt Nam đang thực hiện hàng loạt giải pháp triển khai nhanh mô hình liên kết sản xuất để khai thác tối đa các đơn hàng vào thị trường Mỹ. Bên cạnh việc năng động chủ động tìm thị trường, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phấn đấu đạt mục tiêu tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, hấp dẫn về mẫu mã và mang tính ổn định. Công ty dệt may Thắng Lợi đã đầu tư gần 100 tỷ đồng cho dây chuyền kéo sợi cotton, đầu tư thay thế thiết bị công nghệ dệt để trở thành trung tâm in hoa lớn nhất trong toàn ngành. Công ty may Phương Đông đã đầu tư nâng cao công nghệ để đưa tỷ lệ hàng bán FOB từ 5% lên trên 80% tổng doanh thu. Công ty dệt may Huế, Công ty dệt Phong Phú cũng đang là những đơn vị đi đầu trong đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Chính phủ đã cho phép xây dựng 11 cụm dệt may ở các địa phương và có nhiều chính sách ưu đãi về thuế, lãi suất vốn vay cho các doanh nghiệp trong ngành. Đồng thời, Chính phủ thực hiện bảo lãnh cho doanh nghiệp khi cần thiết để mua máy móc thiết bị ở nước ngoài, hỗ trợ xuất khẩu cho doanh nghiệp ở những thị trường mới, thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến thương mại khác để hỗ trợ doanh nghiệp./.