Việt Nam ủng hộ cải tổ Liên Hợp quốc

Hà Nội (TTXVN 15/10/2002)
Việt Nam cho rằng cải tổ Hội đồng bảo an Liên hợp quốc phải toàn diện, phải được thực hiện trong khuôn khổ tăng cường quyền lực của Đại hội đồng, dựa trên sự minh bạch và các nguyên tắc dân chủ và được tiến hành phù họp với mục đích thực sự của nó.

Ông Ngô Đức Thắng, Phó đại diện Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã khẳng định như vậy tại phiên thảo luận chung Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 57 về hoạt động của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc trong giại đoạn từ 16/6/2001-31/7/2002 và công tác cải tổ của Hội đồng bảo an, ngày 14/10.

Theo ông Thắng, cuộc cải tổ này phải phản ánh 3 thành tố cơ bản: tăng số nước thành viên, quá trình đưa ra quyết định và các phương pháp làm việc. Việt Nam ủng hộ ý kiến mở rộng cả hai thành phần thường trực và không thường trực; chú trọng cải tiến các thể thức làm việc và quá trình đưa ra quyết định để làm cho Hội đồng bảo an có tính dân chủ, tính đại diện, công khai và trách nhiệm cao hơn.

Nhà ngoại giao Việt Nam cho rằng, công việc của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã mang lại một số kết quả tích cực trong việc duy trì hòa bình và an ninh ở Đông Timo, Apganistan, các khu vực khác nhau ở châu Phi, vùng Bankan và đặc biệt trong việc đảm nhận trách nhiệm mới, to lớn của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố sau thảm kịch ngày 11/9/2001. Ngay sau cuộc tiến công khủng bố, Hội đồng bảo an đã thông qua "Nghị quyết 1373" và thành lập Ủy ban chống khủng bố (CTC) đưa ra đường hướng chỉ đạo và giám sát các nước thành viên thực hiện nghị quyết. Tuy nhiên, trong năm qua, mặc dù Hội đồng đã chú trọng đến cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, nhưng do chính sách hiếu chiến của chính phủ Israel và do Hội đồng thiếu các biện pháp nhất quán, nên tình hình khu vực này vẫn dễ biến động và triển vọng đạt được một nền hòa bình lâu dài vẫn còn xa vời. Việt Nam cho rằng điều cần thiết là các nước thành viên của Liên hợp quốc phải tuân thủ các nghị quyết của Liên hợp quốc, không để gây ra ấn tượng có "tiểu chuẩn kép" trong công việc của Hội đồng.

Sau khi ghi nhận một số thay đổi hữu ích trong phương pháp làm việc của Hội đồng, như tăng số cuộc họp mở rộng, các chủ tịch luân phiên của Hội đồng thông báo tóm tắt tình hình sau mỗi tháng làm việc, trao đổi ý kiến với các nước đóng góp quân cho hoạt động gìn giữ hòa bình, tiến hành các cuộc gặp trao đổi với Tổng thư ký LHQ, các đại diện và đặc phái viên của Tổng thư ký..., Phó đại diện Phái đoàn thường trực Việt Nam kêu gọi Hội đồng bảo an xem xét lại tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt đã áp đặt lên một số nước thành viên, gây ra những đau khổ không kể xiết cho những người dân vô tội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; và đề nghị dứt khoát không sử dụng những biện pháp trừng phạt lỗi thời này.


Việt Nam lúc nào cũng quan tâm đến cuộc cải tổ Hội đồng bảo an, coi đó là cơ sở cho quá trình toàn bộ của công cuộc cải tổ Liên hợp quốc./.