Phát biểu của BT NG Nguyễn Dy Niên tại Đại hội đồng LHQ khoá 57


Hà Nội (TTXVN 19/9/2002)
Ngày 18/9, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam, Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Dy Niên đã phát biểu tại cuộc thảo luận chung Đại hội đồng Liên hợp quốc khoá 57. Sau đây là toàn văn bài phát biểu này:

" Chúng ta tới phiên họp lần này trong tưởng niệm về sự kiện 11/9 đầy thương đau đã cướp đi mạng sống của hàng ngàn người vô tội. Dòng chảy sự kiện đã thay đổi nhiều từ ngày ấy, như Tổng thư ký Liên Hợp quốc Kofi Annan đã nói trong bài phát biểu trước Đại hội đồng tuần trước, rằng những cuộc tấn công ngày 11/9 của bọn khủng bố không chỉ là một sự kiện riêng lẻ, chúng là một dẫn chứng cụ thể về tội ác mang tính toàn cầu, cần phải có hành động đáp lại sâu rộng, lâu dài mang tính toàn cầu. Bằng việc thông qua Nghị quyết 1373 của Hội đồng Bảo an và Nghị quyết 56/1 của Đại hội đồng, bằng việc tiến hành nhiều biện pháp trên nhiều lĩnh vực ở cấp quốc gia và khu vực, Cộng đồng quốc tế đã thể hiện một cách cương quyết và rõ ràng: chúng ta lên án chủ nghĩa khủng bố chống lại dân thường dưới mọi hình thức, và sẽ hành động theo đúng Hiến chương Liên Hợp quốc vì đó là cách để cuộc chiến chống khủng bố có thể duy trì được lâu dài.

Nhưng chống khủng bố không chỉ đơn giản là trừng trị kẻ hoạch định và thực hiện những hành động đó, mà phải là giải quyết những vấn đề khác như đói nghèo, bất công, áp bức và chiếm đóng bất hợp pháp vốn là nguyên nhân của khủng bố. Điều này có nghĩa, trong khi chống khủng bố được ưu tiên cao trong chương trình hành động, nhưng rõ ràng không phải vì thế mà các vấn đề khác như giải quyết các cuộc xung đột khu vực, đẩy nhanh tốc độ thực hiện các mục tiêu phát triển của Hội nghị Thiên niên kỷ, thúc đẩy quá trình xoá đói nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển, xử lý các vấn đề quốc tế bức xúc đang có xu hướng gia tăng ở nhiều quốc gia, nhiều khu vực như suy thoái môi trường, bệnh dịch, nạn buôn bán người và các tội phạm xuyên quốc gia khác ... không còn quan trọng và cấp bách như trước. Mối quan hệ giữa an ninh và phát triển càng bộc lộ rõ nét hơn và cũng đòi hỏi phải quan tâm xử lý thoả đáng và kịp thời hơn bao giờ hết. Việc xử lý đúng đắn mối quan hệ này trong bối cảnh tình hình ấy sẽ thể hiện khả năng Liên Hợp quốc ứng phó đối với khó khăn mới và nắm bắt được cơ hội mới đến đâu.

Bên cạnh những nỗ lực chống khủng bố, Liên Hợp quốc đã chủ động tổ chức một loạt các Hội nghị quốc tế quan trọng về phát triển, đặc biệt là Hội nghị về tài chính và phát triển, phiên đặc biệt về trẻ em của Đại hội đồng, Hội nghị thượng đỉnh về an ninh lương thực và Hội nghị thượng đỉnh về phát triển bền vững trong khi các chương trình trợ giúp phát triển của Liên Hợp quốc đang tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển ở nhiều quốc gia. Ngoài ra, Liên Hợp quốc cũng có những đóng góp không nhỏ cho việc ngặn chặn xung đột, xây dựng hoà bình ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới, trong đó có việc chuẩn bị cho nền độc lập ở Đông Timo, tham gia giải quyết một số cuộc xung đột ở châu Phi và những nơi khác, đặc biệt là những hoạt động của Liên Hợp quốc gần đây liên quan đến Hiệp ước Hoà bình giữa Cộng hoà Dân chủ Congo và Ruanda, góp phần chấm dứt cuộc xung đột kéo dài và mở ra cơ hội hoà bình phát triển trong khu vực.

Với những thành tựu trên, Liên Hợp quốc cần nỗ lực hơn nữa để góp phần xứng đáng với trách nhiệm của tổ chức lớn nhất thế giới này đối với hoà bình, an ninh quốc tế. Liên Hợp quốc cần tăng cường nỗ lực góp phần giải quyết những cuộc xung đột kéo dài, đặc biệt là ở Trung Đông, bằng các biện pháp hoà bình, không có sự can thiệp và áp đặt. Chúng tôi khẳng định lại sự ủng hộ hoàn toàn cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestin nhằm thực hiện các quyền dân tộc tự quyết thiêng liêng và quyền được sống trong một đất nước độc lập, có chủ quyền.

Chúng tôi hoan nghênh cuộc đối thoại giữa Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên và Cộng hoà Hàn Quốc, hoan nghênh việc nối lại đàm phán giữa Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên và Mỹ, chân thành hy vọng chúng sẽ đưa lại những kết quả tích cực. Chúng tôi chia xẻ với các đại biểu về lo ngại đối với vấn đề Iraq, hoan nghênh những cố gắng nhằm giảm căng thẳng. Việc Iraq chấp nhận cho các thanh sát viên vũ khí của Liên Hợp quốc trở lại Iraq không điều kiện cho phép chúng ta hy vọng có thể tránh được một cuộc tấn công quân sự mà chắc chắn sẽ có những hệ luỵ nghiêm trọng đối với tình hình quốc tế và khu vực. Trong một thế giới tuỳ thuộc lẫn nhau, việc tuân thủ nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị càng trở nên quan trọng. Trên tinh thần đó, chúng tôi đòi sớm chấm dứt bao vây cấm vận chống Cuba, Iraq và Libi đã tồn tại trong nhiều thập kỷ, gây biết bao đau khổ chịu đựng cho thường dân những nước này.

Trong khi các cuộc chạy đua vũ trang có nguy cơ leo thang ở nhiều khu vực trên thế giới, trong hơn bốn thập kỷ qua, Hội nghị giải trừ quân bị đã không thể bắt đầu công việc thực chất, vì vậy cần phải tìm giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc. Cần phải hoạch định lại và thực hiện những biện pháp có hiệu quả nhằm hạn chế và giảm nhẹ tác động tiêu cực của toàn cầu hoá đối với các nước đang phát triển, đảm bảo cơ hội phát triển đồng đều cho tất cả các quốc gia. Những biện pháp có hiệu quả nhằm nâng cao và duy trì ODA ở mức 0,7% GDP, xây dựng một hệ thống thương mại đa phương cởi mở và bình đẳng, tháo bỏ chủ nghĩa bảo hộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hoá của các nước đang phát triển thâm nhập thị trường các nước phát triển, tháo gỡ nợ, thực hiện những nguyên tắc bảo vệ môi trường toàn cầu, trong đó có nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có sự phân biệt, cần được tăng cường và đưa vào thực hiện. Để đạt được những mục tiêu này, Liên Hợp quốc cũng như các cơ quan và tổ chức phối hợp, đặc biệt là các thể chế tài chính quốc tế cần tiếp tục quá trình cải tổ hiện nay. Việt Nam chia sẻ quan điểm cho rằng quá trình này trước hết phải là việc nâng cao vai trò của Đại hội đồng, cơ quan quyền lực cao nhất với sự có mặt của hầu hết thành viên của cộng đồng quốc tế, đồng thời cùng với việc thúc đẩy cải tổ Hội đồng bảo an, làm cho Hội đồng bảo an có tính dân chủ, tính đại diện, công khai và trách nhiệm cao hơn, với việc mở rộng cả thành phần thường trực và không thường trực.

Trong việc mở rộng thành phần thường trực Hội đồng bảo an, chúng tôi ủng hộ những ứng cử viên có khả năng đóng góp lớn cho hoạt động của cơ quan quan trọng này như Ấn Độ, Nhật Bản, Đức. Tại Đông Nam á, các nước ASEAN đang quyết tâm củng cố đoàn kết và tăng cường hợp tác để đối phó với những thách thức mới nẩy sinh từ bên trong và bên ngoài khu vực. Việc thực hiện Chương trình Hành động Hà Nội (HPA), Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) và Tuyên bố Hà Nội về thu hẹp khoảng cách phát triển đã thu được những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ, góp phần thúc đẩy mục tiêu phát triển và yêu cầu hội nhập của các nước trong Hiệp hội. ASEAN tiếp tục tăng cường quan hệ với các nước đối thoại cũng như các thể chế và tổ chức quốc tế trên thế giới nhằm đóng góp cho những lợi ích chung vì hoà bình, ổn định và phát triển. Ngoài việc cam kết tham gia tích cực vào các nỗ lực chống khủng bố, đặc biệt là việc ký kết Tuyên bố ASEAN-Mỹ gần đây về chống khủng bố, các nước ASEAN đang tích cực thảo luận với Trung Quốc để có thể sớm ra được Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông. Đây được coi là những bước phát triển tích cực tiến tới hoàn tất một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông như được quyết định bởi các nhà lãnh đạo của ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-6 tháng 12/1998 tại Hà Nội, góp phần thúc đẩy xây dựng lòng tin, giải quyết mọi tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình.

Nhất quán với đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hoá đa dạng hoá quan hệ quốc tế, sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam không ngừng mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với các nước trong và ngoài khu vực, các tổ chức quốc tế và hiện đang tiến hành các thủ tục để sớm trở thành thành viên của WTO.

Một sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong đời sống chính trị của nhân dân Việt Nam thời gian gần đây là cuộc bầu cử Quốc hội Khoá 11 được tiến hành một cách dân chủ, theo pháp luật vào tháng 5/2002 và sau đó là kỳ họp thứ nhất thành công của Quốc hội Khoá mới, bầu được những đại diện xứng đáng của nhân dân vào các chức vụ lãnh đạo của Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ nhiệm kỳ mới 2002-2007. Đấy là những tiền đề quan trọng để Việt Nam tiếp tục công cuộc đổi mới, đẩy mạnh quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, thật sự trong sạch vững mạnh, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Cùng các nước phấn đấu thực hiện mục tiêu phát triển của Hội nghị Thiên niên kỷ, Việt Nam đã và đang thực hiện các chính sách, chương trình cụ thể về tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo theo Chiến lược phát triển Kinh tế Xã hội 2001-2010, với mục tiêu xuyên suốt là gắn tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội và xoá đói giảm nghèo, thông qua việc phát huy nội lực, thu hút đầu tư nước ngoài và tận dụng sự hỗ trợ quốc tế, tập trung ưu tiên các lĩnh vực như phát triển nguồn nhân lực, giáo dục, y tế, nước sạch...nhằm nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, đặc biệt là những nhóm dễ bị thiệt thòi, phấn đấu cơ bản xoá các hộ đói nghèo ở Việt Nam vào năm 2005.

Những vấn đề đặt ra hiện tại đối với loài người về bản chất ngày càng mang tính toàn cầu hơn. Việc khắc phục chúng đòi hỏi phải có những giải pháp đa phương và Liên Hợp quốc trong quá trình này tiếp tục là tổ chức toàn cầu thích hợp nhất mà chúng ta có thể tin tưởng và trông cậy. Trước những vận hội và thách thức to lớn hiện nay, Khoá họp lần thứ 57 này của Đại hội đồng Liên Hợp quốc có ý nghĩa quan trọng vì là diễn đàn cho những cuộc trao đổi nhằm chỉ ra những phương cách giúp Liên Hợp quốc đảm nhiệm tốt hơn vai trò của mình đối với sự nghiệp hoà bình, an ninh, hợp tác và phát triển vì tương lai chung tươi sáng hơn và tốt đẹp hơn của nhân loại. Việt Nam sẽ tiếp tục làm những gì có thể làm được để thực hiện trách nhiệm của một thành viên Liên Hợp quốc và cùng các nước thành viên khác đóng góp một cách tích cực, xây dựng và đầy trách nhiệm vào sự nghiệp cao cả đó của Liên Hợp quốc"./.