Đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng
Hà Nội (TTXVN 1/9/2002)
Tại tỉnh Sóc Trăng (đồng bằng sông Cửu Long) có gần 350 nghìn người Khmer sinh sống, bằng 28,9% dân số toàn tỉnh, chiếm khoảng 30% tổng số đồng bào Khmer các tỉnh Nam Bộ.
Từ lâu, bà con đã sống gần gũi, chan hòa và có mối giao lưu mật thiết với đồng bào người Kinh và người Hoa trong tỉnh, cùng kề vai sát cánh chiến đấu chống giặc ngoại xâm, giải phóng quê hương, bảo vệ tổ quốc, xây dựng cuộc sống mới.
Sóc Trăng sau ngày giải phóng tháng 4/1975 là một tỉnh nghèo, các vùng nông thôn nơi có đông người dân Khmer lại càng nghèo. Nhà nước đã ưu tiên đầu tư vào vùng dân tộc Khmer, khai thác tiềm năng, từng bước chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện sản xuất của từng vùng, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình thủy lợi, điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế được xây dựng khắp nơi. Chính quyền tỉnh đầu tư hàng trăm tỉ đồng cùng với hàng chục triệu ngày công của nhân dân đóng góp xây dựng 500 km đê sông, đê biển ngăn mặn. Có thể nói con đê ngăn mặn là công trình lớn vì đời sống của mấy trăm nghìn đồng bào Khmer.
Công tác giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe, phát triển văn hóa, xã hội được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Học sinh con em đồng bào Khmer được hưởng các chính sách miễn, giảm học phí; cấp học bổng, sách giáo khoa; ưu tiên tuyển chọn vào các trường đại học. Đội ngũ giáo viên người dân tộc Khmer không ngừng tăng lên về số lượng và nâng cao về trình độ nghiệp vụ.
Các xã vùng đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đều có trạm y tế, hàng năm các chương trình tiêm chủng mở rộng, các dự án chăm sóc sức khỏe ban đầu được triển khai thực hiện tốt, cơ bản đã khống chế được dịch bệnh. Đông đảo bà con tích cực tham gia hưởng ứng thực hiện chương trình dân số, kế hoạch hóa gia đình. Các trung tâm văn hóa tiêu biểu của đồng bào Khmer được đầu tư tu sửa, tôn tạo. Hoạt động các đoàn nghệ thuật dân tộc chuyên nghiệp và nghiệp dư phát triển góp phần phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của đồng bào. Đài Phát thanh Truyền hình Sóc Trăng có chương trình phát sóng tiếng Khmer hàng ngày, báo Sóc Trăng có tin riêng bằng tiếng Khmer. Toàn tỉnh có 89 chùa, hơn 1.784 sư sãi, một trường bổ túc văn hóa.
Ở Sóc Trăng đồng bào Khmer được chăm lo giúp đỡ phát kinh tế. xóa đói, giảm nghèo vươn lên làm giàu, xây dựng cuộc sống văn minh. Tỉnh Ủy Sóc Trăng đề ra mục tiêu kế hoạch cụ thể lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hôi, xóa đói giảm nghèo nâng cao mức sống đồng bào dân tộc Khmer đến năm 2005 phấn đấu giảm hộ nghèo còn dưới 20% so với tổng số hộ đồng bào Khmer trong tỉnh, 80% số hộ có điện sinh hoạt hơn 80% số hộ Khmer ở thị xã, thị trấn và hơn 60% số hộ ở nông thôn có nước sạch sử dụng, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống dưới 25%, tỷ lệ phát triển dân số dưới 1,5%. Tất cả xã, phường có đông đồng bào Khmer có bác sĩ và cán bộ y tế người Khmer.
Chương trình hành động nặng nề nhưng những việc làm cụ thể lại giàu tính nhân văn. Đồng bào Khmer Sóc trăng ngày càng no ấm, văn minh./.