Bế mạc Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành TƯ Đảng khoá IX

Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã tiến hành tại thủ đô Hà Nội từ ngày 4 đến ngày 15-7-2002.

Đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã chủ trì và phát biểu khai mạc, bế mạc Hội nghị.

Tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương đã nghe, thảo luận và quyết định về các vấn đề quan trọng: kiểm điểm và ra kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) và phương hướng phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ từ nay đến năm 2005 và đến năm 2010; kiểm điểm và ra kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII), Nghị quyết Trung ương 3 và Nghị quyết Trung ương 7 (khóa VIII) về công tác tổ chức, cán bộ; cho ý kiến chỉ đạo về cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XI; chuẩn bị nhân sự cấp cao của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ để giới thiệu với Quốc hội khóa XI; xem xét một số vấn đề về kiểm tra, kỷ luật đảng; nghe báo cáo về tình hình quốc tế và một số vấn đề khác.

1- Về giáo dục và đào tạo, Hội nghị Trung ương đánh giá: Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII), nền giáo dục nước ta có bước phát triển mới. Nước ta đã đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên; quy mô giáo dục tiếp tục tăng ở hầu hết các cấp, bậc học, ngành học, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng lớn của nhân dân. Cơ sở vật chất giáo dục được tăng cường. Đội ngũ nhà giáo đã lớn mạnh thêm, vượt qua nhiều khó khăn, góp phần quyết định tạo ra chuyển biến bước đầu rất quan trọng của nền giáo dục nước ta.

Những thành tựu đạt được đã góp phần tích cực chuẩn bị tiền đề cho bước phát triển mới của sự nghiệp giáo dục trong thế kỷ 21. Tuy nhiên, giáo dục, đào tạo nước ta còn đang đứng trước nhiều khó khăn và yếu kém, đó là: chất lượng giáo dục còn thấp; nội dung, phương pháp dạy và học còn lạc hậu; các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục còn nhiều; cơ cấu giáo dục và đào tạo còn mất cân đối...

Hội nghị xác định toàn Đảng, toàn dân, toàn ngành giáo dục cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt những định hướng chiến lược về giáo dục - đào tạo trong Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII). Từ nay đến năm 2010 phải tập trung vào 3 nhiệm vụ lớn là: nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục; phát triển quy mô giáo dục trên cơ sở bảo đảm chất lượng và điều chỉnh cơ cấu đào tạo, gắn đào tạo với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đào tạo với sử dụng; thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục; và thực hiện 5 giải pháp chủ yếu: đổi mới mạnh mẽ quản lý nhà nước về giáo dục; xây dựng và triển khai chương trình "xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục một cách toàn diện"; tiếp tục hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và sắp xếp, củng cố mạng lưới trường lớp, cơ sở giáo dục; nhằm tăng cường đầu tư cho giáo dục đúng với yêu cầu quốc sách hàng đầu; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; nhằm tạo nguồn nhân lực có số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

2- Về khoa học và công nghệ, Hội nghị Trung ương cho rằng sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII), khoa học và công nghệ nước ta có bước phát triển mới. Khoa học xã hội và nhân văn đã góp phần quan trọng trong việc khẳng định chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, con
đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đã cung cấp những luận cứ khoa học phục vụ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách. Trình độ công nghệ trong một số ngành sản xuất, dịch vụ đã được nâng lên đáng kể, nhiều sản phẩm hàng hóa có tính cạnh tranh cao hơn; tiềm lực khoa học và công nghệ
được tăng cường; đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ phát triển về số lượng, có khả năng tiếp thu tương đối nhanh và làm chủ tri thức hiện đại trên một số lĩnh vực; công tác quản lý hoạt động khoa học và công nghệ có những tiến bộ. Tuy vậy, hoạt động khoa học chưa giải đáp được nhiều vấn đề trong thực tiễn đổi mới, chưa gắn kết chặt chẽ với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; trình độ công nghệ, cơ sở vật chất và kỹ thuật còn thấp, đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ còn thiếu, cơ cấu ngành nghề và phân bố còn nhiều bất hợp lý; thị trường khoa học và công nghệ chưa phát triển; công tác quản lý khoa học, công nghệ còn mang tính hành chính, chưa có cơ chế phát huy mạnh mẽ nội lực của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ...

Hội nghị Trung ương 6 yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) về khoa học và công nghệ. Đồng thời Hội nghị xác định từ nay đến năm 2010 cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ: giải đáp kịp thời những vấn đề lý luận và thực tiễn do cuộc sống đặt ra; đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân; xây dựng và phát triển có trọng điểm các ngành công nghệ cao; và thực hiện 4 giải pháp chủ yếu: đổi mới quản lý và tổ chức hoạt động khoa học - công nghệ; tạo lập và phát triển thị trường khoa học - công nghệ; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; tập trung chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm; nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

3- Về công tác tổ chức và cán bộ, Hội nghị Trung ương đã kiểm điểm sâu sắc việc thực hiện các Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII), Trung ương 3 và Trung ương 7 (khóa VIII), khẳng định việc thực hiện 3 Nghị quyết thời gian qua đã đạt những kết quả tích cực: Tổ chức của hệ thống chính trị nước ta đã từng bước được đổi mới; cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ thể hiện ngày càng cụ thể, rõ nét hơn, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đội ngũ cán bộ
trưởng thành về nhiều mặt, là lực lượng nòng cốt cùng với nhân dân tạo ra những thành tựu to lớn những năm qua.

Song công tác xây dựng Đảng về tổ chức chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Chức năng, nhiệm vụ của nhiều cơ quan nhà nước và việc phân cấp quản lý giữa các bộ và chính quyền địa phương chưa thật rõ ràng, thủ tục hành chính còn phiền hà. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp còn nhiều mặt yếu kém. Hoạt động của các cơ quan tư pháp còn bất cập. Tổ chức và
phương thức hoạt động của các đoàn thể chuyển biến chậm, nhiều cơ sở không nắm chắc quần chúng. Đội ngũ cán bộ xét cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu chưa đáp ứng yêu cầu cả
trước mắt và lâu dài, chưa ngang tầm với thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tình trạng cán bộ thoái hóa, biến chất chưa được đẩy lùi; công tác cán bộ còn nhiều khuyết điểm.

Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu các cấp, các ngành trong thời gian tới tiếp tục quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ về tổ chức và cán bộ đã được đề ra trong ba Nghị quyết Trung ương, tập trung giải quyết một số khâu bức xúc sau đây:

Về công tác tổ chức: tiếp tục sắp xếp, làm rõ chức năng, nhiệm vụ các tổ chức trong bộ máy đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân. Tập trung kiện toàn và tăng cường hệ thống các tổ chức chính trị ở cơ sở. Xây dựng và triển khai chương trình nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về công tác tổ chức, làm căn cứ hoàn thiện hệ thống chính trị ở nước ta trong thời kỳ mới.

Về công tác cán bộ: tiếp tục cụ thể hóa, thể chế hóa nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ; tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực; đổi mới việc đánh giá cán bộ, tăng cường công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo và quản lý, làm tốt việc luân chuyển cán bộ theo quy hoạch để đào tạo cán bộ lãnh đạo và quản lý chủ chốt; tăng cường công tác quản lý cán bộ; thực hiện cải cách cơ bản chế độ tiền
lương với cán bộ, công chức.

Về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: hoàn thiện quy chế lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Mặt trận và các đoàn thể quần chúng; tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, lề lối làm việc của Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ và ban cán sự đảng các bộ, ngành; làm rõ mối quan hệ và lề lối làm việc giữa ban cán sự đảng các bộ, ngành Trung ương với ban thường vụ các tỉnh, thành ủy, mối quan hệ công tác giữa các cấp ủy đảng với chính quyền, đoàn thể các cấp.

4 - Tại Hội nghị lần này, với tinh thần nghiêm minh và trách nhiệm cao, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét những khuyết điểm, sai phạm của đồng chí Bùi Quốc Huy, ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an và đồng chí Trần Mai Hạnh, ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam có liên quan đến vụ án Trương Văn Cam.

Đồng chí Bùi Quốc Huy đã không hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian làm Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh, thiếu trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chưa khẩn trương kiên quyết tấn công bọn tội phạm; buông lỏng công tác quản lý, sử dụng, giáo dục, kiểm tra cán bộ, để nhiều cán bộ dưới quyền tha hóa, biến chất, trở thành đồng phạm trong vụ án Trương Văn Cam; mất cảnh giác, quan hệ trực tiếp và trong thời gian dài với một số phần tử xấu.

Đồng chí Trần Mai Hạnh đã sử dụng chức quyền và báo chí để liên tục đưa ra công luận nhiều thông tin thiếu trách nhiệm, không trung thực, sai sự thật, có trường hợp vi phạm Luật báo chí nhằm chạy tội cho Trương Văn Cam; quan hệ trực tiếp và trong thời gian dài với một số phần tử xấu.

Ban Chấp hành Trung ương nhận thấy những việc làm của hai đồng chí là sai lầm và khuyết điểm nghiêm trọng, gây ảnh
hưởng xấu đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Ban Chấp hành Trung ương quyết định cách chức ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và các chức vụ khác trong Đảng đối với đồng chí Bùi Quốc Huy và đồng chí Trần Mai Hạnh; đề nghị Chính phủ cách chức Thứ trưởng Bộ Công an, giáng cấp từ Trung tướng xuống Thiếu tướng đối với đồng chí Bùi Quốc Huy, cách chức Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đối với đồng chí Trần Mai Hạnh; đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam xem xét cách chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam đối với đồng chí Trần Mai Hạnh.

5 - Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét và cho ý kiến chỉ đạo về cơ cấu bộ máy Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI và việc chuẩn bị nhân sự để giới thiệu với Quốc hội.

Ban Chấp hành Trung ương cũng đã dành thời gian xem xét tình hình quốc tế và một số vấn đề khác.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ sáu (khóa IX) kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết nhất trí, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ do Hội nghị Trung ương 6 đề ra; phát huy truyền thống cách mạng của dân tộc, của Đảng, nắm chắc thời cơ, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; trước mắt nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2002, đưa đất nước ta tiến lên giành những thắng lợi mới.