UNHCR cần nhanh chóng thu xếp để người vượt biên sớm trở về

Ngày 16-2, trả lời câu hỏi của phóng viên Reuters (Anh) đề nghị bình luận về quyết định của UNHCR trì hoãn việc hồi hương những người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên vượt biên trái phép sang Cam-pu-chia sau khi có những phàn nàn từ phía Hoa Kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Phan Thúy Thanh nhấn mạnh:

Với thiện chí và lòng mong muốn sớm được đón đồng bào các dân tộc thiểu số, do bị kẻ xấu và các thế lực thù địch lừa gạt, đã vượt biên trái phép sang Cam-pu-chia và đang mong muốn được sớm trở về sum họp với gia đình vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, đồng thời thực hiện nghiêm túc tinh thần của thỏa thuận ba bên ngày 21-1-2002 giữa Việt Nam-Cam-pu-chia-UNHCR về vấn đề này, Việt Nam đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các quan chức UNHCR trong hai ngày 12 và 13-2-2002 đi thăm, làm việc với các nhà chức trách, gặp gỡ và nói chuyện trực tiếp với 28 gia đình có thân nhân vượt biên ở hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum theo đúng yêu cầu của UNHCR. Thông qua các chuyến thăm này, các quan chức UNHCR đã chứng kiến tận mắt cuộc sống của các gia đình trên, các điều kiện bảo đảm cho những người trở về tái hòa nhập cộng đồng trong an toàn và tôn trọng nhân phẩm, cũng như đã có dịp thấu hiểu nguyện vọng tha thiết của các gia đình là mong được sớm đón người thân trở về.

Chúng tôi được biết, những người vượt biên đang sống trong tình trạng rất khó khăn, tạm bợ và hầu hết mong muốn sớm được trở về quê hương để ổn định cuộc sống. Chính UNHCR đã cho chúng tôi biết có hơn 100 người muốn hồi hương ngay.

Theo kế hoạch mà UNHCR đã cam kết, hôm qua (16-2) phải diễn ra chuyến hồi hương đầu tiên. Tuy nhiên vừa qua UNHCR nêu một số lý do để hoãn chuyến hồi hương đầu tiên. Chúng tôi rất lấy làm tiếc và ngạc nhiên về thông báo của UNHCR. Đây là điều bất ngờ đối với thân nhân, gia đình những người sẽ trở về cũng như đối với Chính phủ và nhân dân Việt Nam.

UNHCR phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự chậm trễ này. Trong quá khứ, Việt Nam và UNHCR đã hợp tác tốt trong giải quyết các vấn đề nhân đạo.

Theo tinh thần đó, điều mà UNHCR cần làm ngay là thực hiện nghiêm túc thỏa thuận ba bên ngày 21-1-2002 và cam kết của UNHCR với Việt Nam ngày 11-2-2002, nhanh chóng thu xếp để số người nói trên sớm được trở về sum họp với gia đình, phù hợp với nguyện vọng của bà con và cũng phù hợp với tôn chỉ và mục đích của UNHCR.

Trả lời câu hỏi yêu cầu bình luận về ý kiến phát biểu của một nhà ngoại giao cấp cao của Hoa Kỳ ở Cam-pu-chia được Đài "Tiếng nói Hoa Kỳ" đưa lại ngày 16-2-2002 cho rằng "UNHCR đã hành động một cách vô cớ và hấp tấp, coi
thường các thủ tục pháp lý thông thường và cần có thêm điều tra và tư vấn thích đáng đối với những người trở về", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định:

Thỏa thuận ba bên ngày 21-2-2002 giữa Việt Nam - Cam-pu-chia - UNHCR là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết việc hồi hương số người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã vượt biên trái phép sang Cam-pu-chia. Thỏa thuận này là hợp tình, hợp lý và được dư luận nhiều nước đánh giá cao.

Kể từ sau khi thỏa thuận ba bên được ký kết, một số quan chức Hoa Kỳ đã có những hành động và phát biểu hoàn toàn không mang tính chất xây dựng và hết sức vô trách nhiệm. Điều này chỉ có thể hiểu là sự can thiệp thô bạo vào việc thực hiện thỏa thuận ba bên, gây sức ép với UNHCR, cố tình cản phá tiến trình đưa người trở về. Những việc làm đó là không nhân đạo, đi ngược lại nguyện vọng của những người hiện đang sống trong tình trạng rất khó khăn và nhiều người trong số họ đang ốm đau, bệnh tật tại các lán trại ở Cam-pu-chia đang mong muốn được sớm trở về cũng như thân nhân của họ ở Việt Nam. Những việc làm trên cũng thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với UNHCR, một tổ chức quốc tế quan trọng.