NFN trả lời về Hiệp ước biên giới trên đất liền VN-TQ

Ngày 5/2/2002, Nguời phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Phan Thuý Thanh đã trả lời câu hỏi của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam : Xin cho biết phản ứng của Việt Nam về những thông tin nói "Việt Nam có những nhượng bộ trong đàm phán và ký kết Hiệp ư ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc"?

Trả lời:

"Các cuộc đàm phán về các vấn đề biên giới, lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian qua, trong đó có vấn đề biên giới trên đất liền đã được tiến hành trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế như đã được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc và Tuyên bố 1970 về các nguyên tắc quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia, đặc biệt là các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, không can thiệp vào công việc nội bộ.

Trong quá trình đàm phán, Việt Nam và Trung Quốc căn cứ vào Công ước Pháp - Thanh 1887 và 1895 cùng các Biên bản bản đồ phân giới, cắm mốc kèm theo, cũng như các mốc giới đã được cắm đúng qui định để giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền. Đối với những vùng đất theo đúng các Công ư ước nói trên là của bên này nhưng bên kia quản lý quá thì bên quản lý quá phải trao trả cho bên kia không điều kiện. Về sông suối biên giới, hai bên đã giải quyết theo nguyên tắc: đối với những đoạn đã được Công ước Pháp - Thanh quy định rõ ràng thì theo quy định của các Công ước ; còn đối với những đoạn chưa được các Công
ước Pháp - Thanh quy định một cách rõ ràng thì theo thông lệ quốc tế, cụ thể là ở sông suối tàu thuyền đi lại được thì biên giới đi theo trung tâm luồng chính tàu thuyền đi lại, còn ở sông suối tàu thuyền không đi lại được thì biên giới theo trung tâm dòng chy hoặc dòng chảy chính.

Cần phải khẳng định rằng, kết quả đạt được thông qua đàm phán hữu nghị, trên tinh thần thông cảm, hiểu biết lẫn nhau, là thoả đáng và công bằng đối với cả hai bên. Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tại Hà Nội ngày 30-12-1999 đã khẳng định lại rõ ràng hơn đường biên giới đã được hoạch định trong lịch sử. Việc ký kết Hiệp ước này có một ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở cho việc xây dựng biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thành biên giới hoà bình và hữu nghị, ổn định lâu dài và là một bước tiến mới trong việc xây dựng môi trường hoà bình, ổn định trong khu vực, tạo điều kiện cho mỗi nước tập trung sức lực vào việc xây dựng và phát triển đất nước".