Hoạt động ngoại giao của Việt Nam trong năm 2001



Hà Nội (Ttxvn 28/12/2001)
Những ngày cuối cùng của năm 2001, năm đầu tiên của thế kỷ mới, thiên niên kỷ mới đang trôi qua. Nhìn lại một năm đầy ắp những sự kiện ngoại giao quan trọng cả trên phương diện song
phương và đa phương, chúng ta tự hào về thành quả mà hoạt động ngoại giao mang lại - góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế đất nước.

Có thể nói hoạt động ngoại giao năm 2001 đã sôi động ngay từ những ngày đầu năm, khởi đầu là chuyến thăm chính thức của Thủ tướng ấn Độ A.d Vajepaye từ ngày 7-10/1/2001, thu hút sự quan tâm của dư luận rộng rãi trong và ngoài nước. Tiếp sau là chuyến thăm của Tổng thống Singapore (tháng 2/2001), Tổng thống Liên bang Nga V.v.Putin đã thăm hữu nghị chính thức Việt Nam từ ngày 28/2-2/3/2001. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Nhà nước Liên bang Nga sang thăm chính thức Việt Nam, đã mở ra giai đoạn phát triển mới trong quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga, theo đó Việt Nam trở thành đối tác quan trọng của Liên bang Nga ở Châu á.

Như vậy, năm qua đã có 5 vị Tổng thống, 4 vị Thủ tướng; nhiều đoàn cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và trên 30 đoàn cấp Bộ trưởng các nước đến thăm và làm việc thể hiện sự coi trọng của bạn bè thế giới trong phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với Việt Nam.

Tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ 9 của Đảng, các vị lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã có nhiều chuyến thăm chính thức các nước láng giềng khu vực, các nước bạn bè truyền thống, các nước phát triển... góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước, phục vụ thiết thực sự phát triển kinh tế trong
nước. Đáng chú ý là chuyến thăm hữu nghị chính thức của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tới Lào (tháng 7), tới Trung Quốc (30/11-4/12), tiếp tục khẳng định mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong việc tăng cường, mở rộng hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống với các nước láng giềng anh em thân thiết, đặc biệt là nâng quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư tương xứng với tiềm năng và lợi ích của mỗi nước.

Trong tháng 11/2001, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã thăm chính thức Campuhchia, Indonesia, Brunei, Philippin nhằm tiếp tục thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước ta trong việc phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác ngày càng hiệu quả với các nước láng giềng khu vực. Từ ngày 6-16/10, Thủ tướng Phan Văn Khải đã thăm hữu nghị chính thức Tây Ban Nha, Đức và Hà Lan. Với việc ký kết nhiều văn bản hợp tác song phương, chuyến thăm đã góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước Tây Bắc Âu.

Một thành công không thể không kể đến trong hoạt động ngọai giao năm qua là Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ủy ban Thường trực Asean (Asc) và Diễn đàn Khu vực Asean (Arf), mà đỉnh cao là việc tổ chức thành công một loạt các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hồi tháng 7/2001 như: Hội nghị Bộ
trưởng Ngoại giao Asean lần thứ 34 (Amm-34), Diễn đàn khu vực Asean lần thứ 8 (Arf-8), các Hội nghị Asean+3 (với ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc), Asean+1 (với từng nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), Pmc (Asean với các bên đối thoại). Qua sự kiện này, vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Việc Thủ
tướng Phan Văn Khải dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 9 từ ngày 19-22/10/2001 tại
Thượng Hải (Trung Quốc) và dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 7 từ ngày 4-6/11 tại Brunei, với những đóng góp tích cực vào thành công chung của Hội nghị, cho thấy Việt Nam ngày càng chủ động tham gia hợp tác trong khuôn khổ đa phương.

Sau hơn 6 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hơn 5 năm đàm phán về Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, ngày 10/12/2001, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ chính thức có hiệu lực sau khi đã được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn ngày 28/11. ý nghĩa của Hiệp định này không chỉ đánh dấu một mốc mới trong quá trình bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai nước, mà còn thể hiện quyết tâm của Việt Nam trên con
đường hội nhập kinh tế quốc tế.

Nghị quyết Đại hội Đảng 9 đã chỉ rõ: "nhiệm vụ đối ngoại là tiếp tục giữ vững môi trường hòa bình và tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước..." Theo tinh thần đó, hoạt động ngoại giao năm 2001 đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ kinh tế đối ngoại của Việt Nam.

Theo báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa X, năm qua mặc dù tình hình có nhiều khó khăn hơn dự kiến, song kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 15,1 tỷ Usd. Tổng kim ngạch ngoại thương đạt xấp xỉ tổng sản phẩm trong
nước. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng lên với tổng nguồn vốn bên ngoài chiếm khoảng 40% tổng đầu tư toàn xã hội. Riêng 10 tháng đầu năm 2001, cả nước đã có 368 dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy phép với tổng vốn đăng ký 1.990 triệu Usd, tăng 34,3% về số dự án và tăng 19,3% về vốn so với cùng kỳ năm
trước. Với mức giải ngân Oda đạt khoảng 1,8 tỷ Usd trong năm qua, Việt Nam được Ngân hàng Thế giới và Cộng đồng các nhà tư vấn tài trợ đánh giá là một trong số các quốc gia sử dụng tốt nguồn tài vốn vay trợ. Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam năm 2001 tại Hà Nội, cộng đồng tài trợ đã cam kết dành cho Việt Nam khoản tín dụng 2,4 tỷ Usd, trong đó lần đầu tiên vốn FDI nhiều hơn vốn ODA. Kết quả này cho thấy Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn, tin cậy hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Với tinh thần "sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế", hoạt động đối ngoại năm 2001 còn góp phần tích cực thúc đẩy xuất khẩu lao động, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Cùng với sự phát triển ngày càng tăng của các quan hệ hợp tác song phương, Việt Nam còn chủ động, tích cực tham gia hợp tác đa phương trong khuôn khổ ASEAN, ASEM, APEC và chuẩn bị các điều kiện cho việc gia nhập WTO./.