Chiến dịch catfish chống cá tra và basa Việt Nam

Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ vừa được Tổng thống G.Bush ký chưa ráo mực thì thế giới đã phải chứng kiến những hành động trái ngược tinh thần Hiệp định của một nhóm các nhà kinh doanh Mỹ, trong một chiến dịch chống lại việc nhập khẩu cá tra và ba sa của Việt Nam vào thị trường này.

Chiến dịch này bắt đầu từ cuối năm 2000, có lúc dịu đi vài tháng, rồi lại sôi lên, ầm ĩ và gay gắt đến mức một số người Mỹ gọi đó là "chiến tranh catfish" hay "cuộc chiến mới chống Việt Nam". "Catfish" là tên tiếng Anh chỉ tất cả các loài cá da trơn (không có vảy), gồm cá trê, cá nheo, cá tra, ba sa, cá lăng, cá bông lau... Theo hệ thống phân loại ngư loại học, tất cả các loài cá nói trên đều thuộc Bộ Cá Nheo (Siluriformes), gồm khoảng 2.500 đến 3.000 loài cá khác nhau, phân bổ trong các thủy vực
nước ngọt, mặn và lợ trên khắp thế giới. Các loài cá này được xếp vào các họ cá khác nhau, trong đó có họ cá nheo Mỹ (Ictaluridae) và họ cá da trơn châu á (Pangasiidae). Loài cá nheo được nuôi ở Mỹ (Ictalurus puntatus) thuộc họ cá nheo Mỹ, còn cá tra (Pangasiuu hypophthalmus) và cá ba sa (Pangasius bocourti) được nuôi phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long thuộc họ cá da trơn châu á.

Lớn tiếng nhất trong cuộc chiến catfish hiện nay là Hiệp hội các chủ trại nuôi cá nheo Mỹ (CFA). CFA đại diện cho giới chủ trại nuôi cá giàu có ở bang Mi-xi-xi-pi và một số bang miền nam nước Mỹ. Các chủ trại nuôi cá nheo đã dày công đưa con cá nheo thành một loại thực phẩm được bán rộng rãi trên thị trường Mỹ, xếp thứ năm trong số các loài thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất. Chính vì vậy, họ rất tức tối khi những sản phẩm cá da trơn được nhập từ nước ngoài có phẩm chất tốt hơn, giá bán rẻ hơn, đang vào thị trường Mỹ.

Vì sao có chiến dịch catfish

Tháng 11-2000, một đoàn gần 20 người, bao gồm cả các giáo sư của Trương đại học Ô-bơn, các công ty nuôi và chế biến cá nheo Mỹ, do ông Gu-lo Cơ-tít, Chủ tịch Hiệp hội nuôi cá nheo của bang A-la-ba-ma dẫn đầu, đã sang Việt Nam tìm hiểu tình hình nuôi cá tra, cá ba sa của Việt Nam. Đoàn đã khảo sát kỹ tình hình thực tế nuôi và chế biến cá tra và ba sa tại các bè cá, ao nuôi, nhà máy chế biến tại An Giang và Cần Thơ. Đoàn đã đánh giá rất tốt về công nghệ nuôi, chế biến, điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm của cá Việt Nam.

Đầu tháng 2-2001, vào thời vụ ở Mỹ khan hiếm cá nheo, cá Việt Nam nhập khẩu tăng, bắt đầu một chiến dịch quảng cáo kéo dài 9 tháng, tiêu tốn 5,2 triệu USD do Viện Cá nheo Mỹ (TCI) phát động và được CFA tài trợ để chống lại việc nhập khẩu cá tra và ba sa của Việt Nam. Những áp-phích in trên các tạp chí thương mại và quảng cáo thực phẩm với những dòng tít như: "Đừng bao giờ tin vào sản phẩm catfish ngoại quốc". Trong nước, họ phát động chiến dịch "Người Mỹ ăn cá nheo Mỹ" và sáng tác ra nhãn hiệu "Cá catfish nuôi của Mỹ", tạo ra không khí bài xích đối với các sản phẩm thủy sản Việt Nam.

Ngày 28-6, Chủ tịch Hiệp hội CFA gửi thư cho Tổng thống Mỹ G.Bush đề nghị Chính phủ Mỹ đàm phán với Việt Nam một hiệp định riêng về cá catfish. Trong những tháng tiếp theo đó, Hiệp hội CFA đã thuê công ty luật Nathan Assôciates tiến hành thu nhập thông tin và mở chiến dịch tuyên truyền hạ thấp uy tín của cá Việt Nam, nhấn mạnh do cá Việt Nam nhập khẩu mà giá cá nheo ở Mỹ bị giảm tới 10%.

Một trong những nội dung nguy hiểm được CFA hoạch định trong chiến dịch của họ là tiến hành vận động, gây áp lực, lôi kéo nghị sĩ của các bang có nghề nuôi cá nheo, huy động mọi lực lượng ở các cơ quan lập pháp và hành pháp, tìm kiếm mọi sự hỗ trợ có thể bám víu để tiến công trả đũa các sản phẩm cá da trơn Việt Nam nhập khẩu.

Dưới sức ép của CFA, ngày 9-2, 8 thượng nghị sĩ và 4 hạ nghị sĩ, đại biểu cho các bang nuôi nhiều cá nheo, đã cùng ký tên dưới lá thư gửicho ông Rô-bớt Dô-ê-lích, đại diện thương mại Mỹ, kêu ca về việc cá tra, cá ba sa nhập khẩu từ Việt Nam gây thiệt hại cho nghề nuôi cá nheo Mỹ và yêu cầu Chính phủ Mỹ phải có biện pháp xử lý.

Ngày 11-7, các thượng nghị sĩ bang Mi-xi-xi-pi R.Sâu-ơ, B.Thom-xơn và thượng nghị sĩ bang A-can-dát Ma-ri-on Ba-ri đã tập hợp lực lượng, kêu gọi Quốc hội thông qua dự luật H.R.2439, dưới tên gọi "ghi nhãn về nguồn gốc xuất xứ" đối với cá nuôi nhập khẩu trong khâu bán lẻ, với những lập luận công khai bôi nhọ sản phẩm của Việt Nam. Tuy nhiên, dự luật này không được đưa ra thông qua, do Thượng viện Mỹ đã bác bỏ một dự luật có nội dung tương tự đối với sản phẩm nông nghiệp nuôi trồng.

Ngày 15-8, nghị sĩ Mỹ M.Rốt gửi thư đề nghị cho biét các biện pháp Việt Nam đã thực hiện về việc kiểm soát ghi nhãn cá xuất khẩu vào Mỹ. Ngày 17-8, đại diện Bộ Thủy sản Việt Nam đã có thư trả lời, thông báo rõ những biện pháp Việt Nam đã và đang thực hiện. Ngày 27-9, Cục FDA (Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ) gửi thư đề nghị gửi mẫu cá da trơn nguyên con của các loài cá Việt Nam cho Mỹ và chúng ta đã thực hiện ngay. Nhưng phía Mỹ vẫn không dừng lại.

Trong một bài viết gần đây cho tờ Bưu điện Oa-sinh-tơn,
Thượng nghị sĩ M.Ba-ri thậm chí còn vô lý nói rằng, cá da trơn nuôi ở sông Mê Công có thể chứa cả dư lượng chất độc da cam mà quân đội Mỹ đã rải xuống đây trong thời gian chiến tranh.

Ngày 5-10, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật H.R.2964, chỉ cho phép sử dụng tên cá "catfish" cho riêng các loài thuộc họ Ictaluridae, thực chất là cho riêng loài cá nheo Mỹ Ictalurus punctatus. Việc tự giành quyền sử dụng một tên gọi rất thông dụng của hơn 2.500 loài cá khác nhau trên thế giới lấy làm tên riêng cho một loài cá của mình là một hành động "vô tiền khoáng hậu", mà thế giới không thể chấp nhận.

Tiếp đó, nửa đêm 24 rạng ngày 15-10, Thượng viện đã bỏ phiếu miệng thông qua 35 điều luật bổ sung cho dự luật số H.R.2330 về phân bổ ngân sách nông nghiệp năm tài chính 2002, trong đó có điều luật số SA 2000, quy định FDA không được sử dụng ngân sách được cấp để làm thủ tục cho phép nhập khẩu các loài cá da trơn mang tên "catfish", trừ phi chúng thuộc họ Ictaluridae!

Cá da trơn Việt Nam có phải là nguyên nhân làm giảm giá cá nheo Mỹ

Trước năm 1997, cá da trơn vào Mỹ chủ yếu từ Bra-xin, với mức kỷ lục đạt 8,2 triệu pao (Ib) năm 1986, tương đương mức nhập khẩu năm 2000, nghĩa là mức của 15 năm sau đó. Từ 1997 đến nay, Việt Nam chiếm phần lớn khối lượng nhập khẩu vào thị trường Mỹ, với sản phẩm chính là philê cá đông lạnh, ước năm 2001 Mỹ nhập khẩu 14-16 triệu Ib. Mặc dù đang tăng, nhưng thị phần cá da trơn Việt Nam năm 2001 vẫn thấp hơn nhiều so với thị phần cá da trơn nhập khẩu từ Bra-xin) năm 1986 (6,7%).

Từ 1990 đến nay, giá cá nheo nuôi đã giảm rất nhiều, trước khi nhập khẩu cá da trơn Việt Nam gia tăng trong hai năm 2000-2001. Giá trung bình năm 1991 là 65 pao, giảm 13 xu đô-la/Ib so với năm 1990, trong khi nhập khẩu tăng từ 4 triệu Ib lên 5,2 triệu Ib. Giá trung bình năm 2001 là 65 xu đô-la Ib, chỉ giảm có 10 xu đô-la so với năm 2000, trong khi nhập khẩu tăng từ 8,2 triệu Ib lên 16 triệu Ib. Diễn biến giá và khối lượng nhập khẩu từ 1991 đến 2000 cũng theo xu hướng trên, nhưng mức giá trung bình năm 2001 khi cá da trơn nhập khẩu chỉ chiếm 5,2% thị phần vẫn thấp hơn 2 xu đô-la/Ib so với giá trung bình năm 1986 (67 xu đô-la/Ib) khi cá da trơn nhập khẩu chiếm 6,7% thị phần.
Sau khi phân tích các số liệu thống kê từ năm 1986 đến nay, các báo cáo trên của cả cơ quan chính quyền và Viện nghiên cứu tư nhân Mỹ đều kết luận những nguyênn hân chính dẫn đến việc giảm giá cá nheo nuôi trên thị trường Mỹ là: Thứ nhất, thức ăn chiếm phần lớn chi phí nuôi cá nheo, nhưng giá bột ngô và bột đậu nành là hai thành phần chính để sản xuất thức ăn trong những năm gần đây giảm mạnh, kéo giá cá nguyên liệu giảm theo.

Thứ hai, lượng cung cấp cá nguyên liệu tăng do diện tích nuôi đã tăng từ 147.100 mẫy (1995) lên 185.700 mẫu (đơn vị đo diện tích của Mỹ) như hiện nay, chủ yếu tập trung ở bốn bang miền nam chiếm 90% sản lượng cá nheo nuôi của Mỹ là Mi-xi-xi-pi, A-la-ba-ma, A-can-dát và Lu-di-a-na.

Thứ ba, số lượng cá thương phẩm chưa thu hoạch đầu tháng 7-2001 là 370 triệu con, tăng 30% so với cùng kỳ 2000. Số lượng cá bột, cá giống và cá hương khoảng 2,6 tỷ con, tăng 1%.

Thứ tư, giá của sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với cá nheo nuôi là thịt già giảm mạnh do thức ăn giảm và sản lượng tăng. Giá trung bình năm 2001 của sản phẩm này là 33 xu đô-la/Ib, giảm 6 xu đô-la/Ib so với giá trung bình các năm 1993-1998 và giảm 1 xu đô-la so với giá trung bình các tháng đầu năm nay.

Theo phân tích của Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế (ERS), thị phần cá da trơn nhập khẩu năm 1986 rõ ràng là cao hơn so với năm 2001, nhưng giá sản phẩm cá nheo nuôi khi đó vẫn cao hơn hiện nay. Khối lượng nhập khẩu từ tháng 6-2001 bắt đầu giảm
nhưng trong thực tế giá mua nguyên liệu và giá bán sản phẩm đã bắt đầu giảm từ tháng 8-2000 và sau tháng 6-2001 vẫn tiếp tục giảm. Ngoài ra, khối lượng nhập khẩu từ 1997 đến 2000 tang 7,3 triệu Ib, nhưng lượng tiêu thị sản phẩm cá nheo nuôi trong cùng kỳ vẫn tăng 35,4 triệu Ib! Theo ước tính khối lượng nhập khẩu năm 2001 sẽ tăng 8 triệu Ib so với năm 2000 (gấp đôi), nhưng lượng tiêu thụ sản phẩm cá nheo nuôi chỉ giảm 2,7 triệu Ib.

Ngoài ra còn phải kể đến việc các nền kinh tế lớn của thế giới là Mỹ, Nhật Bản và EU đang ở trong tình trạng suy thoái, đặc biệt là sau sự kiện ngày 11-9, khiến cho sức mua và nhu cầu tiêu dùng đều giảm.

Như vậy, có thể kết luận rằng, việc tăng nhập khẩu cá da trơn của Việt Nam không phải là nguyên nhân làm giảm giá bán và
lượng tiêu thụ sản phẩm cá nheo nuôi nội địa của Mỹ. Giá giảm chỉ là một hiện tượng kinh tế diễn biến bình thường theo chu kỳ phát triển, do các nguyên nhân của sản xuất và tiêu thụ của chính thị trường Mỹ gây ra.

Chất lượng và an toàn của cá tra và ba sa Việt Nam

Về môi trường nước nuôi, chắc chắn nước sông Mê Công không bị ô nhiễm như nước sông Mu-xi-xi-pi của Mỹ. Chất lượng nước ở hạ lưu sông Mê Công được kiểm soát chặt chẽ bởi một hệ thống giám sát quốc gia và quốc tế, dựa trên cơ sở những cam kết giữa các
nước trong vùng và các tỏ chức quốc tế có uy tín. Từ năm 1999 đến nay, FDA Mỹ thường xuyên nhận được báo cáo về chất lượng môi trường các vùng nuôi thủy sản của Việt Nam, kết quả chương trình kiểm soát dư lượng chất độc hại trong cá ba sa và cá tra nuôi ở Việt Nam do Trung tâm Kiểm tra Chất lượng và Vệ sinh thủy sản (NAFIQACEN) thực hiện. Các báo cáo này cho thấy các chỉ tiêu về dư lượng kim loại nặng và thuốc trừ sâu tại 30 trạm ở hạ lưu sông Cửu Long đều thấp hơn nhiều lần mức quốc tế cho phép. Lẽ dễ hiểu, bởi khu vực này công nghiệp chưa phát triển và phát triển nông thôn các loài thuốc trừ sâu độc hại đã từ lâu không sử dụng.

Cần phải nói thêm rằng, những gì một vài người Mỹ nói về việc "sông Mê Công bị ô nhiễm nặng", "có dư lượng chất độc da cam"... đều chỉ là những điều nằm trong trí tưởng tượng của họ, bởi khi bị các phóng viên Mỹ hỏi dồn, họ hoàn toàn không thể
đưa ra một bằng chứng khoa học nào để chứng minh cho những giả thuyết phi lý đó.

Và cũng cần phải nêu ra đây điều mà có thể ít người tiêu dùng Mỹ được biết. Đó là việc các ao nuôi cá nheo của Mỹ phải khai thác nước ngầm để nuôi cá, và đáy ao thường xuyên tích tụ một lượng bùn rất dày, có trường hợp dày 1,5 đến 2m, kết quả lắng đọng của thức ăn thừa, của phân cá, do phải sau một chu kỳ sản xuất tám năm đáy ao mới được dọn sạch một lần. Nước trong ao luôn tanh mùi bùn. Các chủ trại nuôi cá nheo Mỹ thường xuyên phải dùng chất hóa học "diuron" - một loại chất độc đã được liệt vào danh mục cấm sử dụng của Cục Môi trường Mỹ - để thả xuống các ao nuôi cá nheo của họ. Đó là biện pháp được sử dụng để chống lại sự phát triển của tảo lam trong các ao nuôi nước tù hám, tránh cho cá nheo của họ nuôi khỏi hôi mùi bùn! Và để hợp thức hóa, đánh lừa công chúng, hằng năm học phải thương lượng với Cục Môi trường Mỹ để được phép gia hạn việc cho phép sử dụng loại thuốc độc "diuron" nói trên. Không giống như các chủ trại nuôi cá nheo Mỹ, người Việt Nam không bao giờ đánh thuốc độc các vùng nước nuôi thủy sản của mình. Và thịt cá tra, cá ba sa của Việt Nam không hề có mùi bùn.

Về quy trình nuôi và chất lượng cá: Tháng 10-1998, phái đoàn thủy sản Mỹ gồm hơn 20 người, do Giám đốc Cục Nghề cá biển Hoa kỳ (NMFS) R.Smít-ten dẫn đầy, cùng với đoàn doanh nghiệp thủy sản do ông R.Gơ-tinh, nay là Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Mỹ (NFI), dẫn đầu, đã đến thăm vùng nuôi cá bè ở An Giang, tận mắt khảo sát tình hình nuôi, chế biến, quản lý chất lượng và đã có ấn tượng rất tốt về tình hình nuôi cá da trơn, công nhận việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước trong quá trình nuôi và chất lượng cá trong quá trình chế biến.

Đoàn các doanh nghiệp nuôi và chế biến cá nheo Mỹ, cùng với các nhà khoa học của bang A-la-ba-ma sang tìm hiểu tình hình nuôi cá basa và cá tra tháng 11-2000 cũng đã có cùng kết luận. Sau khi thăm nhiều cơ sở sản xuất và chế biến của Việt Nam từ khâu chọn giống, cho đẻ, ương cá, nuôi vỗ, sản xuất thức ăn và chế biến cá, được biết hệ thống quản lý chất lượng theo HACCP, GMP và SSOP của các doanh nghiệp Việt Nam, đoàn đã nhận xét nguồn nước sông Cửu Long để nuôi cá bè rất tốt, công nghệ nuôi và chế biến hiện đại, thậm chí có mặt còn hơn các nhà máy chế biến bên Mỹ.

Ông H. Smích, tùy viên nông nghiệp sau khi thăm An Giang cũng nhất trí rằng, các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đều bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, tuân thủ chặt chẽ HACCP.

Các thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm và HACCP của FDA do ông B.Cun-xi Trưởng phòng của Văn phòng Thủy sản dẫn đầu đến kiểm tra các doanh nghiệp Việt Nam nhiều lần cũng kết luận rằng, các doanh nghiệp đều bảo đảm vệ sinh, tuân thủ chặt chẽ HACCP. Trong thực tế, Chương trình quản lý HACCP cho từng lô hàng đều được gửi cho FDA. Từ khi đặt chân vào thị trường Mỹ (năm 1995) đến nay, các lô hàng cá basa và cá tra của Việt Nam chưa từng một lần bị trả lại vì các lý do liên quan vệ sinh an toàn thực phẩm mà chỉ có lời khen của người tiêu dùng Mỹ vì chất lượng thơm ngon.

Chính CFA đã từng thuê phòng kiểm nghiệm của Cục NMFS giám định chất lượng cá basa vì "lý do an toàn sứckhỏe cho người". Có lẽ ai cũng đoán được vì sao họ chẳng bao giờ để lọt cho công chúng biết kết quả kiểm nghiệm do chính Cục NMFS thực hiện.

Việc dùng từ "catfish" cho cá da trơn Việt Nam

Như đã nói, catfish là tên chung của tất cả các loài cá da trơn, việc sử dụng tên "catfish" (kèm theo các tính từ xác định từng loài) cho các sản phẩm cá da trơn Việt Nam là hoàn toàn đúng quy định và chuẩn mực thương mại quốc tế.
Về phương diện khoa học, nhiều nhà khoa học của Mỹ, trong đó có tiến sĩ C.Phe-ra-rít thuộc Viện hàn lâm Khoa học Ca-li-pho-ni-a, đã lên tiếng thừa nhận cá da trơn của Việt Nam thuộc giống Pangasius cũng như cá nheo nuôi Ictalurus puncatatus ở Mỹ và phần lớn trong số 2.500 loài cá da trơn, thuộc 30 - 35 họ cá, phân bố khắp thế giới, đều được người Mỹ và những người nói tiếng Anh gọi là "catfish".

Về phương diện luật pháp, theo quy định hiện hành của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Hoa kỳ (US FDA), các loài cá da trơn của Việt Nam đều được mang tên thương mại có chữ "catfish" cùng với một tính từ xác định loại kèm theo. Cá basa có thể dùng một trong năm tên (Basa, Bocourti fish, Basa catfish và Bocourti catfish) còn cá tra có thể dùng một trong ba tên (Swai, Sutchi Catfish và Striped catfish).

Về nhãn mác, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đều nghiêm túc thực hiện các quy định của FDA và của Chính phủ Việt Nam về sử dụng các tên thương mại cho cá tra và basa, cũng như cho tất cả các sản phẩm thủy sản khác. Ngoài ra, trên bao bì xuất khẩu bao giờ cũng in rõ "Sản phẩm của Việt Nam" hoặc "Sản xuất tại Việt Nam" (Product of Vietnam/Produced in Vietnam). Điều này đã được khẳng định bởi cơ quan FDA Và đã được nhắc lại trong Công hàm ngày 16-7-2001 của Bộ Thủy sản gửi Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, thư ngày 24-7-2001 của VASEP và Công thư số 453/CL/TH ngày 26-7-2001 của NAFIQACEN gửi FDA.

Có thể dẫn lời nhận xét của ông R.Rach-ân-ơ, chuyên gia nổi tiếng người Mỹ về ma-két-tinh thủy sản. Ông nói thẳng: "Đây không phải là vấn đề về chất lượng, an toàn vệ sinh, nhãn mác, hay bất cứ một thứ gì khác, đây là vấn đề chênh lệch giá. Các chủ trại nuôi cá nheo Mỹ căm tức vì Việt Nam đã bán vào thị trường nước Mỹ loại cá da trơn chất lượng tốt, với mức giá mà họ không tài nào cạnh tranh nổi. Vậy thôi.

Cũng nên dẫn lời của ông R.Cơ-tinh, Chủ tịch đương nhiệm của Hiệp hội Thủy sản Hoa Kỳ (NFI), tổ chức tập hợp đông đảo nhất những người sản xuất và kinh doanh thủy sản của Mỹ, để nhắn nhủ cho những người chủ trại cá nheo Mỹ đang chủ trương gây ra một cuộc chiến thương mại: "Cá da trơn hiện đang được nuôi ở nhiều nước. Công nghệ đã có, thị trường cũng sẵn. Cuối cùng thì sau khi tiêu tốn hàng đống tiền để ngăn cản nhập khẩu cá da trơn của Việt Nam, các nhà sản xuất cá nheo của Mỹ sẽ chẳng được hưởng tí lợi lộc gì, vì biết đâu cả thế giới sẽ nhảy vào cuộc và bắt đầu nuôi cá da trơn.

PGS, TS NGUYễN HữU DũNG
Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến
và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)