Báo cáo phát triển con người Việt Nam 2001



Hà Nội (Ttxvn 27/11/2001)
Lần đầu tiên, một báo cáo về phát triển con người Việt Nam do nhóm chuyên gia Việt Nam xây dựng với sự giúp đỡ của
Chương trình phát triển Liên hợp quốc (Undp) được công bố.

Báo cáo với tên gọi " Đổi mới và Sự nghiệp phát triển con người ở Việt Nam" ghi nhận rằng thông qua quá trình đổi mới, Chính phủ Việt Nam đặt con người ở vị trí trung tâm của sự nghiệp phát triển, tăng cường tiềm năng của con người và chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người. Điều này thể hiện qua việc "chỉ số con người (Hdi)" của Việt Nam đã tăng từ 0,581 năm 1985 lên 0,647 năm 1995 và gần đây là 0,682. Theo Undp, hiện nay Việt Nam đứng ở vị trí 101 trong tổng số 162 nước được xếp hạng về chỉ số Hdi, như vậy cao hơn so với dự kiến, xuất phát từ mức thu nhập Gdp/đầu người còn thấp như hiện nay (dưới 400 Usd).

Báo cáo nêu rõ, thông qua các biện pháp cải cách, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kể về rất nhiều phương diện phát triển kinh tế-xã hội. Tỷ lệ nghèo đã giảm mạnh từ trên 70% vào giữa thập kỷ 80 xuống còn khoảng 37% năm 1998 căn cứ theo chuẩn nghèo quốc tế- đây là một trong những mức giảm nhiều nhất trong số các nước đang phát triển. Công cuộc đổi mới đã cải thiện đáng kể cuộc sống ở nông thôn Việt Nam tập trung gần 90% người nghèo. Những biện pháp cải cách trong nông nghiệp đã giúp Việt Nam từ một nước thiếu lương thực trầm trọng trở thành một trong những nước đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê và các nông sản khác. Tuổi thọ trung bình tiếp tục tăng và tỷ lệ biết chữ ở người lớn được duy trì ở mức trên 90%. Tỷ suất tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm xuống còn 42/1000 ca sinh và tỷ lệ nhập học ở các cấp tiểu học đã tăng từ 91% năm học 1993/94 lên tới 95% năm học 1998/99.

Báo cáo cho rằng giai đoạn xóa đói giảm nghèo một cách dễ dàng đã qua và Việt Nam phải có những nỗ lực cao hơn trong quá trình phấn đấu thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ đói nghèo trong thập kỷ tới. Báo cáo đưa ra phương thức hỗ trợ nhiều mặt có trọng điểm, đối tượng rõ ràng hơn để tiếp cận với những nhóm dân cư hiện đang sống trong tình trạng khó khăn và nghèo đói nhằm đảm bảo cho người nghèo có thể tham gia nhiều hơn vào công cuộc phát triển đất nước. Cụ thể là tăng cường khả năng tiếp cận với những thông tin bổ ích, cải thiện đường giao thông và các công trình hạ tầng cơ sở khác ở nông thôn, cung cấp các dịch vụ xã hội có hiệu quả và các chính sách khác nhằm hỗ trợ những nhóm dân cư nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn.

Theo đánh giá của ông Edouard A.Wattez, Đại diện thường trú Undp tại Việt Nam, những mục tiêu phát triển con người do Chính phủ Việt Nam đặt ra rất phù hợp với các mục tiêu phát triển cho đến năm 2015 và được cộng đồng quốc tế nhất trí. Việt Nam đã vượt tiến độ theo kế hoạch trong quá trình thực hiện một số mục tiêu này như về tỷ lệ nhập học ở cấp tiểu học. Tuy nhiên, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng của các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục và chăm sóc y tế./.