Việc Việt Nam tham gia APEC đem lại lợi ích quan trọng
Nhân dịp Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu á - Thái Bình Dương (APEC) họp tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan, thành viên Đoàn đại biểu Việt Nam dự hội nghị, đã có cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên báo Nhân Dân. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
Phóng viên (PV): Theo Bộ trưởng, năm nay APEC họp cấp cao trong bối cảnh có những đặc điểm gì?
Bộ trưởng (BT): Đây là cuộc họp cấp cao đầu tiên của APEC trong thế kỷ mới. Người ta dự báo rằng, trong thế kỷ 21 sẽ có nhiều biến đổi. Riêng về kinh tế có hai chiều hướng lớn: đó là quá trình toàn cầu hóa và kinh tế mới (mà ta thường gọi là kinh tế tri thức), tạo ra nhiều cơ hội đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức mới.
Đó là nói về triển vọng dài hạn. Còn về ngắn hạn thì các nền kinh tế châu á - Thái Bình Dương cũng như kinh tế thế giới nói chung đang phải đối mặt nhiều thách thức khá gay gắt. Ngay từ cuối năm ngoái, kinh tế thế giới đã có những biểu hiện trì trệ, trong năm nay chiều hướng ấy càng rõ nét hơn và nó càng trở nên trầm trọng hơn sau sự kiện 11-9 ở Mỹ. Nếu như kinh tế thế giới năm ngoái tăng 4,7% thì năm nay nhiều lắm cũng chỉ trên dưới 2%, nhiều nền kinh tế, kể cả trong khu vực châu á - Thái Bình Dương, thậm chí rơi vào tình trạng suy thoái.
PV: Vậy cách đề cập của APEC lần này như thế nào trước bối cảnh đó?
BT: Cách tiếp cận của APEC thể hiện ngay trong chủ đề của Hội nghị: "Đương đầu với những thách thức mới trong thế kỷ mới: đạt sự phồn vinh chung thông qua gắn kết và hợp tác". Nói một cách khác, trước những thách thức mới càng cần phải gia tăng sự liên kết và hợp tác để phát triển.
PV: Điều đó thể hiện qua những quyết định gì của hội nghị?
BT: Hội nghị thông qua hai văn kiện: Thỏa thuận Thượng Hải và Tuyên bố chung, tập trung ba chủ đề: đẩy mạnh thương mại và đầu tư; chia sẻ lợi ích trong toàn cầu hóa và kinh tế mới; thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế bền vững.
Thể theo ba chủ đề đó, có thể nêu lên một số thỏa thuận cụ thể như:
Một là, tạo thuận lợi hơn nữa trong buôn bán nội khối và góp phần thúc đẩy vòng đàm phán mới trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
APEC đã từng chủ trương thực hiện tự do hóa thương mại nội khối vào năm 2010 đối với các nền kinh tế phát triển và vào năm 2020 đối với các nền kinh tế đang phát triển. Lần này hội nghị thỏa thuận cơ chế "đi đầu" trong việc thực hiện mục tiêu này, tức là nền kinh tế nào muốn đi nhanh hơn trong quá trình tự do hóa thì có thể đi đầu để khuyến khích các nền kinh tế khác làm theo. Đồng thời, hội nghị thỏa thuận áp dụng những biện pháp mới để giảm 5% chi phí giao dịch trong vòng năm năm, từ đó khuyến khích thương mại và đầu tư.
Các nền kinh tế thành viên APEC chiếm vị trí lớn trong nền kinh tế thế giới cho nên tiếng nói của APEC có trọng lượng lớn trong WTO. Đứng trước xu thế toàn cầu hóa và những khó khăn trước mắt, hội nghị lần này đồng thanh ủng hộ sớm mở vòng đàm phán mới của WTO. ở đây có vấn đề vướng mắc là nhiều nước công nghiệp phát triển muốn đẩy mạnh quá trình tự do hóa bằng cách nêu ra những yêu cầu mới về dịch vụ, đầu tư, nông nghiệp, thậm chí nêu ra cả những vấn đề không liên quan gì tới thương mại như tiêu chuẩn lao động, môi trường. Trái lại các nước đang phát triển muốn tập trung kiểm điểm những thỏa thuận đã có, yêu cầu các nước công nghiệp mở rộng hơn nữa thị trường cho các nước đang phát triển. Hội nghị lần này thỏa thuận rằng, vòng đàm phán mới phải theo một chương trình "cân bằng", "đủ rộng", có tính đến lợi ích của tất cả các bên, nhất là các nước đang phát triển.
Hai là, đứng trước triển vọng kinh tế mới phát triển mạnh mẽ trong thế kỷ 21, hội nghị bàn nhiều biện pháp để đón lấy chiều hướng đó. APEC đã đề ra Chiến lược điện tử nhằm phục vụ yêu cầu tăng trưởng, tạo nhiều việc làm, cải thiện dịch vụ công cộng và nâng cao năng lực quản lý. Đồng thời hội nghị cũng chủ trương thúc đẩy việc đổi mới cơ chế thương mại cho phù hợp sự phát triển của kinh tế mới, chú trọng hơn lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Ba là, có một thực tế là APEC bao gồm các nền kinh tế có trình độ phát triển khác nhau. Trong khi đó, cả quá trình toàn cầu hóa lẫn sự ra đời của kinh tế mới đều có thể đào sâu hơn nữa hố ngăn cách giữa các nền kinh tế thành viên. Không chú trọng giải quyết vấn đề này thì khó bề có sự phát triển bền vững. Để khắc phục thách thức ấy thì một trong những nhân tố hàng đầu là phát triển nguồn nhân lực. Chính vì vậy mà hội nghị đã dành mối quan tâm rất cao cho vấn đề xây dựng năng lực, đào tạo con người, nhất là hợp tác, hỗ trợ các nền kinh tế có trình độ phát triển thấp hơn trong lĩnh vực trọng yếu này. Theo hướng đó hội nghị hoan nghênh việc xây dựng một Chương trình APEC về giáo dục.
Và cuối cùng có một vấn đề thời sự là chống khủng bố vì hội nghị họp vào lúc vấn đề này đang nổi cộm, do đó đã ra một bản tuyên bố riêng lên án "mọi hành động giết người và khủng bố dưới bất kỳ hình thức nào, được tiến hành ở bất cứ đâu, vào thời điểm nào và bởi đối tượng nào", khẳng định chủ trương hợp tác chống khủng bố trên cơ sở triệt để tôn trọng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.
PV: Việt Nam đã tranh thủ được gì qua sự hợp tác trong APEC và đã đóng góp gì cho hội nghị?
BT: Việt Nam chính thức gia nhập APEC từ năm 1998 vì Việt Nam là một bộ phận cấu thành của khu vực châu á - Thái Bình Dương, các nền kinh tế ở khu vực này chiếm hơn 70% kim ngạch buôn bán và đầu tư ở Việt Nam. Việc Việt Nam tham gia APEC đã đem lại lợi ích "vô hình" nhưng cực kỳ quan trọng; đó là môi trường quốc tế thuận lợi hơn, vị thế quốc tế được nâng cao, từ đó có điều kiện mở rộng và đa dạng hóa thị trường, tranh thủ thêm vốn và công nghệ để phát triển. Không phải ngẫu nhiên mà tốc độ tăng trưởng buôn bán giữa Việt Nam với các nước này thuộc loại cao nhất trong số bạn hàng của Việt Nam.
Sự hợp tác trong khuôn khổ APEC giúp Việt Nam đổi mới một số cơ chế chính sách thương mại cho phù hợp luật lệ chung, tranh thủ được sự trợ giúp trong việc đào tạo nhân lực, thí dụ vừa qua đã tổ chức được các lớp tập huấn về khuôn khổ pháp lý cho thương mại điện tử.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực trước những thách thức mới do quá trình toàn cầu hóa và kinh tế mới đặt ra, tại Hội nghị Thượng Hải, Việt Nam đã đề ra sáng kiến về đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực được hội nghị ủng hộ, nêu vấn đề về việc đơn giản hóa thủ tục kết nạp thành viên mới vào WTO được nhiều nước tán thành. Các nền kinh tế đều lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ việc Việt Nam gia nhập WTO và đồng ý để Việt Nam cùng những nước đang đàm phán gia nhập WTO được tham gia vòng đàm phán mới.
Cũng như nhiều tổ chức đa biên khác, APEC tạo ra môi trường cần thiết cho sự hợp tác để phát triển nhưng có khai thác tốt được hay không những thuận lợi ấy tùy thuộc chủ yếu vào tính chủ động, tích cực của bản thân chúng ta.