Trích Tuyên bố Chủ tịch Arf-8


Hà Nội (Ttxvn 25/7/2001)
Hội nghị lần thứ 8 Diễn đàn khu vực Asean (Arf-8) diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 25/7/2001, dưới sự chủ tọa của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Dy Niên. Kết thúc, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Chủ tịch Arf-8. Sau đây là lược trích nội dung Tuyên bố này:

Đánh giá chung tiến trình Arf

- Các Bộ trưởng ghi nhận tiến trình Arf tiếp tục đạt được tiến bộ và đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực, đặc biệt là trong việc tăng cường và thúc đẩy đối thoại và hợp tác về các vấn đề chính trị và an ninh ở khu vực Châu á - Thái Bình Dương.

- Các Bộ trưởng ghi nhận những đóng góp của Arf cho hòa bình và ổn định khu vực và nhấn mạnh rằng xây dựng lòng tin là nội dung trọng yếu và động lực chính xuyên suốt tòan bộ tiến trình Arf. Các Bộ trưởng nhất trí rằng cần tăng cường hơn nữa tiến trình này và các biện pháp xây dựng lòng tin.

- Các Bộ trưởng khẳng định rằng Arf sẽ tiếp tục phát triển với bước đi phù hợp với tất cả các nước tham gia Arf và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Arf thông qua các quyết định bằng đồng thuận và trên cơ sở không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác. Các Bộ trưởng hài lòng ghi nhận việc Asean tiếp tục đóng vai chủ chốt trong Arf và bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Asean tiếp tục vai trò này trong tiến trình Arf.

- Các Bộ trưởng đánh giá cao Việt Nam, trong cương vị Chủ tịch Arf, đã tiếp tục và mở rộng các tiếp xúc không chính thức với các tổ chức quốc tế và khu vực khác, nhất là với Liên hợp quốc, Tổ chức các nước châu Mỹ (Oas) và Phong trào Không liên kết. Các Bộ trưởng đánh giá cao Chủ tịch Arf đã đảm nhận thành công vai trò chủ tịch duy trì các kênh thông tin trong thời gian giữa các cuộc họp của Arf, giúp cho các nước tham gia Arf có thể trao đổi các thông tin liên quan đến Arf một cách kịp thời và trên cơ sở tự nguyện.

- Các Bộ trưởng đồng ý thông qua các Tài liệu về: Tăng cường vai trò của Chủ tịch Arf; Đăng ký chuyên gia/nhân sĩ Arf; và Các khái niệm và nguyên tắc của ngoại giao phòng ngừa (Ngpn) như là sự ghi nhận kịp thời tình hình thảo luận hiện tại về Ngpn ở Arf.

Các vấn đề thảo luận chính

- Các Bộ trưởng đã có các cuộc thảo luận sâu rộng về tình hình chính trị và an ninh ở Châu á- Thái Bình Dương kể từ Arf-7 tháng 7/2000, đặc biệt là những diễn biến lớn ảnh hưởng đến môi trường an ninh khu vực.

-các Bộ trưởng chia xẻ quan điểm cho rằng nhìn chung, tình hình khu vực Châu á-thái Bình Dương tiếp tục tương đối ổn định. Các Bộ trưởng ghi nhận tầm quan trọng của việc các cường quốc duy trì quan hệ hòa bình và ổn định là điều kiện thiết yếu cho hòa bình và an ninh khu vực, và cho rằng các cường quốc cần tiếp tục các nỗ lực cải thiện và phát triển quan hệ của mình để đóng góp vào hòa bình và ổn định ở khu vực.

-các Bộ trưởng hoan nghênh phát triển tích cực gần đây trong tình hình chung ở Bán đảo Triều Tiên kể từ sau cuộc gặp cấp cao hai miền Nam-bắc ngày 15/6/2000 tại Bình Nhưỡng, và sự tham gia tích cực của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên vào các hoạt động của Arf trong năm qua. Các Bộ trưởng hoan nghênh tiến bộ đạt được trong các cuộc tham khảo giữa Asean và Trung Quốc nhằm xây dựng Bộ qui tắc ứng xử ở Biển Đông.

- Các Bộ trưởng ghi nhận tầm quan trọng của Hội nghị cấp cao không chính thức lần thứ tư tại Singapore tháng 11/2000. Tại đó, các vị lãnh đạo Asean đã thỏa thuận thúc đẩy các sáng kiến nhằm đẩy mạnh liên kết và góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển trong Asean, và các vị lãnh đạo Asean và ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc quyết định xúc tiến các sáng kiến hướng tới hợp tác Đông á chặt chẽ hơn trong khuôn khổ Asean+3.

- Các Bộ trưởng khẳng định các mục tiêu và nguyên tắc của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam á (Tac) là cơ sở thúc đẩy hợp tác, thân thiện và hữu nghị ở Đông Nam á và giữa Asean với các bên đối thoại của Asean và với các nước thành viên Arf khác. Các Bộ trưởng hoan nghênh việc các nước Asean thông qua Qui chế thủ tục của Hội đồng tối cao Tac tại Amm-34 tháng 7/2001 tại Hà nội. Các Bộ trưởng ghi nhận việc các nước ngoài khu vực Đông Nam á xem xét tham gia vào Tac nhằm xây dựng Tac thành một bộ quy tắc ứng xử trong quan hệ giữa các nước Đông Nam á và các nước ngoài khu vực.

- Các Bộ trưởng điểm lại các tiến bộ liên quan đến việc thực hiện Hiệp ước Khu vực Đông Nam á Không có vũ khí hạt nhân (Seanwfz). Các Bộ trưởng hoan nghênh cuộc đối thoại trực tiếp gần đây giữa các nước thành viên Hiệp ước và các cường quốc vũ khí hạt nhân tại Hà Nội tháng 5/2001, coi đây là một bước tiến quan trọng tiến tới việc các cường quốc có vũ khí hạt nhân tham gia vào Nghị định thư của Hiệp ước Seanwfz.

Các hoạt động thuộc Kênh 1 và Kênh 2

- Các Bộ trưởng hài lòng ghi nhận các hoạt động thành công trong khuôn khổ Kênh 1 và Kênh 2 trong một năm qua (2000-2001), đặc biệt là Báo cáo tóm tắt của hai đồng chủ tịch các hội nghị giữa hai kỳ họp của Nhóm hỗ trợ về các biện pháp xây dựng lòng tin (Isg/cbms) tổ chức tại Seoul từ 1 đến 3/11/2000 và tại Kuala Lumpur từ 18 đến 20/4/2001.

- Các Bộ trưởng nhất trí rằng Nhóm hỗ trợ Isg/cbms sẽ tiếp tục các công việc của mình và hoan nghênh Việt Nam và ấn Độ sẽ làm đồng chủ tịch Nhóm hỗ trợ Isg/cbms trong năm tới.

Phương hướng tiến trình Arf

- Các Bộ trưởng khẳng định cam kết tiếp tục thúc đẩy Arf như là một diễn đàn hiệu quả cho đối thoại và hợp tác về các vấn đề chính trị và an ninh ở khu vực Châu á-thái Bình Dương và nhất trí rằng Arf tiếp tục phát triển với nhịp độ phù hợp với điều kiện cụ thể của tất cả các nước thành viên Arf và trên cơ sở nguyên tắc đồng thuận. Các Bộ trưởng tiếp tục ủng hộ Asean đóng vai trò động lực chính trong tiến trình Arf.

- Các Bộ trưởng nhấn mạnh xây dựng lòng tin là nền tảng và nội dung chủ yếu của toàn bộ tiến trình Arf. Các Bộ trưởng nhất trí rằng, trong khi tiến tới Ngpn, Arf cần tiếp tục tăng cường tiến trình xây dựng lòng tin nhằm tăng cường sự tin cậy, lòng tin và hiểu biết lẫn nhau, cũng như hợp tác giữa các nước thành viên Arf. Các Bộ trưởng đồng ý rằng các nỗ lực đó sẽ tạo cơ sở vững chắc cho hòa bình và ổn định ở Châu á-thái Bình Dương cũng như cho các bước tiếp theo của Arf./.