Hội nghị BT các nước MGC thông qua Chương trình Hà Nội


Hà Nội (Ttxvn 28/7/2001)
Với cương vị là Chủ tịch ủy ban Thường trực Asean, Việt Nam đăng cai Hội nghị Bộ trưởng các nước sông Mê Kông-sông Hằng lần thứ hai (MGC) tổ chức vào ngày 28/7/2001 tại Hà Nội. Hội nghị có sự tham gia của Bộ trưởng sáu nước thuộc khu vực sông Mê Kông- sông Hằng gồm Campuchia, ấn Độ, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Tiếp sau Hội nghị Bộ trưởng MGC lần thứ nhất tại Lào,11/2000 với sự ra đời của Tuyên bố Viên Chăn, Hội nghị Bộ trưởng Mgc lần thứ hai tại Hà Nội đánh dấu một bước tiến mới trong Hợp tác giữa các nước thuộc khu vực hai dòng chảy Mê Kông-hằng hà. Hội nghị cụ thể hóa các cơ chế và nội dung cũng như lộ trình hợp tác giữa các nước thành viên với việc xem xét và thông qua Chương trình Hành động Hà Nội về Hợp tác sông Mê kông-sông Hằng và các Thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực hợp tác về Du lịch, Văn hóa, Phát triển nguồn nhân lực và Giao thông-liên lạc. Những văn kiện này 5 nhóm công tác của các nước thành viên soạn thảo và đã được cuộc họp các quan chức cao cấp (SOM MGC) thông qua ngày 27/7/2001. Chương trình Hành động Hà Nội đặt ra một khung hành động chung và nêu những định hướng lớn cho sự hợp tác giữa 6 nước thành viên trong 4 lĩnh vực hợp tác với thời hạn 6 năm.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm đã nhấn mạnh Hợp tác MGC tạo điều kiện cho 6 nước thành viên tập hợp trong một khuôn khổ để có những sáng kiến, nỗ lực chung, nhằm thắt chặt thêm tình đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc, khai thác tốt hơn nữa mọi tiềm năng hợp tác khu vực. Hợp tác Mê Kông-sông Hằng được hình thành dựa trên những nét tương đồng và bổ sung lẫn nhau về địa lý, lịch sử, văn hóa, và kinh tế của các nước thuộc lưu vực hai dòng sông nhưng cũng thể hiện ý chí và quyết tâm chính trị của sáu nước nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác vì lợi ích chung của nhân dân các nước trong khu vực. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh hiện nay Hợp tác MGC còn đang trong giai đoạn khởi đầu và còn nhiều công việc phải làm để xây dựng những khuôn khổ, thể chế hợp tác hiệu quả, nhưng chắc chắn Hợp tác MGC sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới và trở thành một điển hình tốt về hợp tác liên tiểu khu vực.

Sau các cuộc thảo luận và xem xét kỹ lưỡng các hoạt động triển khai kết quả của Hội nghị Bộ trưởng lần thứ nhất và các văn kiện được trình lên, các Bộ trưởng Ngoại giao của sáu nước Mgc đã chính thức thông qua và ký Chương trình Hành động Hà Nội. Lễ ký văn kiện quan trọng này đã diễn ra long trọng, đặt một mốc mới cho những bước tiến mới của Hợp tác MGC trong thời gian tới.

Chương trình hành động đã xác định rõ các nội dung hợp tác trong nhiều lĩnh vực.

Về du lịch: Tăng cương nhận thức về sự phong phú và tính đa dạng về văn hóa và các điểm du lịch hấp dẫn ở khu vực sông Mê Kông - Sông Hằng; Khuyến khích đầu tư cho du lịch; Hợp tác về giáo dục và đào tạo du lịch; Tạo thuận lợi cho việc du lịch của người dân ở các nước thành viên và Phát triển du lịch sinh thái.

Về Văn hóa: Thúc đẩy các nghiên cứu chung về di sản văn hóa của các nước thành viên đặc biệt là các điệu nhảy, âm nhạc, sân khấu và truyền thống ca kịch; Cam kết bảo tồn, tôn tạo các
chương trình quảng bá nhằm khôi phục và phát triển hơn nữa các di sản văn hóa của MGC; Thúc đẩy trao đổi văn hóa giữa các nước thành viên.

Về giáo dục: Tăng cường trao đổi sinh viên và giảng viên; Tăng cường phối hợp giữa các trường Đại học của MGC với các viện nghiên cứu và quản lý giáo dục; thúc đẩy các dự án đào tạo và giáo dục chung, vì mục đích đào tạo ngôn ngữ của các nước MGC, kể cả đào tạo tiếng Anh; tổ chức triển lãm giáo dục và hội chợ sách ở các nước thành viên; Đào tạo và phát triển công nghệ thông tin.

Về giao thông và liên lạc: Phát triển mạng lưới giao thông giữa các nước MGC; Khuyến khích hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ và
đường bay hàng không; Viễn thông và mạng./.