Thủ Tướng Thái Lan Thăm Việt Nam


Hà Nội (Ttxvn 25/4/2001)
Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Thaksin Shinawatra thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày 25 và 26/4/2001, theo lời mời của Thủ tướng Phan Văn Khải.

Lần đầu tiên Thủ tướng Thaksin Shinawatra thăm Việt Nam và cũng là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông trên cương vị Thủ tướng Thái Lan. Đây không chỉ là chuyến thăm chào xã giao theo thông lệ Asean của vị Thủ tướng mới của một nước thành viên tới nước đương kim Chủ tịch Asean, mà còn là một hoạt động quan trọng hướng tới kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thái Lan (6/8/1976-6/8/2001).

Trong bối cảnh quan hệ hai nước đang có bước phát triển mạnh mẽ cả về bề rộng lẫn bề sâu, nhiều vấn đề tồn tại giữa hai nước đã được giải quyết, chuyến thăm là dịp để các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước thảo luận những vấn đề nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ Việt Nam - Thái Lan trên cả phương diện song phương và đa
phương.

Quan hệ Việt Nam và Thái Lan phát triển mạnh trong những năm gần đây, nhất là sau khi Việt Nam chính thức gia nhập Asean, mặc dù hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1976. Hai bên đã trao đổi nhiều chuyến thăm cấp cao. Hai nước cũng đã trao đổi tùy viên quân sự, lập Tổng lãnh sự quán, Văn phòng
thương mại; thành lập Hội hữu nghị Việt-thái và Hội hữu nghị Thái - Việt ở mỗi nước. Việt Nam đã lập Phân xã Thông tấn xã Việt Nam, Văn phòng đại diện Báo Nhân dân, cử phóng viên
thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Bangkok, tạo cơ sở thúc đẩy giao lưuu, hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực.

Hiện nay, Việt Nam đã ký 17 Hiệp định song phương với Thái Lan và là nước trong khu vực ký nhiều Hiệp định song phương nhất với Thái Lan.

Thái Lan hiện có 78 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn 1,1 tỷ Usd, đứng thứ 11 trong số các nước đầu tư vào Việt Nam. Các dự án của Thái Lan thường là loại vừa và nhỏ, tập trung vào các lĩnh vực khai thác hải sản, khoáng sản, chế biến thực phẩm, ngân hàng...

Kim ngạch buôn bán hai chiều giữa hai nước không ngừng tăng lên trong những năm gần đây, từ 352,6 triệu Usd năm 1994 lên 910 triệu Usd năm 1997, 969 triệu Usd năm 1998 và 1,2 tỷ Usd năm 2000. Hai bên đang tích cực hợp tác trong việc xuất khẩu gạo. Việt Nam xuất sang Thái những mặt hàng chính là hải sản, khoáng sản, da, gạo, cà phê, rau quả và nhập chủ yếu là xe máy, Pvc, sơn, sắt ống, hàng tiêu dùng, hàng điện tử.

Về hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật, trong năm tài chính 1995-1997, Thái Lan dành cho Việt Nam 150 triệu Baht, khoảng 6 triệu Usd, hỗ trợ kỹ thuật cho 5 dự án ưu tiên về nông nghiệp của Việt Nam đạt kết quả tốt. Hai bên cũng đã thỏa thuận hợp tác thời kỳ 1998-2000 với tổng viện trợ 150 triệu Baht. Hai bên cũng đã xúc tiến hợp tác trong lĩnh vực đánh bắt cá.

Cùng với việc thực hiện chính sách đối ngoại đặt trọng tâm vào phục vụ phát triển kinh tế, coi trọng phát triển quan hệ với các
nước láng giềng, các nước khu vực Châu á-thái Bình Dương, chính phủ Thái Lan ngày càng đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế thương mại và cả chính trị, an ninh của khu vực và Asean; mong muốn hợp tác với Việt Nam ở tầm chiến lược, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực.

Phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Thái Lan, một nước láng giềng, có quan hệ truyền thống, là bước cụ thể hóa
đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa
phương hóa quan hệ của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Việt Nam và Thái Lan đều là thành viên Asean. Thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước không chỉ mang lại lợi ích cho nhân dân Việt Nam, nhân dân Thái Lan, mà còn đóng góp tích cực vào việc tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Asean, nâng cao vai trò, vị trí của Asean trong khu vực và trên trường quốc tế./.