NFN bác bỏ thưu của UB Tự do tôn giáo Hoa Kỳ


NFN Bộ Ngoại giao, Bà Phan Thuý Thanh trả lời câu hỏi của phóng viên DPA: Đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc mới đây Chủ tịch Uỷ ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ đã gửi thư đến Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ khuyến nghị "không ủng hộ các khoản vay của Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cho Chính phủ Việt Nam" vì "lý do tôn giáo"?

Trả lời:

Kể từ khi tái thiết lập năm 1993, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã có những phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực. Các cơ quan chức năng cho chúng tôi biết: ngày 6/4/2001, Ban Chấp hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã thông qua trên nguyên tắc việc cho Việt Nam vay 368 triệu USD trong 3 năm trong khuôn khổ Thể thức Tăng trưởng và Xóa đói giảm nghèo (PRGF) để hỗ trợ những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm tăng cường phát triển và xoá đói giảm nghèo. Chúng tôi hoan nghênh và đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả giữa Ngân hàng thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế với Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, hành động của ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ đã đi ngược lại những nỗ lực của cộng đồng quốc tế đang đóng góp có hiệu quả vào công cuộc phát triển của Việt Nam, làm phương hại đến quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam với các cơ quan tài chính quốc tế như Ngân hàng thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế . Đây không chỉ là hành động không thức thời mà còn đang làm tổn hại đến quan hệ hai nước.

Về nhân quyền, quan điểm của chúng tôi là: Trong cộng đồng quốc tế, mỗi dân tộc có quyền thiêng liêng là tự lựa chọn con đường phát triển và thể chế chính trị của mình; gia tăng đối thoại và hợp tác quốc tế để nâng cao hiểu biết lẫn nhau, bảo đảm tăng cường các quyền con người, tạo cơ hội đồng đều và bình đẳng cho các dân tộc và mọi con người ngày càng phát triển toàn diện. Nhưng không một quốc gia nào hay xã hội nào có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia hay xã hội khác.

Cũng cần khẳng định lại là quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của mọi công dân Việt Nam được quy định rõ ràng trong luật pháp Việt Nam và được đảm bảo trên thực tế.

Kể từ khi ra đời năm 1946 đến nay, Hiến pháp Việt Nam đã
được bổ sung 3 lần vào các năm 1959, 1980, 1992 với những qui định rõ ràng về các quyền con người được hiến pháp bảo vệ trên tất cả các mặt dân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội; các quyền riêng đối với từng giới xã hội, đặc biệt là của trẻ em, phụ nữ, các dân tộc thiểu số, sắc tộc, quyền bình đẳng trước pháp luật của các tôn giáo vv... cũng đã được hoàn chỉnh thêm. Để thực hiện Hiến pháp, từ 1986 đến nay khi Việt Nam bước vào thời kỳ Đổi mới, Quốc hội Việt Nam đã thông qua trên 13 nghìn văn bản luật và
dưới luật trong đó có 40 Bộ luật và luật quan trọng nhất như: Bộ Luật hình sự, Bộ Luật tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ Luật lao động, Luật chăm sóc và giáo dục trẻ em...Tất cả những điều qui định tốt đẹp đó đã và đang thành hiện thực sinh động trong cuộc sống trong điều kiện đất nước chúng tôi tiếp tục phải khắc phục những hậu quả rất nặng nề của nhiều thập kỷ chiến tranh và bị bao vây, cấm vận. Cùng với những nỗ lực bên trong, Việt Nam đến nay đã tham gia và đang thực hiện các cam kết theo 8 Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người.