Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một



Bình luận - Báo Nhân dân ngày 15/3/2001

Từ mấy nghìn năm nay, các dân tộc cùng chung sống trên dải đất Việt Nam có nhu cầu tự nhiên là phải cố kết nhau lại để chống chọi với thiên tai, giặc giã, trở thành một cộng đồng bền chặt - đại gia đình các dân tộc Việt Nam, cùng nhau dựng nước và giữ nước. Đoàn kết là truyền thống từ ngàn xưa của dân tộc ta. Truyền thuyết về nguồn gốc dân tộc Việt Nam, của người Thái, người Mường, người Ba Na, Ê Đê... đều mô tả người Kinh, người
Thượng là anh em một nhà, đặc biệt là truyền thuyết mẹ Âu Cơ đẻ trăm trứng, người Kinh và người dân tộc thiểu số đều có chung một mẹ, đều sinh từ một bọc, đều là đồng bào. Vua Hùng là tổ tiên chung...

Những điều nói trên ai cũng biết, tưởng không cần nhắc lại !

Ngay từ khi Đảng ta ra đời đến nay, nhất là từ khi giành được chính quyền về tay nhân dân, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn thực hành trước sau như một chính sách bình đẳng dân tộc. Ngay sau khi thành lập nước, trong hoàn cảnh thù trong giặc ngoài, vận mệnh đất nước "ngàn cân treo sợi tóc", tháng 9-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Nha dân tộc thiểu số. Ngày 19-4-1946, Đại hội các dân tộc thiểu số miền nam họp tại Plây Cu (Gia Lai), Bác Hồ gửi tới đồng bào bức thư đầy thương mến: "Tiếc rằng vì đường sá xa xôi, tôi không đến dự hội được. Tôi tuy xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào.

Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói có nhau.

Trước kia chúng ta xa cách nhau, một là vì thiếu dây liên lạc, hai là vì có kẻ xui giục để chia rẽ chúng ta.

Ngày nay nước Việt Nam là nước chung của chúng ta. Trong Quốc hội có đủ đại biểu dân tộc. Chính phủ thì có "Nha dân tộc thiểu số" để săn sóc cho tất cả các đồng bào.

Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta...".

Từ cuộc đời tối tăm dưới ách áp bức của thực dân, ăn đói, mặc rách, mù chữ..., đồng bào các dân tộc thiểu số đã đứng lên đi theo ánh sáng cách mạng, kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi cùng các dân tộc anh em chiến đấu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Núi rừng đã trở thành những căn cứ địa của kháng chiến. Tấm lòng kiên trung của đồng bào thiểu số trở thành điểm tựa vững chắc của các đội quân cách mạng. Anh hùng Núp của núi rừng Tây Nguyên là một biểu tượng cao đẹp của khí phách người dân trước quân xâm lược và tấm lòng nồng hậu của đồng bào đối với cách mạng. Sau giải phóng, Đảng, Nhà nước có nhiều chỉ thị, nghị quyết riêng về phát triển kinh tế - xã hội miền núi, rất nhiều chương trình, dự án đầu tư cho địa bàn này, nhằm nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe đồng bào các dân tộc thiểu số.

Khối đoàn kết thống nhất ấy được ghi rõ trong Hiến pháp năm 1992: "Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam".

Điều hiển nhiên đó tưởng không cần nhắc lại !

ấy vậy mà mới đây, từ mãi bên kia đại dương, những kẻ sót lại của đám tàn quân FULRO từng cướp bóc, giết người, quấy nhiễu cuộc sống yên lành của đồng bào Tây Nguyên, hiện đang cư trú tại Mỹ, lại tụ tập nhau để lập ra cái gọi là "nhà nước Đê Ga tự trị" lưu vong, cũng có đầy đủ lệ bộ: cờ, quốc huy, nội các mà "tổng thống" là Ksor Kơk. Rõ ràng chúng âm mưu chia cắt Tây Nguyên khỏi Tổ quốc chúng ta, đòi đuổi người Kinh khỏi Tây Nguyên, chia rẽ dân tộc ta, âm mưu phá hoại khối đoàn kết thống nhất các dân tộc Việt Nam. Để thực hiện mưu đồ này, chúng móc nối những phần tử xấu ở trong nước tuyên truyền xuyên tạc, kích động dân chúng, không ít người bị chúng lừa bịp, không ít người bị chúng khống chế để buộc phải tin vào cái "nhà nước" mà chúng tự vẽ ra, gây rối trật tự xã hội và ảnh hưởng xấu đến cuộc sống và công việc làm ăn của đông đảo đồng bào.

Vì sao chúng dám ngông cuồng đến vậy, trong khi bản thân tổ chức FULRO (tên viết tắt của "Mặt trận giải phóng các dân tộc bị áp bức") đã đầu hàng lực lượng quốc tế UNTAC của Liên hợp quốc vào tháng 12-1992 và tuyên bố chấm dứt hoạt động?

Mưu đồ thành lập quốc gia riêng cho "những người con của núi rừng" (Đê Ga) nhen nhóm ở Tây Nguyên từ năm 1957 và chính thức ra đời năm 1958- phong trào Bajaraka (tên viết tắt của bốn dân tộc ở Tây Nguyên là Ba Na, Gia Rai, Ê Đê và Cơ Ho), khi chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền nam đưa dân di cư miền bắc lên đây cư trú. Luận điệu đầy chia rẽ của chúng là "bài Kinh, chống âm mưu đồng hóa của người Kinh...". Đó là tiền thân của tổ chức FULRO sau này.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, FULRO từng là công cụ trong tay đế quốc Mỹ để phá hoại các căn cứ của quân giải phóng, bộc lộ bản chất phản động và thổ phỉ của chúng. Sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, bọn FULRO nổi lên hoạt động vũ trang, bắt bớ, cướp bóc, ám sát cán bộ, rải truyền đơn xuyên tạc chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, gây hận thù giữa các dân tộc. Chúng thường xuyên tổ chức phục kích, tập kích dân thường và cán bộ các cơ quan, đơn vị, gây hoang mang lo lắng trong nhân dân, quấy nhiễu cuộc sống bình thường của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Được nhân dân giúp đỡ, chúng ta đã đấu tranh vạch mặt âm mưu đen tối của tổ chức FULRO phản động. Nhiều người trong hàng ngũ FULRO do bị lừa phỉnh mà theo chúng, đã tỉnh ngộ, về với nhân dân, tố cáo những âm mưu xấu xa, phản dân hại nước của chúng. Một trong những người đó là ông Ya Đúc, người dân tộc Cơ Ho ở huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), có thời làm tới chức "Phó Thủ tướng đặc trách chính trị và ngoại giao" của FULRO. Sau khi trở về với chính nghĩa, ông đã đi khắp ba tỉnh Tây Nguyên để tố cáo những hành động đê hèn của FULRO và thủ đoạn của các thế lực thù địch đứng sau tổ chức này. Tại cuộc gặp đại biểu các tầng lớp nhân dân nhân kỷ niệm 70 năm Mặt trận dân tộc thống nhất, tổ chức tại Hà Nội tháng 11-2000, ông Ya Đúc, nay là Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Lâm Đồng, phát biểu ý kiến: "Năm 1983 đánh dấu bước ngoặt quan trọng của cuộc đời tôi cả về nhận thức và hành động. Tôi càng thấm thía hơn về tư tưởng hòa hợp dân tộc, về chủ trương đại đoàn kết của Đảng Cộng sản Việt Nam, về tính ưu việt của chế độ ta, đất nước ta". Ông nói tiếp: "Sự nghiệp đổi mới của đất nước 15 năm qua, với kết quả hiển nhiên qua thử thách theo thời gian và không gian đã đủ chứng minh là một đường lối phù hợp đặc điểm, trình độ thực tế của ta, được lòng dân và phù hợp các xu hướng mới. Hơn 70 triệu người Việt Nam có cuộc sống phong phú đa dạng và có chung niềm tự hào là một dân tộc có nghìn năm văn hiến, chung một cội nguồn là con Lạc cháu Hồng, đang hướng về ngọn cờ đại nghĩa, chấp nhận điểm còn khác nhau để vượt qua mọi khó khăn thử thách xây dựng Tổ quốc Việt Nam".

Khi lực lượng quốc tế UNTAC của Liên hợp quốc vào Cam-pu-chia để thực hiện giải pháp chính trị ở nước này, hơn 400 tên FULRO Đê Ga lúc đó lập căn cứ ở Mon-dun-ki-ri phía bắc Cam-pu-chia, đã chính thức đầu hàng UNTAC, tuyên bố giải thể. Số tàn quân này không trở về quê hương nhu ư thông lệ, mà lập tức, Hoa Kỳ liền cho phép sang định cư tại Bắc Ca-rô-lai-na (Mỹ). Và chúng lại tiếp tục những hoạt động nguy hiểm như trên mà đồng bào Tây Nguyên và cả nước đều quá rõ.

Con người có tên là Ksor Kơk tự phong "tổng thống nhà nước Đê Ga tự trị" ấy là ai? Ksor Kơk, sinh năm 1945 tại Gia Lai, vốn là một lính ngụy Sài Gòn, có nợ máu với nhân dân, năm 1969 tham gia tổ chức FULRO. Không hiểu sao ngay từ năm 1974, Ksor Kơk đã lọt vào "mắt xanh" của Mỹ, được đưa đi đào tạo tại Hoa Kỳ, rồi buộc phải ở lại đây vì đất nước đã hoàn toàn giải phóng và thống nhất. Lẽ ra, khi FULRO đã đầu hàng UNTAC, tuyên bố giải tán cả về chính trị và quân sự, nó phải không được phép tái hoạt động dù ở bất cứ đâu, nhất là lại ở tại nước này để chống phá một nước khác. Thế nhưng, các nhóm FULRO lưu vong lại đường hoàng hoạt động, có đăng ký công khai ngay tại nước Mỹ: Hội người Thượng Đê Ga (từ 1988); Hội những người miền núi của Ksor Kơk (1992); Hội bảo vệ nhân quyền Thượng Đê Ga (1999). Hội nào cũng có một số cố vấn là người Mỹ. Các tổ chức FULRO nói trên sẽ không thể hoạt động được nếu không có sự tài trợ, sự tiếp tay của thế lực thù địch với Việt Nam. Trả lời phỏng vấn Đài BBC đêm 8-3, Ksor Kơk thừa nhận đã dính líu một số vụ gây rối, bạo loạn ở Tây Nguyên vừa qua, và "Chúng tôi đã viết thư gửi nhiều tòa Đại sứ các nước tại Việt Nam". Có lẽ chẳng cần phải bình luận gì thêm. Sự thật thế là đã rõ.

Luận điệu nham hiểm của FULRO không thể lừa bịp được nhân dân các dân tộc Tây Nguyên giàu truyền thống cách mạng. Đã từng đồng cam cộng khổ cùng toàn dân kháng chiến cứu nước, đồng bào làm sao không hiểu ai đã giải phóng Tây Nguyên khỏi lầm than tăm tối, để có cao nguyên tươi đẹp như hôm nay! Đồng bào làm sao quên được cái ngày giải phóng Buôn Ma Thuột tròn 26 năm về trước, biết bao chiến sĩ giải phóng quân đã ngã xuống, bỏ mình vì Tây Nguyên. Họ đâu phải người Tây Nguyên, hầu hết còn trẻ măng, 18 đôi mươi, là con em các vùng quê miền bắc. Máu của các liệt sĩ thấm vào lòng đất đỏ Tây Nguyên, trở thành màu mỡ cho cây cho lá. Tình đoàn kết thiêng liêng ấy làm sao kẻ nào có thể chia rẽ được! Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã khẳng định: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi".

(Khôi Nguyên)