Bí ẩn Thánh địa Cát Tiên, Lâm Đồng




Hà Nội (Ttxvn 23/3/2001)
Được phát hiện năm 1985 và qua 4 đợt khai quật, đến nay khu di chỉ khảo cổ học Cát Tiên được giới khoa học (lịch sử, khảo cổ học...) khẳng định đây là một khu thánh địa, quần thể di sản văn hóa lớn của Việt Nam và có thể còn là của thế giới. Những bí ẩn đầy huyền thoại bên dưới lòng đất về một vương quốc hùng mạnh ở xứ sở Nam Tây Nguyên này đang dần được giải mã.

Bên bờ tả ngạn sông Đồng Nai thuộc địa phận huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) là những ngọn đồi xanh. Từ lâu ở vùng đất này, người dân đã nhặt được các di vật là những tượng đá, những bộ sinh thực khí Linga - Yoni, những mảnh gốm vỡ... nhưng không ai biết gì về chúng. Mãi cho đến khi những nhà khảo cổ học đến đây và gọi vùng đất này là "thánh địa Cát Tiên" thì mọi người mới sững sờ.

Theo Giáo sư Trần Quốc Vượng thì khu di chỉ Cát Tiên kéo dài trên 10 km nằm dọc theo hệ thống sông Đạ Đờng - Đồng Nai với rất nhiều gò đồi. Các nhà khảo cổ học đã khoanh vị trí và phát hiện ra những bờ tường gạch xây từ bờ sông dẫn đến những gò đất cao. Bước đầu xác định 1 gò tại thị trấn Đồng Nai, 1 gò lớn tại xã Đức Phổ và 7 cụm gò đồi tại xã Quảng Ngãi. Các nhà khảo cổ học đã tiến hành 4 đợt khai quật tại 4/7 cụm gò ở xã Quảng Ngãi. Kết quả thật bất ngờ, theo Gs Hoàng Xuân Chinh (nguyên Phó Viện trưởng Viện khảo cổ học Việt Nam), người trực tiếp tham gia các cuộc khai quật tại Cát Tiên thì đây là khu đền tháp và mộ tháp. Một số cụm di chỉ đã bị đào trộm trước khi chính thức được khai quật. Tuy nhiên các nhà khảo cổ cũng đã mang lại cho những ai quan tâm không ít điều bất ngờ. Cấu trúc những cụm đến tháp theo kiểu giật cấp với bờ tường dày 2 - 2,5 m; trong lòng các đền tháp này khá rộng và luôn có bệ thờ bộ Linga-yoni ở giữa, ngay dưới chân bệ thờ là lỗ thông hơi xuống tận dưới sâu qua nhiều lớp gạch, cát... và dưới cùng là nhiều đồ vật như những lá vàng, các loại tượng đá nhỏ... Cấu trúc bên ngoài đền tháp ở những gò 2a và 2b có bờ tường điêu khắc cánh sen rất đẹp, có 2 cột đá lớn, mí cửa được điêu khắc hoa sen, đám mây cách điệu cùng nhiều hình ảnh sống động. Đặc biệt tất cả mọi đền tháp đều hướng về phía đông, trước đền là những sân gạch lớn (theo các nhà khoa học thì đây là nơi hành lễ) có lối ra (được xây, lát gạch) đến tận bờ sông và nối các cụm gò di tích với nhau... Những mộ tháp được xây kín, bên trên có bộ Linga-yoni và ở trong có một số hiện vật và hộp K'lon để đựng tro xương hỏa táng của người theo đạo Bàlamôn. Bước đầu trong các đền và mộ tháp, các nhà khảo cổ đã thu thập được 276 lá vàng (có chạm khắc, dập hình người, động vật, hoa sen...), phù điêu dập nổi hình thần Shiva, nhiều đĩa đồng, chân đèn và mặt tượng, hàng nghìn mảnh gốm, nhiều bộ ngẫu tượng Linga-yoni bằng đá (trong đó có 1 bộ được xem là lớn nhất ở khu vực Đông Nam á), 3 tượng thần Ganesa...

Những gì khai quật được mới là một phần rất nhỏ trong quần thể di tích này. Giá trị văn hóa và những bí ẩn đầy sức hấp dẫn của vùng đất thiêng này - theo Gs Trần Quốc Vượng không kém gì khu thánh địa Mỹ Sơn.

Bằng cách nào để đọc được những thông điệp của người xưa để lại, để bảo tồn và phát huy tốt những giá trị to lớn khu di sản này? - đó là điều rất nhiều người quan tâm.

Tại cuộc hội thảo về khu di tích kảo cổ học Cát Tiên tổ chức đấu tháng 3/2001, các nhà khoa học đều khẳng định Nhà nước cần đầu tư cho công tác khai quật, bởi lẽ ở dưới lòng đất đang còn rất nhiều điều bí ẩn cần được giải mã để có cái nhìn đầy đủ và sâu hơn cho một kết luận thật chính xác về khu thánh địa này. Và phải xác định chủ nhân đích thực của vùng đất thiêng này. Ai cũng biết tôn giáo ở đây là Bàlamôn giáo thế nhưng vẫn chưa có một lời đáp thuyết phục đủ chứng cứ khoa học về chủ nhân.

Cùng với việc đi tìm lại lịch sử là công tác bảo tồn. Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính-giám đốc Trung tâm thiết kế tu bổ di tích trung ương thì công tác trùng tu, bảo tồn cần được tiến hành ngay sau khi khai quật khảo cổ học. Tuy nhiên làm sao để phục chế, trùng tu lại toàn bộ khu di tích mà vẫn đảm bảo tính nguyên bản của nó là một vấn đề cực kỳ khó khăn. Điều này buộc các nhà khoa học phải phác họa lại đúng với cấu trúc gốc, nghiên cứu kỹ đặc tính và thông số của từng loại vật liệu, chất kết dính, hiện vật... của của từng cụm di tích. Một dự án quy hoạch và trùng tu tổng thể cho toàn bộ khu di tích này cần phải được xây dựng sớm để làm cơ sở cho việc khai quật và trùng tu, bảo tồn./.