Hội nghị Chính phủ bàn biện pháp thực hiện kế hoach 2001


Hà Nội (Ttxvn 3/2/2001)
Chiều 3/2/2001, Hội nghị Chính phủ bàn biện pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2001 tại thành phố Hồ Chí Minh đã kết thúc tốt đẹp.

Trong ba ngày làm việc, các thành viên Chính phủ đã trực tiếp đối thoại và giải đáp những vấn đề cụ thể mà các cán bộ chủ chốt của các địa phương nêu lên, tạo sự nhất trí và quyết tâm cao về chủ trương và giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2001.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phan Văn Khải điểm lại những kết quả đã đạt được và nhũng bài học kinh nghiệm trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và chính quyền địa phương trong thời gian qua trên 5 lĩnh vực cụ thể: Phát huy nội lực, giải phóng và phát triển mạnh lực lượng sản xuất; Phát huy tác dụng tích cực của cơ chế thị trường đi đôi với nâng cao năng lực quản lý vĩ mô của Nhà nước; Mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại; Kết hợp tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, phát huy nhân tố con người, củng cố quốc phòng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; Đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính phù hợp với chức năng quản lý Nhà nước trong kinh tế thị trường định hướng Xhcn. Thủ tướng khẳng định thực tế đã chứng minh đó là những định hướng đổi mới đúng đắn, cần nắm vững và kiên trì thực hiện, nhằm nâng cao năng lực và hiệu lực chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và chính quyền địa phương trong thời gian tới.

Thủ tướng dành thời gian phân tích một số vấn đề then chốt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ năm 2001.

Về phát triển kinh tế, Thủ tướng nêu rõ: Để đưa tốc độ tăng trưởng Gdp năm 2001 đạt và vượt từ 7,5% đến 8%, phải tập trung giải quyết vấn đề đầu tư phát triển và khai thông thị trường vì nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế phụ thuộc trước hết vào khối lượng và hiệu quả đầu tư phát triển. Kế hoạch năm 2001 dự kiến vốn đầu tư phát triển phải đạt 150.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước và tương đương khoảng 30% Gdp, dựa vào huy động cả 5 nguồn là vốn ngân sách, tín dụng nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước của khu vực dân doanh và đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Cùng với tăng khối lượng đầu tư, cần chú trọng nâng cao hiệu quả, trước hết là bố trí cơ cấu đầu tư theo hướng phát huy được lợi thế so sánh, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế. Đối với đầu tư của doanh nghiệp và dân cư, nhà nước có chính sách hỗ trợ về vốn, mặt bằng sản xuất, công nghệ, thị trường, đào tạo nguồn nhân lực, giảm nhẹ chi phí hành chính, chi phí các sản phẩm trung gian và các dịch vụ, dùng đòn bẩy kinh tế để hướng đầu tư vào những lĩnh vực và địa bàn cần khuyến khích, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế có hiệu quả.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu sử dụng tốt nguồn vốn ngân sách và tín dụng nhà nước, lưu ý rằng nguồn vốn ngân sách nhà nước tuy chỉ chiếm khoảng 1/5 tổng đầu tư trong nền kinh tế quốc dân, song đây là nguồn đầu tư chủ yếu cho các công trình kết cấu hạ tầng, các công trình công ích khó thu hồi vốn mà khu vực dân doanh không làm, mở đường và thúc đẩy các nguồn vốn đầu tư khác. Điều không bình thường là năm 2000, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã bố trí trong ngân sách mới chỉ được sử dụng khoảng 77%. Nguyên nhân chủ yếu là do chỉ tiêu kế hoạch giao chậm, việc chuẩn bị dự án thiếu chủ đông, một số quy định về thủ tục đầu tư xây dựng chưa phù hợp với thực tế, quy trình xét duyệt dự án, rút tiền, giải quyết đất đai còn phức tạp, việc giải phóng mặt bằng bị kéo dài. Năm 2001, ngân sách dành cho đầu tư phát triển gần 33.000 tỷ đồng, bằng khoảng 6,6% Gdp. Để thực hiện tốt việc này, cần tập trung xem xét, sửa đổi những quy định về thủ tục đầu tư xây dựng, phân cấp mạnh cho địa phương trong đầu tư xây dựng cơ bản; thực hiện nghiêm quy chế đấu thầu, giám sát chặt chẽ quá trình thi công... Đặc biệt là thực hiện chế độ công khai trong chi ngân sách nhà nước, nhất là chi đầu tư, ở tất cả các cấp ngân sách, bảo đảm trên thực tế sự giám sát của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và nhân dân. Về tín dụng nhà nước, năm nay dự kiến đầu tư khoảng 25.000 tỷ đồng, trong đó 60% là vốn huy động trong nước. Cần ưu tiên về sử dụng nguồn vốn này cho những dự án bảo đảm được hiệu quả đầu tư và khả năng trả nợ, những dự án có tính cấp thiết, đảm bảo lợi ích chung của nền kinh tế...

Thủ tướng nhấn mạnh việc tạo điều kiện tốt hơn nữa cho mọi thành phần kinh tế phát huy hết khả năng đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, có những cơ chế khuyến khích thích hợp đối với từng loại hình: doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, kinh tế dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài...

Về khai thông và mở rộng thị trường, Thủ tướng nêu rõ: Nền kinh tế chỉ có thể tăng trưởng cao và bền vững khi sản phẩm hàng hoá và dịch vụ có "đầu ra", tiêu thụ được. Muốn vậy, sản xuất phải gắn với thị trường, mọi sản phẩm hàng hoá và dịch vụ đều phải nâng cao sức cạnh tranh cả về chất lượng và giá cả. Từng ngành, từng địa phương phải đúc kết kinh nghiệm, có giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của các mặt hàng, dịch vụ, trước hết là những sản phẩm quan trọng, theo kịp tiến trình giảm dần hàng rào bảo hộ (kể cả hàng rào thuế quan và phi thuế quan). Cần chú trọng phát triển thị trường trong nước, tiếp tục các biện pháp nâng cao sức mua, kích thích nhu cầu tiêu dùng, mở rộng hoạt động thương mại, giảm chi phí lưu thông, xoá bỏ các phí tiêu cực, xem xét việc xoá bỏ thuế buôn chuyến trên cơ sở cân nhắc lợi, hại thực tế. Cần xây dựng quy chế hỗ trợ về tài chính và cơ chế phối hợp giữa cơ quan nhà nước với các hiệp hội và các doanh nghiệp trong công tác thông tin tiếp thị, xúc tiến thương mại, mở thị trường mới.

Để hạn chế thua thiệt cho người sản xuất, làm hàng xuất khẩu, cần xuất phát từ nhu cầu thị trường, khả năng tiêu thụ sản phẩm để điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất, bố trí lại quy hoạch sử dụng đất đai, mặt nước, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia tiêu thụ nông sản, lâm sản, liên kết chặt chẽ với các đơn vị sản xuất...

Về phát triển văn hoá, xã hội, Thủ tướng nêu rõ: Lĩnh vực hoạt động văn hoá, xã hội của nước ta có nhiều điểm sáng, song cũng còn nhiều vấn đề bức xúc, đang là nỗi lo của toàn xã hội, đòi hỏi các cấp chính quyền thực hiện tốt hơn chức năng quản lý nhà nước, dành nhiều điều kiện, thời gian, tâm sức hơn cho các hoạt động văn hoá, xã hội là những lĩnh vực đích thực Nhà nước phải chăm lo. Cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm, phòng chống các tệ nạn xã hội, phòng chống tai nạn giao thông..., Thủ tướng lưu ý các cấp chính quyền chủ động thực hiện tốt các chủ trương, giải pháp đã đề ra, huy động trí tuệ của toàn xã hội, tập trung nguồn lực của Nhà nước cho công tác giáo dục, y tế, văn hoá, nhất là đối với miền núi, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Thủ tướng nhấn mạnh rằng để thực hiện có hiệu quả Chương trình cải cách hành chính, vấn đề có ý nghĩa quyết định là từ Thủ tướng đến các thành viên Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương phải thống nhất về quan điểm, nhận thức và có quyết tâm cao trong chỉ đạo thực hiện. Thủ tướng phân tích rõ các mục tiêu, giải pháp cụ thể trong xây dựng thể chế, tổ chức bộ máy và quan hệ làm việc trong hệ thống hành chính, gắn cải cách hành chính với phát huy dân chủ, làm cho bộ máy hành chính gần dân, gần doanh nghiệp, tăng cường kỷ luật hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo của dân...

Thủ tướng Phan Văn Khải khẳng định rằng mặc dù phía trước còn nhiều khó khăn, song khí thế làm ăn, lao động sản xuất của đất nước ta đang có đà thuận lợi hơn mấy năm vừa qua. Thủ tướng nhắc nhở các Bộ, ngành, địa phương phát huy tinh thần đoàn kết phấn đấu, chủ động, sáng tạo, khẩn trương triển khai công việc thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của mình, không chờ đợi, ỷ lại, nâng cao quyết tâm và thống nhất hành động, phấn đấu năm 2001 dành thắng lợi lớn hơn những năm trước./.