Chơng trình phòng chống ma tuý trong nhà truòng



Hà Nội (Ttxvn 26/2/2001)
Năm 2005, Chương trình phòng chống Hiv/aids và phòng chống tệ nạn ma túy trong nhà trường của Việt Nam phấn đấu giải quyết xong tình trạng nghiện hút trong nhà trường, ngăn chặn không để ma túy tái xâm nhập nhà trường.

Chương trình sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma túy, Hiv/aids thông qua các hoạt động nội khóa và ngoại khóa nhằm trang bị cho học sinh, sinh viên kiến thức cơ bản để biết chủ động phòng, chống các tệ nạn xã hội với đầy đủ trách nhiệm đối với bản thân gia đình và cộng đồng; hình thành được nếp sống lành mạnh. Chương trình cũng sẽ giúp học sinh tham gia một cách tích cực các hoạt động thông tin, truyền thông phòng chống nhiễm Hiv/aids trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội, các hoạt động chăm sóc sức khỏe và giúp đỡ cho người bị nhiễm Hiv/aids.

Năm 2000, trên 96% học sinh, sinh viên đã có những hành động tích cực, phù hợp với yêu cầu phòng chống Hiv/aids và tệ nạn ma túy, trên 97% học sinh, sinh viên đã có những kiến thức cơ bản và thiết thực về Hiv/aids và ma túy. Nhiều học sinh, sinh viên đã tích cực phát hiện, tố giác đối tượng nghiện hút, mại dâm, mua bán và tàng trữ ma tuý. Số học sinh, sinh viên nghiện ma túy trong năm 2000 chỉ còn hơn 1.000 em, giảm trên 54% so với năm 1999.

Hầu hết các trường học đã triển khai các hình thức thông tin, tuyên truyền về phòng chống Aids, phòng chống tệ nạn ma túy như phát thanh, phổ biến dưới cờ, thông báo trong các tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt Đoàn, Đội. Đồng thời, các trường đã triển khai nhiều biện pháp để phát hiện và xử lý kịp thời đối với các trường hợp tham gia vào tệ nạn ma túy cũng như kiểm tra, giám sát và xét nghiệm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã tổ chức cuộc thi "tìm hiểu phòng chống Hiv/aids trong học sinh, sinh viên lần thứ ba" thu hút hơn 4 vạn học sinh, sinh viên tham gia. Qua đó, Ban Giám khảo đã chọn ra được 13 giải Tập thể và 35 giải cá nhân.

Tuy vậy, công tác giáo dục phòng chống Aids, ma tuý và các tệ nạn xã hội ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức và triển khai thiếu đồng bộ, nên kết quả còn hạn chế. Nhiều học sinh sinh viên vẫn còn biểu hiện lối sống buông thả hoặc do túng quẫn đã tham gia vào các hoạt động mại dâm, phát tán ma tuý, phạm tội cướp giật... /.