Bốn giải pháp lớn tăng trưởng bền vững công nghiệp
Hà Nội (Ttxvn 21/2/2001)
Ngành công nghiệp đã đề ra mục tiêu nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của ngành trong kế hoạch 5 năm 2001-2005 để giữ vững và mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; đáp ứng kịp thời với mức cao nhất nhu cầu của nền kinh tế về những sản phẩm công nghiệp, tăng nhânh kim ngạch xuất khẩu với sản phẩm đã qua chế biến và sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao.
Để đạt được mục tiêu này, Theo Bộ trưởng Công nghiệp Đặng Vũ Chư thì ngay trong năm 2001, Bộ Công nghiệp cần thực hiện 4 mục tiêu lớn là: Đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ những sản phẩm có lợi thế, có thị trường tiêu thụ và khả năng cạnh tranh, mở rộng hơn nữa thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường ngoài nước, trong đó có thị trường khu vực, EU, SNG, Mỹ...;
Đầu tư hoàn thành dứt điểm các công trình chuyển tiếp, đồng thời tập trung vốn cho các công trình có đủ điều kiện thi công trong năm kế hoạch, nhất là những công trình nhằm tăng năng lực sản xúat và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước;
Đẩy mạnh hơn nữa tiến độ thực hiện lộ trình công nghệ cụ thể đến 2005, đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị theo hướng tiến thẳng vào hiện đại, nhằm nâng cao năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh doanh và bảo vệ môi trường sinh thái. Chú trọng bồi dưỡng cán bộ khoa học công nghệ và công nhân có tay nghề cao;
Đẩy mạnh công tác sắp xếp lại sản xuất, tiếp tục cổ phần hóa một số doanh nghiệp nhà nước, nâng cao năng lực quản lý của doanh nghiệp.
Bộ trưởng cho biết, năm 2000, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 195.225 tỷ đồng, tăng 15,69%, đây là mức tăng trưởng cao nhất kẻ từ năm 1993 trở lại đây. Sự tăng trưởng được thể hiện tương đối đồng đều trong các thành phần kinh tế, ư trong các vùng, miền khác nhau; chất lượng nhiều sản phẩm được nâng lên làm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường nên tiêu thụ tốt hơn, không còn tồn đọng nhiều./