Giáo dục Đại học Việt Nam và những thách thức
Hà Nội ( Ttxvn 16/1/2001 )
Bước vào đầu thế kỷ 21, Giáo dục Đại học Việt Nam đứng trước 3 vấn đề lớn, đó là đại chúng hóa giáo dục đại học, vấn đề công bằng, bình đẳng trong giáo dục đại học và việc sử dụng những công nghệ mới (công nghệ thông tin) trong giáo dục đại học.
Trong bài tham luận tại Hội thảo Giáo dục Đại học trước những thách thức đầu thế kỷ 21" tổ chức mới đây ở Việt Nam, Giáo sưu Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Đại học cho đây là những vấn đề quan trọng cần lưu ý trong khi áp dụng vào giáo dục đại học Việt Nam những tư tưởng của Hội nghị Giáo dục Đại học Paris tổ chức cuối năm 1998 thảo luận xung quanh 4 thách thức chủ yếu mà giáo dục đại học phải đối mặt trong thế kỷ 21 là sự phù hợp, tăng cường chất lượng , quản lý và cung cấp tài chính và hơp tác quốc tế. Bài tham luận của ông đã được những người tham dự rất quan tâm.
Dưới đây, là một số nội dung đã được Báo Tin Tức số 12/1/2001 trích đăng.
Trước tiên phải tìm lời đáp cho bài toán giải quyết quan hệ giữa " quy mô và chất lượng Giáo dục đại học". Để đạt mục tiêu này cần tăng nhanh số lượng và chất lượng đội ngũ giáo chức đại học. Đây là vấn đề nhà nước phải quan tâm hàng đầu . Đối với sinh viên vào đại học nên chia làm hai dòng. Một dòng vào đại học chính quy và một dòng vào hệ thống đại học mở và hệ đào tạo từ xa. Đối với sinh viên học đại học chính quy nên hạn chế về mặt số lượng, mặt khác cần thực hiện các hệ thống kiểm định công nhận chất lượng. Đối với sinh viên thuộc dòng thứ hai chúng ta không nên hạn chế về mặt số lượng nhưng để đảm bảo chất lượng phải thực hiện những biện pháp, những công nghệ đào tạo cho số đông và công nghệ đánh giá cho số đông bằng cách đánh giá đầu ra đối với từng môn học của sinh viên một cách nghiêm túc.
Thứ hai là những biện pháp để đảm bảo tính công bằng trong giáo dục đại học: Việc quan tâm trước tiên là nhập học đại học phải cố gắng. Muốn vậy, chũng tôi đề nghị phải cải tiến tuyển sinh và cải tiến chế độ học bổng. Cách ra đề thi và tuyển sinh hiện nay chỉ tuyển được những người có điều kiện, cơ hội tích lũy kũ năng qua các lớp luyện thi và các lò luyện thi chứ không phải đánh giá toàn diện dựa trên năng lực, khả năng của học sinh được giáo dục phổ thông. Vì vậy sẽ dẫn đến tới sự không công bằng. Nếu cải tiến cách ra đề thi, đổi cách tuyển sinh để có thể tuyển sinh dựa vào trình độ học phổ thông thì học sinh các gia đình nghèo không có khả năng luyện thi thì mới có khả năng đỗ đại học. Nên tổ chức thi trắc nghiệm , các đề thi sẽ bao gồm kiến thức đại trà hơn. Mặt khác nếu liên kết các trường đại học, tổ chức tuyển sinh để học sinh thi ở một nơi nhưng kết quả có thể sử dụng cho nhiều trường đại học.
Bên cạnh đó để đảm bảo tính công bằng, nên cải tiến chế độ học bổng. Hiện nay, học bổng có hai loại: học bổng chính sách và học bổng khuyến khích học tập. Học bổng khuyến khích học tập cấp trên cơ sở với sinh viên năm thứ nhất dựa trên chỉ tiêu tuyển sinh và thành tích học tập thì phần lớn học bổng rơi vào con em những gia đình tương đối khá giả. Con em các gia đình nghèo không qua luyện thi, không đạt kết quả cao trong tuyển sinh, không có học bổng. Trong quá trình học tập do kinh tế khó khăn, những sinh viên này phải mất nhiều thời gian kiếm sống nên cơ hội được học bổng lại càng khó hơn. Về vấn đề này, ông cho rằng chế độ học bổng sắp tới cấp cho sinh viên nghèo là chính, kết quả học tập chỉ là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ khi cấp học bổng cho sinh viên.
Thứ ba giáo dục đại học Việt Nam cần tăng cường các hoạt động nhằm đổi mới phương pháp dạy và học đại học, chuẩn bị cho giáo chức và sinh viên đại học đáp ứng yêu cầu mới của thời đại. Hiện nay, ở các trường đại học phương pháp dạy và học chủ yếu theo lối người dạy truyền thụ kiến thức còn người học thụ động tiếp thu. Như vậy Việt Nam quá lạc hậu so với thế giới và thời đại. Sự lạc hậu rõ thể hiện nhất thể hiện ở năng lực và phương pháp giảng dạy của đội ngũ giáo chức.
Để nâng cao chất lượng và để giáo chức, sinh viên đại học sẵn sàng tiếp cận nền kinh tế tri thức và xã hội thông tin, Việt Nam cần xác định rõ lại mục tiêu của việc dạy , học , thi ở đại học. Đó là mục tiêu dạy cách học và học cách học. Có thể thấy rõ dạy chính là khả năng lựa chọn và xử lý thông tin. Theo tinh thần đó, giáo chức đại học phải gắn chặt với nghiên cứu khoa học. Đi đôi với việc cải tiến phương pháp dạy và học phải sử dụng các phương pháp thi, kiểm tra thích hợp, áp dụng tối đa công nghệ mới, từ đó giúp cho người học có thể hấp thu một nền giáo dục chất lượng cao, đặc biệt luyện cho sinh viên khả năng thích nghi để tìm việc làm và đầu óc kinh doanh, sáng kiến từ đó có thể tự tạo việc làm. Vai trò của nhà giáo trong thừoi đại mới thay đổi từ chỗ là người truyền thụ tri thức và thông tin trở thành người thúc đẩy hỗ trợ quá trình học tập trên dưới theo chiều dọc chuyển thành mối quan hệ theo chiều ngang. Vai trò của nhà giáo thay đổi nhưng vị trí của nhà giáo sẽ được nâng cao hơn so với trước đây nếu nhà giáo thỏa mãn được những đòi hỏi của thời đại mới như đã nêu./.