Thủ Tướng Phan Văn Khải trả lời phỏng vấn TTX Việt Nam




Hà Nội (Ttxvn 26/12/2000)
Nhân kết thúc năm 2000, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vẫn Thủ tướng Phan Văn Khải về một số vấn đề nổi bật của kinh tế-xã hội và vai trò điều hành của Chính phủ.

Sau đây là toàn văn nội dung cuộc phỏng vấn đó:

Ttxvn: Thưa Thủ tướng, năm 2000 Việt Nam đã chặn được đà giảm sút về nhịp độ tăng trưởng kinh tế; tất cả các chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch Nhà nước đều đạt và vượt kế hoạch. Thủ tướng đánh giá như thế nào về vai trò điều hành của Chính phủ trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội đó?

Trả lời: Năm 2000, nền kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 6,7%, vượt kế hoạch đề ra và chặn được đà giảm sút. Trong đó, công nghiệp tăng 15,5%, đạt mức cao nhất trong nhiều năm nay. Nông nghiệp mặc dù bị thiệt hại lớn do thiên tai, tiếp tục đạt tốc độ tăng khá. Xuất khẩu tăng gấp 3 lần nhịp độ tăng Gdp, vượt qua ngưỡng của nước kém phát triển về ngoại thương. Các thành phần kinh tế đều đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, trong đó khu vực kinh tế dân doanh có bước phát triển vượt bậc, nhất là từ khi thực hiện Luật Doanh nghiệp...

Đạt được những thành tựu nói trên, trước hết do sự nỗ lực phấn đấu của các tầng lớp nhân dân, sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, sự đổi mới công tác điều hành của Chính phủ. Chính phủ đã chủ động, khẩn trương đưa ra một số chính sách, biện pháp mới nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát huy khả năng đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, củng cố và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; kết hợp phát huy nội lực với chủ động hội nhập quốc tế. Chính phủ đề ra và tích cực chỉ đạo thực hiện các biện pháp hỗ trợ các ngành sản xuất sản phẩm có khả năng xuất khẩu, hỗ trợ lãi suất, miễn giảm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng... Nhiều biện pháp mạnh bạo được đưa vào áp dụng nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm. Các Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế trang trại, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tiêu thụ hàng hóa nông sản đang đi vào cuộc sống...

Năm 2000, cũng là năm Chính phủ tích cực chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động về xuất nhập khẩu, du lịch, dịch vụ. Chương trình hành động quốc gia về du lịch được quảng bá rộng khắp trong cả nước, khách du lịch quốc tế vào Việt Nam vượt mức 2 triệu người, gấp đôi so với 5 năm trước đây. Nhằm thu hút vốn đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ đề ra giải pháp kích cầu đầu tư, huy động nội lực, sớm bổ sung một số điểm mới, bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ của chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài. Vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,3% trong năm 2000 là một bước tiến đáng khích lệ...

Có thể nói, những thành quả đã đạt được trong năm 2000 tạo ra khả năng mới để đất nước bước vào năm 2001 với lòng tin và sự quyết tâm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong năm đầu của thiên niên kỷ mới.

Ttxvn: Báo cáo của Chính phủ trình bày tại kỳ họp thứ X của Quốc hội nhận định: một số cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán cùng với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội ở các Bộ, ngành thiếu khẩn trương làm cho hiệu quả của nền kinh tế chưa được nâng cao. Vậy Chính phủ sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?

Trả lời: Chính phủ đã nghiêm túc nhìn nhận trước Quốc hội và nhân dân là chưa thực hiện được đầy đủ chức năng, trách nhiệm của mình trong tổng kết thực tiễn, góp phần cùng các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước làm sáng tỏ để có sự nhất trí cao về các quan điểm có ý nghĩa chỉ đạo trong quá trình đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Điều đó làm cho việc hoạch định chủ trương, chính sách có chỗ chưa rõ ràng, thiếu nhất quán, gây khó khăn cho việc tổ chức, chỉ đạo thực hiện. Một số chủ trương quan trọng chưa tạo được sự nhất trí cao và thông suốt trong toàn thể bộ máy hành chính Nhà nước. Điển hình là những biểu hiện thiếu nghiêm túc trong loại bỏ những thể chế, thủ tục gây khó khăn, phiền hà cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhân dân, việc tinh giản tổ chức, biên chế... của một số đơn vị khi thi hành Luật Doanh nghiệp.

Để khắc phục những thiếu sót trên, trong các phiên họp thường kỳ, Chính phủ đã bàn bạc và thống nhất nhiều biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các khu vực kinh tế, củng cố và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, kết hợp tốt hơn việc phát huy nội lực với chủ động hội nhập quốc tế... Chính phủ sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc thực hiện Luật Doanh nghiệp và các chủ trương, chính sách đã ban hành; từng bước đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; tiếp tục rà soát bãi bỏ các loại giấy phép kinh doanh không còn phù hợp với thực tế... tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và tạo môi trường đầu tư và tốt hơn trong toàn xã hội.

Ttxvn: Chính phủ chủ trương huy động 65% nguồn vốn trong nước cho đầu tư phát triển năm 2001, trong khi đó mức huy động vốn trong nước năm 2000 còn đạt thấp. Vậy giải pháp của Chính phủ về vấn đề này là gì?

Trả lời: Năm 2001, năm đầu tiên của thiên niên kỷ mới chúng ta phấn đấu đạt tốc tăng trưởng Gdp 7,5-8,0%. Muốn vậy, cần phải huy động trên 150 nghìn tỷ đồng cho đầu tư phát triển, trong đó 65% là nguồn vốn trong nước. Chính phủ coi việc tạo ra môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi là yếu tố rất quan trọng để huy động nguồn vốn đầu tư trong nước, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp và các ngành dịch vụ; nâng cao hiệu qủa của các doanh nghiệp Nhà nước, tạo điều kiện cho dân và các doanh nghiệp có đủ quyền kinh doanh có cơ hội mở mang thông tin kinh tế, thị trường, tiếp cận với nguồn vốn và cộng nghệ mới.

Đồng thời, Chính phủ khẩn trương xây dựng, sửa đổi, bổ sung các thể chế cần thiết tạo khung pháp lý thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh. Luật Đất đai sẽ được sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo thuận lợi hơn trong việc thực hiện các quyền sử dụng đất. Xúc tiến việc xây dựng Luật Cạnh tranh và Kiểm soát độc quyền, Luật Kế toán, tạo điều kiện cho cho lưu thông hàng hóa. Chính phủ kiến nghị Quốc hội bãi bỏ thuế buôn chuyến, tránh đánh thuế trùng lặp. Luật thuế giá trị gia tăng sẽ sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm bớt số lượng thuế suất, cải tiến phương pháp tính thuế, mở rộng diện tự khai và nộp thuế. Hoàn thiện một bước cơ chế, chính sách tín dụng, tách bạch ngân hàng chính sách và ngân hàng thương mại tạo điểu kiện cho doanh nghiệp và nhân dân nhanh chóng tiếp cận tín dụng ngân hàng...

Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư của ngân sách nhà nước còn khó khăn, Chính phủ sẽ có cơ chế chính sách thông thoáng hơn nhằm tăng mức huy động nguồn lực trong dân bằng các hình thức đa dạng, phong phú như phát hành trái phiếu dài hạn, trái phiếu công trình, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán... nhằm đáp ứng kế hoạch tăng trưởng kinh tế. Tôi tin rằng, với những biện pháp đó, chúng ta có thể tăng nhanh nguồn vốn cho đầu tư phát triển trong năm tới.

Ttxvn: Thưa Thủ tướng, khu vực kinh tế tư nhân chiếm 37% Gdp năm 2000. Chính phủ sẽ tiếp tục đưa ra các quyết sách gì để thành phần kinh tế này phát triển bền vững?

Trả lời: Muốn nền kinh tế trong đó có khu vực kinh tế tư nhân phát triển bền vững, theo tôi điều quan trọng nhất là tạo môi trường và điều kiện thuận lợi hơn nữa cho dân trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất và kinh doanh.

Nhằm tạo ra không khí phấn khởi, huy động mạnh nguồn vốn cho dân đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, đầu năm 2000, Chính phủ đã ban hành một số văn bản quy phạm về đăng ký kinh doanh, hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, về kinh tế trang trại... Từ đó, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh rút ngắn thời gian rất nhiều. Chính do chủ động kinh doanh mà các cơ hội kinh doanh đã được tận dụng, không bị bỏ lỡ như trước đây từng xảy ra.

Thực tế chứng minh, năm 2000, số lượng doanh nghiệp mới thành lập tăng gấp hơn 3 lần; số vốn mới đăng ký tăng hơn hai lần so với cùng kỳ năm 1999. Đã có hơn 10.000 doanh nghiệp tư nhân được thành lập với tổng số vốn đăng ký khoảng 10.000 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp này góp phần không nhỏ chặn đà giảm sút nhịp độ tăng trưởng. Điều phấn khởi là nhân dân đã yên tâm và tự tin hơn trong sản xuất, kinh doanh.

Vì vậy, để nền kinh tế tiếp tục phát triển bền vững, cần tiếp tục mở rộng cơ hội đầu tư cho dân. Chính phủ không chỉ tạo điều kiện và khuyến khích kinh tế dân doanh trong các ngành sản xuất, dịch vụ thông thường mà cả trong một số lĩnh vực dịch vụ công lâu nay chỉ có Nhà nước làm hoặc chủ yếu do Nhà nước làm như y tế, giáo dục, vệ sinh môi trường, giao thông công cộng, đô thị, bảo trì và phát triển các công trình phúc lợi công cộng, một số công việc dịch vụ trong cơ quan hành chính, sự nghiệp Nhà nước...

Nhân dịp năm mới và cũng là năm đất nước bước vào thế kỷ mới, qua Thông tấn xã Việt Nam, thay mặt Chính phủ, tôi xin chúc mọi gia đình Việt Nam an khang, thịnh vượng, chúc Thông tấn xã Việt Nam năm mới thắng lợi mới./.