Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong thế kỷ mới


(Ttxvn 27/12/2000)
Chiều ngày 26/12, nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, phóng viên Thông tấn Xã Việt Nam thường trú tại Bắc Kinh đã có cuộc phỏng vấn Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị về kết quả chuyến thăm và triển vọng quan hệ hữu nghị hợp tác hai nước Việt - Trung.

Hỏi: Những năm gần đây, quan hệ hợp tác hai nước Trung - Việt liên tục phát triển mạnh mẽ, lãnh đạo hai nước thường xuyên trao đổi các chuyến thăm lẫn nhau, ông đánh giá như thế nào về chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc hiện nay của Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đức Lương?

Trả lời: Chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc lần này của Chủ tịch Trần Đức Lương thành công mỹ mãn và thu được nhiều thắng lợi. Thời điểm của chuyến thăm cũng rất quan trọng, đúng vào lúc chuyển giao thiên niên kỷ và chuyển giao thế kỷ, đồng thời cũng là giai đoạn quan hệ hữu nghị giữa hai Đảng, hai nước Trung- Việt đang xuất hiện xu hướng phát triển mới. Có thể nói, chuyến thăm này có ý nghĩa quan trọng, vừa kế thừa quá khứ vừa mở ra tương lai. Nói một cách khái quát, chuyến thăm đã đạt được những thành công nổi bật sau: Thứ nhất là hai bên đã ký và ra Tuyên bố chung về hợp tác toàn diện giữa hai nước Trung-việt trong thế kỷ mới. Tuyên bố chung này căn cứ vào phương châm 16 chữ :"láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" mà hai Tổng Bí thư của hai Đảng tháng 2 năm ngoái đã xác định để cụ thể hóa quan hệ hợp tác mọi mặt giữa hai nước Trung- Việt trong thế kỷ mới. Tuyên bố chung có ý nghĩa chỉ đạo quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của quan hệ hợp tác Trung- Việt từ nay về sau. Thành quả quan trọng thứ hai là hai bên ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ. Việc ký hai Hiệp định này không những đã giải quyết những vấn đề tồn tại từ lâu giữa hai nước, đồng thời có tác dụng tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy phát triển quan hệ hai nước và làm phong phú thêm nội dung của phương châm 16 chữ. Như Chủ tịch Trần Đức Lương đã chỉ rõ, việc ký hai Hiệp định này cùng với những thành quả đạt được thể hiện cho thế giới thấy rằng hai nước Trung- Việt là hai nước láng giềng hữu nghị và xã hội chủ nghĩa, chúng ta hoàn toàn có khả năng thông qua hiệp thương hữu nghị để giải quyết được những tồn tại giữa hai nước. Việc ký kết hai hiệp định này không chỉ có lợi cho nhân dân hai nước ở ven Vịnh Bắc Bộ mà còn có tác dụng tích cực đối với việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Thành quả quan trọng thứ ba là thông qua chuyến thăm này Chủ tịch Trần Đức Lương đã có các cuộc tiếp xúc và trao đổi rộng rãi với các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc. Hai bên đã đạt được những nhận thức chung rộng rãi về nhiều vấn đề quan trọng, ví dụ như hai bên đều nhất trí cho rằng trước sự biến đổi của tình hình thế giới hiện nay, hai nước cần phải tích cực thúc đẩy tiến trình đa cực hóa, cùng đối phó với những thách thức của toàn cầu hóa và cùng nhau bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển, tích cực thúc đẩy sự hợp tác trong khu vực. Thành quả thứ tư là trong chuyến thăm này, hai bên tiến hành trao đổi rộng rãi và đã đạt được nhất trí quan trọng về các biện pháp nhằm khơi sâu hơn nữa quan hệ hợp tác mậu dịch giữa hai nước Trung- Việt.

Hai bên còn mở ra các lĩnh vực hợp tác mới giữa hai nước, ví dụ hôm qua Việt Nam và trung Quốc đã ký một hiệp định mới và quan trọng, đó là hiệp định về việc hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình. Tóm lại, hai bên đều hài lòng với những kết quả đạt được trong chuyến thăm này.

Hỏi: Ông đánh giá thế nào về triển vọng quan hệ hợp tác Việt- Trung trong những năm tới?

Trả lời: Tôi tràn đầy lạc quan về triển vọng phát triển sau này của quan hệ hai nước Trung - Việt. Theo tôi, xét về mặt chính trị, hai nước chúng ta đều là nước xã hội chủ nghĩa, đều kiên trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đều đang thực hiện chính sách cải cách mở cửa và đều đang xây dựng chủ nghĩa xã hội phù hợp với tình hình mỗi nước. Những điểm chung quan trọng này tạo cơ sở chính trị vững chắc đảm bảo cho quan hệ hai nước phát triển lành mạnh trong tương lai. Về mặt kinh tế, hai nước chúng ta đều là những nước đang phát triển, có tốc độ phát triển kinh tế tương đối nhanh. Đồng thời, mỗi nước có những ưu thế riêng về mặt kinh tế có thể bổ sung lẫn nhau. Hai năm trở lại đây, đặc biệt là trong năm nay, kim ngạch buôn bán hai chiều giữa hai nước tăng trưởng rất mạnh. Chúng ta đã thực hiện được mục tiêu kim ngạch buôn bán hai chiều đạt 2 tỷ Usd trong năm 2000, đồng thời kinh tế hai nước vẫn giữ đà phát triển nhanh. Điều này chứng tỏ, chúng ta có đầy đủ khả năng và tiềm lực to lớn để phát triển quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước. Trung Quốc có câu "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", tôi nghĩ rằng hai nước Trung Quốc và Việt Nam đã có đầy đủ ba điều kiện này để phát triển quan hệ hợp tác cùng có lợi. Việc hai nước Trung Quốc và Việt Nam phát triển sâu hơn quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế
thương mại, phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hai nước, đồng thời cũng có lợi cho sự phát triển và phồn vinh trong khu vực. Tôi cho rằng triển vọng quan hệ hợp tác Trung - Việt là rất sáng sủa./.