Đổi mới chương trinh giáo dục phổ thông tưu 2000-2020


Hà Nội ( Ttxvn 22/11/2000)

Ngày 21/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Hiển đã trình Quốc Hội Báo cáo về "chủ trương đổi mới chương trình và sách giáo khoa của giáo dục phổ thông từ năm 2000 đến năm 2020" và "đề án phổ cập giáo dục trung học cơ sở từ năm 2000 đến 2010".

Chương trình và sách giáo khoa thời kỳ 2000-2020 sẽ đảm bảo sự phát triển hài hòa về đức, trí, thể, mỹ và các kỹ năng cơ bản, chú ý tới định hướng nghề nghiệp, hình thành và phát triển những cơ sở ban đầu về phẩm chất và năng lực cần thiết cho người lao động mới.

Về nội dung, sách giáo khoa và chương trình sẽ đảm bảo kiến thức cơ bản, tinh giản và cập nhật với sự phát triển của khoa học công nghệ, kinh tế-xã hội, tiến kịp với trình độ phát triển của
chương trình giáo dục phổ thông của các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Chương trình và sách giáo khoa được soạn thảo với hướng đẩy mạnh đổi mới phương pháp giáo dục giúp học sinh biết cách tự học, phát hiện, sáng tạo và chủ động giải quyết vấn đề và tăng cường việc vận dụng thực hành.

Thời lượng dạy học và hoạt động giáo dục trong nhà trường phổ thông sẽ được tăng cường, thời lượng nghỉ trong quá trình học tập sẽ được phân phối lại, tăng các hoạt động vui chơi giải trí, sinh hoạt tập thể góp phần giảm sự căng thẳng không cần thiết ở các cấp học.

Để thực hiện được chương trình đổi mới, ngành giáo dục đề nghị cần khoảng 14.000 tỷ đồng để xây dựng đủ số phòng học để xóa tình trạng học ba ca và tiến tới dạy học 2 buổi/ngày ở trường kể cả đối với học sinh cấp trung học phổ thông và đảm bảo đủ thiết bị dạy học tối thiểu cho từng cấp học.

* Theo Đề án phổ cập trung học cơ sở giai đoạn 2000-2010, hầu hết các công dân đến 18 tuổi phải đạt trình độ học vấn trung học cơ sở. Việc phổ cập trung học cơ sở sớm muộn phụ thuộc điều kiện từng vùng. Các đô thị, vùng kinh tế phát triển cần phải phổ cập bậc học này vào năm 2005 và cả nước phổ cập bậc học này vào năm 2010.

Để phổ cập mặt bằng dân trí trong cả nước ở bậc học trung học cơ sở, dự án đưa ra một số giải pháp như đầu tư cơ sở vật chất, trang bị thiết bị dạy học để mở rộng và hoàn thiện mạng lưới trường trung học cơ sở, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kinh tế tổng hợp - hướng nghiệp , trong đó đặc biệt ưu tiên xây dựng ở các địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; đồng thời xây dựng chế độ chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với giáo viên làm công tác phổ cập; củng cố và nâng cấp có sở vật chất , thiết bị dạy học cho các trường sư phạm; hỗ trợ vật chất và tinh thần cho học sinh nghèo theo học các lớp chính quy và bổ túc trung học cơ sở; Vận động các em đã tốt nghiệp tiểu học nhưng không có điều kiện và học sinh đang học bậc học trung học cơ sở chính qui phải bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn đi học theo phương thức giáo dục không chính qui./.