Phát Triển Tin Học Trong Nhà Trường


Hà nội (Ttxvn 26/10/2000)

Ngành giáo dục đang xây dựng một kế hoạch tổng thể về công
nghệ thông tin giai đoạn 2001-2005 với mục tiêu phấn đấu tin
học phải được sử dụng để hỗ trợ cho việc dạy và học các môn
học khác như ngoại ngữ, toán, văn, lý, hóa, sử, địa.

Theo đó, phải có từ 5 đến 10% giờ giảng bài và học bài các
môn học khác được công cụ tin học hỗ trợ; đưa Internet vào
trường phổ thông; tập trung đào tạo về ứng dụng công nghệ
thông tin cho giáo viên dạy các môn học, sử dụng các phần mềm giáo dục gồm có phần mềm dạy học, tự học và kiểm tra.

Mỗi trường phổ thông sẽ xây dựng một phòng máy tính có ít nhất từ 5 đến 10 máy loại Pentium 2, 3 trở lên, được nối mạng cục bộ và Internet. Các trường đại học và cao đẳng sẽ tăng hàm
lượng tin học ứng dụng trong các chuyên ngành, kể cả chuyên ngành khoa học xã hội. Các trường dạy nghề sẽ phát triển đào tạo kỹ thuật viên tin học.

Ngành cũng phấn đấu đến năm 2005 đào tạo được 25.000 chuyên gia phát triển phần mềm và lập trình viên chuyên nghiệp.

Sau 10 năm đưa tin học vào dạy ở trường phổ thông, tin học đã được dạy chính thức tại các trường phổ thông trung học chuyên ban, còn tại các trường khác, tin học là môn nghề tự chọn. Đối với các trường trung học cơ sở và tiểu học thì tin học được coi như một môn ngoại khóa.

Thời gian qua, nhiều kỳ thi học sinh giỏi tin học cho học sinh khối phổ thông đã thu hút rất đông học sinh cả nước tham gia trong đó có nhiều học sinh đã được dự kỳ thi Olympic tin học quốc tế. Từ năm 1989 đến 1999, với tổng số 43 học sinh dự thi tin học quốc tế đã có 32 học sinh được giải, trong đó có 5 huy chương vàng, 11 huy chương bạc và 17 huy chương đồng. Đặc biệt, tại kỳ thi Olympic tin học quốc tế năm 1999 tại Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua, đoàn học sinh Việt Nam đứng thứ nhất toàn đoàn với 4 học sinh của Việt Nam đều đoạt giải xuất sắc (3 huy
chương vàng và 1 huy chương bạc).

Tuy nhiên, việc đưa tin học vào nhà trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Việc dạy hiện nay vẫn chủ yếu nặng về lý thuyết và nhẹ thực hành bởi thiếu cơ sở vật chất.

Số lượng máy tính so với số lượng học sinh ở mỗi trường vẫn còn quá ít. Hơn 10 năm qua, với mức đầu tư 20 tỷ đồng/năm của ngành giáo dục và sự huy động vốn của nhiều trường học, cũng mới chỉ có hơn 30% trường phổ thông trung học trong cả nước
được trang bị máy tính. Đặc biệt, mạng kết nối toàn ngành và mạng phục vụ cho giáo dục còn chưa được hình thành.

Thêm vào đó, cho tới nay vẫn chưa có một giáo trình thống nhất và xuyên suốt các cấp học trong cả nước. Chương trình học không được thường xuyên cập nhật kiến thức tương ứng với quá trình phát triển công nghệ thông tin nên hiệu quả còn bị hạn chế.