Giới thiệu
Năm 1986, Việt Nam bắt đầu thực hiện đường lối Đổi mới với ba trụ cột: (i) chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang vận hành theo cơ chế thị trường; (ii) phát triển nền kinh tế nhiều thành phần trong đó khu vực dân doanh đóng vai trò ngày càng quan trọng; (iii) chủ động hội nhập kinh tế khu vực và thế giới một cách hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Sau hơn hai mươi năm kể từ Đại hội Đảng VI năm 1986, công cuộc đổi mới của Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, nền kinh tế Việt Nam luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao liên tục trong nhiều năm. Việc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu, rộng hơn vào kinh tế thế giới, cơ hội tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Luật đầu tư nước ngoài năm 1987 là văn bản luật đầu tiên góp phần tạo ra khung pháp lý cho việc hình thành nền kinh tế thị trường tại Việt Nam. Năm 1991 Luật doanh nghiệp tư nhân và Luật công ty ra đời. Hiến pháp sửa đổi năm 1992 đã khẳng định đảm bảo sự tồn tại và phát triển của nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường và khu vực đầu tư nước ngoài. Tiếp theo đó là hàng loạt các đạo luật quan trọng của nền kinh tế thị trường đã được hình thành tại Việt Nam như Luật đất đai, Luật thuế, Luật phá sản, Luật môi trường, Luật lao động và hàng trăm các văn bản pháp lệnh, nghị định của chính phủ đã được ban hành nhằm cụ thể hóa việc thực hiện luật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với việc xây dựng luật, các thể chế thị trường ở Việt Nam cũng từng bước được hình thành. Chính phủ đã chủ trương xóa bỏ cơ chế tập trung, bao cấp, nhấn mạnh quan hệ hàng hóa - tiền tệ, tập trung vào các biện pháp quản lý kinh tế, thành lập hàng loạt các tổ chức tài chính, ngân hàng, hình thành các thị trường cơ bản như thị trường tiền tệ, thị trường lao động, thị trường hàng hóa, thị trường đất đai… Cải cách hành chính được thúc đẩy nhằm nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế, tạo môi trường thuận lợi và đầy đủ hơn cho hoạt động kinh doanh, phát huy mọi nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế. Chiến lược cải cách hành chính giai đoạn 2001-2010 là một quyết tâm của Chính phủ Việt Nam, trong đó nhấn mạnh việc sửa đổi các thủ tục hành chính, luật pháp, cơ chế quản lý kinh tế… để tạo ra một thể chế năng động, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Nhìn chung, những cải cách kinh tế mạnh mẽ trong hơn hai thập kỷ đổi mới vừa qua đã mang lại cho Việt Nam những thành quả bước đầu rất đáng phấn khởi. Việt Nam đã tạo ra được một môi trường kinh tế thị trường có tính cạnh tranh và năng động. Nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần được khuyến khích phát triển, tạo nên tính hiệu quả trong việc huy động các nguồn lực xã hội phục vụ cho tăng trưởng kinh tế. Các quan hệ kinh tế đối ngoại đã trở nên thông thoáng hơn, thu hút được ngày càng nhiều các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu và phát triển thêm một số lĩnh vực hoạt động tạo ra nguồn thu ngoại tệ ngày càng lớn như du lịch, xuất khẩu lao động, kiều hối...