Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng dự Hội thảo về khắc phục hậu quả chiến tranh do Viện Hoà Bình Hoa Kỳ tổ chức

Trong hai ngày 11-12/10/2022, tại thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ, Viện Hòa bình Hoa Kỳ (USIP) tổ chức chuỗi hội thảo “Khắc phục hậu quả chiến tranh và hoà giải tại Việt Nam, Lào và Campuchia: Hàn gắn vết thương chiến tranh”. Sự kiện năm nay quy tụ nhiều nhà ngoại giao, quan chức quốc phòng, cựu chiến binh, các tổ chức chính trị xã hội và học giả quốc tế. Tham dự sự kiện về phía Việt Nam có Đại sứ Phạm Quang Vinh – Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Hoa Kỳ, Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh - Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP. Hồ Chí Minh và đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng do Đại tá Lê Đình Vũ làm trưởng đoàn. Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng tham dự và phát biểu tại Đối thoại bàn tròn cấp Đại sứ đầu tiên về khắc phục hậu quả chiến tranh của Mỹ ở Đông Dương cùng Đại sứ Lào và Đại sứ Campuchia tại Hoa Kỳ.

 

Phát biểu khai mạc chuỗi sự kiện, Chủ tịch USIP Lise Grande khẳng định Hoa Kỳ mong muốn hợp tác với Việt Nam, Lào và Campuchia trong xử lý hậu quả chiến tranh, trong đó có tẩy độc dioxin, gỡ bom mìn chưa nổ và hỗ trợ người tàn tật. Đặc biệt, bà Grande cho rằng quá trình hợp tác thúc đẩy hòa giải giữa Hoa Kỳ và Việt Nam suốt hơn 40 năm qua là một trong những quá trình lâu dài và thành công nhất trong lịch sử gần đây, và Hội thảo diễn ra trong 2 ngày 11-12/10/2022 là một điểm nhấn trong sáng kiến về hòa giải mà USIP bắt đầu thực hiện từ năm 2021.

 


Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng cùng Đại sứ Lào tại Hoa Kỳ Sisavath Inphachanh và Đại sứ Campuchia tại Hoa Kỳ Keo Chhea tại Đối thoại bàn tròn cấp Đại sứ về khắc phục hậu quả chiến tranh của Mỹ ở Đông Dương (Washington D.C, ngày 12/20/2022)

 

Phát biểu tại Đối thoại bàn tròn cấp Đại sứ với chủ đề “Quan điểm khu vực về hợp tác và hòa bình”, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác khắc phục hậu quả chiến tranh, nhất là việc tìm kiếm bộ đội Việt Nam hy sinh, mất tích trong chiến tranh, đối với việc xây dựng lòng tin trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Đại sứ khẳng định khắc phục hậu quả chiến tranh là một quá trình đòi hỏi nhiều thời gian, quyết tâm và sự dũng cảm. Tại Việt Nam, hậu quả của chất độc màu da cam dioxin vẫn còn rất nặng nề, di truyền sang nhiều thế hệ. Vì vậy, Đại sứ cho rằng dù hai bên đã đạt được nhiều kết quả trong hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, song còn rất nhiều việc phải làm, chính quyền và các công ty hoá chất Mỹ cần thực hiện trách nhiệm, dành nguồn lực hơn nữa như đã cam kết để giải quyết hậu quả chiến tranh ở Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung. Bên cạnh đó, Đại sứ mong muốn Hoa Kỳ thúc đẩy hợp tác và phát triển ở ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia, thông qua tăng cường can dự, nhất là hợp tác phát triển kinh tế bền vững, bảo đảm thượng tôn pháp luật, củng cố các thể chế khu vực như ASEAN, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng .., nhất là ở tiểu vùng sông Mê Công.

 

Trao đổi tại các phiên thảo luận, Đại tá Lê Đình Vũ, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Văn phòng 701), trưởng đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng tham dự sự kiện, đã chia sẻ về kết quả hợp tác rà phá, xử lý bom mìn và chất độc hoá học giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, những ưu tiên hợp tác song phương trong thời gian tới, trong đó có dự án tẩy độc dioxin tại sân bay Biên Hòa và Phù Cát, cải thiện điều kiện sống của nhạn nhân chất độc da cam, rà phá bom mìn.

 

Chuỗi hội thảo nhằm triển khai Sáng kiến ​​Hòa giải và Di sản Chiến tranh Việt Nam của USIP, là sự kiện quan trọng góp phần thúc đẩy khắc phục hậu quả chiến tranh và công tác tìm kiếm bộ đội Việt Nam mất tích, đồng thời giúp góp phần nâng cao nhận thức và sự quan tâm của các giới ở Hoa Kỳ, nhất là thế hệ trẻ, về trách nhiệm đóng góp vào việc xử lý hậu quả chiến tranh./.