Đại sứ Nguyễn Quốc Cường trả lời phỏng vấn về chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

ĐÃ ĐẾN LÚC XÁC LẬP KHUÔN KHỔ QUAN HỆ MỚI GIỮA VIỆT NAM VÀ HOA KỲ
 
Nhận lời mời của Tổng thống Barack Obama, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ tiến hành chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ từ 24 - 26/7/2013. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Cường đã trả lời phỏng vấn về  chuyến thăm này.
 
Câu hỏi: Được biết Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ tiến hành chuyến thăm chính thức tới Hoa Kỳ trong vài ngày tới, xin Đại sứ cho biết ý nghĩa của chuyến thăm?
 
Trả lời: Chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từ ngày 24 – 26/7 tới có ý nghĩa rất quan trọng, mở ra một giai đoạn mới cho quan hệ hai nước. Đây không chỉ là nhận định của phía ta, mà cả phía Hoa Kỳ cũng cùng chung nhận xét, đánh giá như vậy. Ý nghĩa quan trọng của chuyến thăm được thể  hiện ở chỗ:
 
Thứ nhất, đây là chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ lần thứ hai của người đứng đầu Nhà nước ta sau gần 2 thập niên bình thường hóa quan hệ và là chuyến trao đổi đoàn cấp cao đầu tiên trong vòng 5 năm qua. Bản thân điều đó đã nói lên tầm quan trọng của chuyến thăm. 
 
Thứ hai, chuyến thăm diễn ra bối cảnh quan hệ hai nước đang trên đà phát triển khá sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, các kênh trao đổi giữa hai nước ngày càng đa dạng, giữa Nhà nước với Nhà nước, nhân dân với nhân dân, và giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị của hai nước… Trong chuyến thăm, ngoài hội đàm với Tổng thống Obama, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ có một chương trình hoạt động hết sức dày đặc, làm việc với lãnh đạo Quốc hội, nhiều Thượng nghị sĩ và Hạ nghị sĩ, gặp gỡ chính giới, nhiều doanh nghiệp và học giả, bạn bè, lãnh đạo một số tổ chức quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở Hoa Kỳ.  Đây thực sự là cơ hội để Lãnh đạo hai nước trao đổi về tầm nhìn quan hệ song phương trong giai đoạn mới, về những vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm, qua đó đưa quan hệ đi vào chiều sâu và ổn định hơn.
 
Thứ ba, chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là sự triển khai tích cực đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy trong cộng đồng quốc tế, cũng như chiến lược hội nhập quốc tế của nước ta. 
 
Câu hỏi: Đại sứ đánh giá như thế nào về thực trạng quan hệ hai nước thời gian qua và triển vọng trong thời gian tới ? 
 
Trả lời: Quan hệ hai nước những năm qua đã phát triển khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Về chính trị ngoại giao, các chuyến thăm lẫn nhau và các cuộc gặp gỡ cấp cao bên lề các hội nghị quốc tế đã góp phần duy trì đà quan hệ. Hiện nay hai nước đã thiết lập 10 cơ chế đối thoại về chính trị - an ninh - quốc phòng, kinh tế, về an ninh, phát triển của khu vực châu Á – Thái Bình Dương… 
 
Về kinh tế, từ năm 2005, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ đã tăng từ 200 triệu USD năm 1995 lên hơn 20 tỷ USD năm 2012, tức là tăng hơn 100 lần trong vòng chưa đầy 20 năm. Năm 2012, kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 25 tỷ USD. Riêng 6 tháng đầu năm nay, thương mại 2 chiều đã đạt 13,5 tỷ USD, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm trước. FDI của Mỹ vào Việt Nam tính đến hết 2012 đứng thứ 7 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 629 dự án, trên 11 tỷ USD. Đó là chưa tính tới số đầu tư khá lớn vào Việt Nam của các tập đoàn, doanh nghiệp Hoa Kỳ nhưng đăng ký ở các nước khác như Xinh-ga-po hay Hồng Công (Trung Quốc)…
 
Hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ tiếp tục được tăng cường, hai bên đang phát triển “quan hệ đối tác kiểu mẫu” trong nghiên cứu về biến đổi khí hậu và khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. NASA và Viện Khoa học và Công nghệ VN năm ngoái đã ký tuyên bố ý định chung về hợp tác nghiên cứu công nghệ không gian.
 
Giao lưu nhân dân giữa hai nước không ngừng mở rộng. Trong 10 năm qua, có khoảng trên 60.000 lưu học sinh sang học ở Hoa Kỳ từ phổ thông, cao đẳng trở lên. Nếu năm 2008 ta có khoảng trên 8 nghìn sinh viên đang theo học ở Hoa Kỳ, thì 5 năm sau, con số đó đã tăng gấp đôi, lên tới trên 16 nghìn, đưa Việt Nam đứng đầu trong các nước Đông Nam Á, và đứng thứ 8 trong số tất cả các nước có sinh viên du học tại Hoa Kỳ. Trong năm 2012, lượng khách Hoa Kỳ đến Việt Nam đạt gần 400 nghìn lượt,  xếp thứ 4 trong số các nước có nhiều du khách vào Việt Nam.
 
Bên cạnh đó, cũng cần kể đến sự hợp tác, phối hợp có hiệu quả giữa hai nước trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là Diễn đàn kinh tế châu Á-Thái binh dương (APEC), Diễn đàn  an ninh châu Á (ARF), Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng (ADMM+)…
 
Về triển vọng, tôi cho rằng quan hệ hai nước còn rất nhiều tiềm năng và hoàn toàn có cơ sở để chúng ta lạc quan về mối quan hệ hướng về phía trước giữa hai nước trong những năm tới, bởi lẽ: 
 
Một là, trong gần hai thập niên kể từ khi bình thường hóa quan hệ, hai bên đã tạo dựng được nền móng khá vững chắc với những cơ chế hợp tác ổn định cho quan hệ song phương. 
 
Hai là, nhìn về tương lai, Việt Nam đang tiến hành công cuộc Đổi mới sâu rộng với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại đến 2020. Lãnh đạo Hoa Kỳ đã nhiều lần phát biểu coi Việt Nam là đối tác đang nổi quan trọng ở khu vực. Cả hai bên cùng chia sẻ những lợi ích trong việc duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy thịnh vượng ở châu Á - TBD và trên thế giới. 
 
Ba là, hai nước đang tích cực tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng với 10 quốc gia khác, và nếu có thể đi đến việc ký kết vào cuối năm nay như cam kết của các nhà lãnh đạo, thì TPP sẽ mở ra một cơ hội lớn cho sự hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ một thị trường rộng lớn với 800 triệu dân và chiếm tới khoảng 40% thương mại cũng như GDP toàn cầu.
 
Gần một thập niên đã trôi qua kể từ khi hai nước xây dựng khuôn khổ quan hệ “đối tác xây dựng, hữu nghị, hợp tác nhiều mặt trên cơ sở bình đẳng, cùng tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi” vào năm 2005. Với tầm mức của quan hệ hai nước hiện nay, với những tiềm năng đáng kể đang hứa hẹn phía trước, đã đến lúc hai nước cần xác lập khuôn khổ đối tác mới cho quan hệ hai nước. Và chúng ta trông đợi vào cuộc hội đàm giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ xác định được khuôn khổ quan hệ mới đó, cùng với những nguyên tắc và nội hàm rõ ràng.
 
Câu hỏi: Xin Đại sứ cho biết hai bên đã giải quyết như thế nào trong những vấn đề do chiến tranh để lại và những vấn đề hai bên còn khác biệt ?
 
Trả lời: Đúng là nói đến quan hệ hai nước, chúng ta không thể không đề cập đến việc giải quyết những vấn đề do chiến tranh để lại. Việt Nam đã trải qua những mất mát, hy sinh hết sức to lớn về người và của trong cuộc chiến với hơn 300.000 người bị mất tích, hàng triệu người đã hy sinh; hàng ngày trên đài phát thanh, truyền hình Việt Nam vẫn đưa tin tìm kiếm những người thân, những đồng đội đã ngã xuống, và nếu vẫn với nguồn lực như hiện nay thì phải mất 100 năm nữa, Việt Nam mới giải quyết xong việc rà phá bom mìn còn chưa nổ tại khắp các tỉnh, thành của đất nước. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn coi việc tìm kiếm lính Mỹ bị mất tích trong chiến tranh là vấn đề nhân đạo và hợp tác vô điều kiện với Hoa Kỳ trong vấn đề này. Tính đến tháng 5/2013, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thực hiện thành công 109 đợt hoạt động hỗn hợp, hơn 125 đợt trao trả hài cốt, nhờ đó phía Hoa Kỳ đã nhận dạng được 693 trên tổng số 1983 trường hợp bị mất tích. Về phần mình, phía Hoa Kỳ cũng đã giúp thu thập, chia sẻ thông tin với Việt Nam về khoảng 1000 trường hợp bộ đội Việt Nam bị mất tích, trao trả các kỷ vật, mà một trong số đó là cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã làm xúc động hàng chục triệu trái tim người Việt Nam chúng ta cũng như nhiều bạn bè quốc tế. Chúng ta ghi nhận sự hợp tác, hỗ trợ ngày một tăng của Chính phủ và các tổ chức, cá nhân của Hoa Kỳ liên quan đến việc giải quyết hậu quả chất độc da cam  dioxin, như dự án “Tẩy độc môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng” và  các trợ giúp y tế đối với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin… , đồng thời chúng ta cũng đề nghị phía Hoa Kỳ làm nhiều hơn nữa liên quan đến những vấn đề nhân đạo này.
 
Về dân chủ nhân quyền, đúng là hai bên còn có những khác biệt, đó là thực tế. Vấn đề quan trọng là hai bên sẵn sàng trao đổi thẳng thắn để tăng cường hiểu biết, thu hẹp các khác biệt. Trên tinh thần đó, tôi hiểu rằng trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, chúng ta cũng sẵn sàng trao đổi các vấn đề liên quan đến dân chủ nhân quyền, tự do tôn giáo… Được biết, Chủ tịch nước có mời một số vị chức sắc tôn giáo ở Việt Nam cùng tham gia đoàn, và các vị chức sắc tôn giáo đó sẽ có cuộc trao đổi rất thẳng thắn và cởi mở với nhiều tổ chức phi chính phủ quan tâm đến vấn đề này, kể cả những tổ chức xưa nay vẫn có cái nhìn thiên lệch về dân chủ nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam. Phía Hoa Kỳ cũng đánh giá rất cao hoạt động này. 
 
Chỉ có hữu nghị, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi trên cơ sở Hiến chương Liên hiệp quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau mới là sự lựa chọn đúng đắn để đưa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ hướng tới tương lai, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chung của nhân dân hai nước./.