Sách đỏ mới của Việt Nam
Hà Nội ( Ttxvn 4/6/2001)
Danh mục sách đỏ mới của Việt Nam sẽ hoàn thành vào cuối năm 2001 với dự kiến trong đó gồm có 511 loài động vật và 484 loài thực vật, Ông Nguyễn Tiến Bân, Phó ban chỉ đạo việc sọan thảo danh mục sách đỏ cho biết.
Sách đỏ Việt Nam lần đầu tiên phần động vật được xuất bản năm 1992 với 365 loài năm trong danh mục, phần thực vật được xuất bản năm 1996 với 356 loài nằm trong danh mục. Đây là căn cứ khoa học quan trọng để Nhà nước ban hành những Nghị định và Chỉ thị về việc quản lý bảo vệ và những biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển những loài động thực vật hoang dã ở Việt Nam
Tuy nhiên từ ngày xuất bản đến nay, thực tế đã có nhiều thay đổi: hiện trạng của nhiều loài đã thay đổi không những về phấn bố mà còn thay đổi cả về số lượng và trữ lượng ngòai tự nhiên. Mặt khác, tiêu chuẩn dùng trong Sách đỏ Việt Nam trước đây đã trở nên lạc hậu do vậy Việt Nam đang tiến hành lập danh mục sách đỏ mới cho các loài sao cho phù hợp với các tiêu chuẩn mới đã được thống nhất tại hội nghị về soạn thảo Sách đỏ do Iucn tổ chức 9/1999 tại Xrilanca.
Hiện nay ở Việt Nam, nhiều loài trở nên rất hiếm, nguy cấp và thậm chí không tìm lại được ví dụ như bò xám( Bos sauveli Urbain). Bò tót( Bos Gaurus Smith), bò rừng(Bos Javanicus), hổ ... là đang là những loài rất hiếm, Việt Nam đã cấm buôn bán không chỉ cá thể mà còn cấm buôn bán cả cơ quan bộ phận của các lòai này. Trầm hương ( Aquilaria Crassna, Pơmu ( Fukienia hodginsii), hoàng đàn ( Cupressus Torulosa) là những cây sống ở rừng nguyên sinh nhiệt đới thường xanh ở độ cao của sườn núi đá vôi, hiện đã trở nên rất hiếm gặp ở Việt Nam.
Việt Nam cũng đang có một số cố gắng trong công tác bảo tồn nguồn gien nhưng việc bảo tồn và phát triển này đang gặp nhiều khó khăn không chỉ về tài chính mà còn về phương pháp và biện pháp và phương tiện. Viện Dược Liệu Trung ương và 12 mạng lưới bảo tồn cây thuốc trong cả nước đang lưu giữ 500 loài gien ( mỗi gien có vài cây), đưa vào bảo tồn 250 loài cây bằng năm phương pháp là bảo tồn nguyên trạng( insitu), bảo tồn di rời ( excitu), bảo tồn trong vườn ( onfarm), bảo tồn bằng các tế bào ( invitro), bảo tồn bằng hạt ) nhưng mới có tư liệu về 200 loài cây với các số liệu về sinh trưởng, chỉ tiêu sinh học, nông học, kinh tế. Trung tâm khoa học tự nhiên quốc gia đang tiến hành dự án bảo tồn và phát triển con cà cuống (Lethocecus indicus) ở giai đọan thăm dò, nhưng tới giai đoạn sinh sản cá thể lại bị chết./.