Nguồn lực kiều bào trong thương mại và đầu tư

 

VNA - Nguồn lực kiều bào là rất lớn, từ nguồn lực tài chính, lượng kiều hối, đến “chất xám” về tri thức, khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, cùng những sự hiểu biết, kinh nghiệm quốc tế, sự thấu hiểu nhiều nền văn hóa, những trải nghiệm về lối sống, thói quen của nhiều thị trường khác nhau. 
 
Đó là ghi nhận từ hội thảo “Phát huy nguồn lực kiều bào trong xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư,” do Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức ngày 8/6.
 
Ông Nguyễn Trọng Nguyễn, doanh nhân Việt kiều tại Hoa Kỳ, cho rằng doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài có lợi thế về kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn để tiếp cận với các công nghệ tiên tiến ở nước ngoài và tại nước sở tại, từ đó có thể đưa về Việt Nam để ứng dụng vào sản xuất công nghiệp, tăng thêm giá trị và hiệu quả sản xuất cho các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam.
 
Theo ông, nhu cầu về vốn và tài chính cho các dự án đầu tư phát triển tại Việt Nam rất cao, trong khi đó doanh nhân và chuyên gia tài chính người Việt Nam ở nước ngoài có cơ hội về nghề nghiệp và quan hệ để tiếp cận với các nguồn tài chính quốc tế nên có thể môi giới hoặc giới thiệu nguồn tài chính để tài trợ cho các dự án đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.
 
Đặc biệt trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, doanh nhân Việt kiều được cho là có lợi thế rất lớn để có thể thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt Nam.
 
“Chúng ta không chỉ ưu tiên người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài, mà còn hướng tới xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, đưa hàng Việt Nam ra thị trường nước ngoài. Vai trò doanh nhân Việt kiều ở đây rất quan trọng, vì Việt kiều hiểu rõ cả đôi bên, Việt Nam và nước sở tại nơi Việt kiều sinh sống. Doanh nhân Việt kiều sẽ giúp hàng Việt Nam xâm nhập và đứng được trên thị trường nước ngoài, đồng thời góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong nước,” ông Đỗ Trác Bàng, Chủ tịch Hội hữu nghị Canada-Việt Nam, nhận xét.
 
Theo ông Nguyễn Trọng Nguyễn, doanh nhân Việt kiều cần biết tận dụng khả năng tiếp cận, hiểu biết về nhu cầu thị trường ở nước sở tại và quốc tế, thông thạo về luật lệ và có quan hệ với giới chức sở tại của mình để phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất trong nước đầu tư vào hệ thống phân phối sản phẩm sản xuất tại Việt Nam tới thị trường nước sở tại, đồng thời phát triển rộng lớn hơn hệ thống phân phối hàng Việt Nam đến với thị trường quốc tế.
 
“Doanh nhân Việt kiều phải biết tận dụng lợi thế để tiếp cận với các lĩnh vực đầu tư và kinh doanh mà trong nước đang không có, hoặc đang thiếu”, ông Nguyễn chia sẻ thêm./.