Hạ viện Mỹ điều trần về vấn đề dioxin ở Việt Nam

Phiên điều trần thứ hai về vấn đề chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam do quân đội Mỹ thả xuống trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, diễn ra ngày 4/6, tại thủ đô Washington, Mỹ.
Phiên điều trần này do Tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương và Môi trường Toàn cầu thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ tổ chức dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Tiểu ban, Hạ nghị sỹ Eni F.H.Faleomaveaga.
Phiên điều trần lần này có chủ đề "Hoàn thành nghĩa vụ của mình, chúng ta cần làm gì để đề cập đến ảnh hưởng của chất độc da cam tại Việt Nam?", với sự tham dự của nhiều quan chức thuộc Chính quyền và Quốc hội Mỹ, các thành viên Nhóm Đối thoại Việt-Mỹ về chất độc da cam/dioxin, các nhà khoa học, nghiên cứu, bạn bè và người dân Mỹ.
Phát biểu tại phiên điều trần, Đại sứ Ngô Quang Xuân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam và là đồng Chủ tịch Nhóm đối thoại Việt-Mỹ về chất độc da cam/dioxin trình bày khái quát về tình hình quan hệ hai nước và những vấn đề liên quan đến chất độc da cam.
Theo Đại sứ, kể từ khi bình thường hóa quan hệ, quan hệ song phương Việt-Mỹ đã chứng kiến những bước phát triển nhanh chóng, thể hiện trên mọi lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, kinh tế đến văn hóa, giáo dục, khoa học... Một loạt các cuộc gặp gỡ cấp cao song phương đã thúc đẩy quan hệ hai nước, đánh dấu qua chuyến thăm của Tổng thống George W.Bush đến Hà Nội tháng 11/2006 và hai chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Mỹ trong các năm 2007 và 2008. Việt Nam và Mỹ đã tích cực hợp tác và đạt được những kết quả khả quan trên lĩnh vực kinh tế-thương mại và các vấn đề nhân đạo.
Đại sứ Ngô Quang Xuân nhấn mạnh hiện chỉ còn vấn đề "di sản" của chiến tranh vẫn chưa được giải quyết, đó là ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin tới sức khỏe con người và môi trường ở Việt Nam.
Trong nhiều năm qua, sự hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ về vấn đề này đã tiến triển đáng khích lệ song vẫn rất khiêm tốn so với những đòi hỏi tốn kém, lâu dài và rộng lớn để có thể giải quyết được vấn đề này. Hoàn thành nhiệm vụ này là cả một quá trình lâu dài, đòi hỏi các nỗ lực chung của cả hai nước, cũng như mối quan hệ đối tác ngày càng tăng giữa các khu vực công-tư.
Ông Ngô Quang Xuân cho rằng về lâu dài, vấn đề giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin phải được đưa vào trong mối quan hệ toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ.
Theo ông, trước mắt, cần tiếp tục thúc đẩy hơn nữa các mối quan hệ đối tác công-tư, đẩy mạnh tốc độ giải ngân các khoản viện trợ dành cho việc giải quyết các vấn đề liên quan đến chất độc da cam/dioxin và thúc đẩy trao đổi thông tin và đối thoại thường xuyên.
Đại diện của Mỹ, Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Scot Marciel tuyên bố giữa Mỹ và Việt Nam đã có sự hợp tác mang tính xây dựng và thực tế đối với các vấn đề liên quan tới chất độc da cam/dioxin và sự hợp tác này đã vượt ra khỏi khuôn khổ đối thoại cấp chính phủ.
Theo ông, cuộc họp lần thứ tư của Nhóm đối thoại Việt-Mỹ về chất độc da cam/dioxin vừa diễn ra ở Washington trong tuần này và cuộc họp hàng năm lần thứ tư của Ủy ban Tư vấn Hỗn hợp Việt-Mỹ (JAC), dự kiến vào tháng 9 tới tại Hà Nội, là những ví dụ tiêu biểu cho các mối quan hệ đối tác giữa hai bên.
Ông Scot khẳng định Mỹ sẽ cố gắng để đảm bảo rằng các khoản viện trợ bổ sung của Chính phủ Mỹ sẽ đa dạng và hiệu quả nhằm giải quyết các mối quan ngại chính liên quan đến vấn đề chất độc da cam/dioxin.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch kiêm cố vấn cấp cao của Tổ chức Quốc gia về Người tàn tật Mary Eileen Dolan-Hogrefe cho rằng Mỹ cần phải cam kết về chuyên môn và nguồn lực đối với Việt Nam nhằm tiếp tục giải quyết các vấn đề môi trường do ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin và giúp tạo ra một phong trào vì người tàn tật nhằm cải thiện sự quan tâm về y tế và hỗ trợ xây dựng năng lực.
Phát biểu tại buổi điều trần với tư cách là nhà động vật học, sinh thái học và môi trường học của Việt Nam, Giáo sư Võ Quý đã trình bày về những tác động to lớn của các hóa chất độc hại được sử dụng trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam đối với môi trường.
Giáo sư hy vọng buổi điều trần này sẽ giúp Quốc hội và công chúng Mỹ hiểu rõ hơn về mức độ nghiêm trọng và những tác hại của các loại hóa chất được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người.
Ông Võ Quý lên tiếng kêu gọi lòng nhân đạo và trách nhiệm của phía Mỹ giúp nhân dân Việt Nam chữa lành vết sẹo di chứng của cuộc chiến tranh, đồng thời xua đi "bóng ma chiến tranh cuối cùng" giữa hai nước.
Trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam trước khi diễn ra buổi điều trần, Hạ nghị sỹ Faleomaveaga bày tỏ sự bất bình trước việc Mỹ chưa giải quyết thỏa đáng vấn đề vốn được coi là một trong những trang đen tối trong lịch sử nước Mỹ; khẳng định sử dụng chất độc da cam/dioxin là một trong những quyết định tồi tệ của Washington trong thời kỳ chiến tranh.
Từng tham chiến tại Việt Nam từ 1967 đến 1968, ông Faleomaveaga đã chứng kiến cảnh cuộc sống của người dân Việt Nam bị chiến tranh tàn phá và phải chịu những tác hại của chất độc da cam/dioxin mà đến nay vẫn còn chưa chấm dứt và thừa nhận Mỹ chưa giải quyết thỏa đáng vấn đề nhức nhối này, không chỉ đối với người dân Việt Nam mà cả nhiều binh sỹ Mỹ, những người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin./.
(TTXVN/Vietnam+)