Ông Len Aldis Kêu Gọi Xét Xử Công Bằng Cho Nạn Nhân Chất Độc Da Cam Việt Nam
Ông Len Aldis, Thư ký Hội Hữu nghị Anh-Việt mới đây đã gửi thư kêu gọi Tòa Phúc thẩm Mỹ đem lại sự công bằng cho các nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam, những người bị nhiễm chất độc da cam mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong cuộc chiến ở Việt Nam. Sau đây là toàn văn bức thư.
Kính gửi các ngài thẩm phán Tòa Phúc thẩm Mỹ
Tôi không phải là một nhà khoa học hay bác sĩ. Tôi không có kinh nghiệm hay kiến thức về lĩnh vực y học nhưng tôi gửi bức thư này tới các ngài với tư cách là một người đã đến Việt Nam nhiều lần và đã đi thăm nhiều tỉnh ở nước này. Từ những chuyến thăm và những điều được tận mắt chứng kiến, tôi viết thư đề nghị Tòa hãy đứng về nguyên đơn.
Một trong những loại vũ khí mà quân Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam là hoá chất. Nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học thuộc trường Đại học Columbia do Mager Stellman và Steven D. Stellman phụ trách, được đăng trên tạp chí Thiên nhiên tháng 4-2003 căn cứ vào nhật ký của các phi công Mỹ, cho thấy có tới 82 triệu lít hóa chất đã được rải xuống một vùng rộng lớn ở miền nam Việt Nam. Nhiều nhà khoa học ở một số nước cũng đã tiến hành nghiên cứu về tác động của việc sử dụng những loại hóa chất này.
Tuy nhiên, tôi muốn hướng sự chú ý của Quý Tòa đến những chuyến thăm của tôi tới Việt Nam, lần đầu tiên là vào năm 1989, và từ đó đến nay mỗi năm một lần. Tôi đã đi tới nhiều tỉnh ở miền Bắc, miền Nam, miền Tây và miền Đông Việt Nam. Trong 17 năm, tôi đã gặp và nói chuyện với hàng trăm người già và trẻ bị tàn tật, và đau ốm do hậu quả của chất độc. Tôi đã gặp những người bị nhiễm chất độc hoá học đó tại các bệnh xá, bệnh viện, trường học và ở gia đình họ. Nhiều thanh, thiếu niên, và đặc biệt là trẻ em phải mang dị tật khủng khiếp.
Như các ngài đều biết cuộc chiến tranh ở Việt Nam kết thúc từ năm 1975, nhưng việc sử dụng các hóa chất, trong đó có chất độc da cam/dioxin trong giai đoạn 1961-1972, vẫn ảnh hưởng đến hàng triệu người, trong đó có hàng nghìn người ra đời sau khi chiến tranh đã kết thúc.
Tôi đã từng được chứng kiến một đứa trẻ sáu tuổi, được sinh ra mà không có mắt, phải dùng tay để tìm lối đi trong một căn phòng. Tôi cũng nhìn thấy hình ảnh đáng thương của một bé gái tám tuổi bị tật nứt đốt sống (Spina Bifida) khi cô bé đang viết thời khoá biểu ở lớp học. Có nhiều trẻ sinh ra chỉ có một tay hoặc một chân, thậm chí có cháu còn không có tay hoặc chân. Hàng trăm trẻ đã chết ngay trong bụng mẹ và một số chỉ sống được không bao lâu sau khi sinh. Những trường hợp này tôi đã nhìn thấy trong phòng đặc biệt ở bệnh viện Từ Dũ ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Kể từ khi sinh ra năm 1930, tôi chưa bao giờ phải chứng kiến những hậu quả khủng khiếp sau chiến tranh như ở Việt Nam.
Các nhà khoa học thế giới đã tiến hành các thí nghiệm và nghiên cứu về đất và rừng tại nơi chất hoá học được rải xuống. Chắc chắn các ngài đã được thấy những bằng chứng về các nạn nhân của chất độc da cam, bị ốm yếu hay tàn tật, hoặc những đứa trẻ Việt Nam được sinh ra có dị tật vì bố mẹ chúng từng phục vụ trong quân đội khi còn chiến tranh.
Tôi muốn các ngài biết một sự thực rằng nhiều nạn nhân chất độc da cam không thể đi lại chỉ ngay trong thị trấn, thành phố hay đất nước mình vì những dị tật khủng khiếp của họ, vì vậy làm sao họ có thể tới New York để cho các ngài biết sự thật. Đã có những bộ phim tài liệu về nạn nhân chất độc da cam/dioxin đầy bi thương. Tôi hy vọng rằng trước khi đi đến phán quyết, Quý Tòa hãy xem những bộ phim này.
Chắc các ngài thẩm phán biết rằng những binh lính Mỹ tham gia cuộc chiến ở Việt Nam và bị ảnh hưởng từ chất độc da cam, cũng đã sinh ra những đứa trẻ không hoàn thiện. Tuy nhiên, những cựu chiến binh Mỹ đã nhận được khoản bồi thường trị giá 184 triệu USD trong vụ kiện chống lại các công ty hoá chất Mỹ năm 1984.
Các cựu chiến binh ở Australia và New Zealand cũng đang phải gánh chịu những tác động của chất hoá học. Trong phán quyết của toà án tối cao Hàn Quốc, các công ty hoá chất Mỹ trong đó có Monsanto phải bồi thường cho các nạn nhân.
Tại hội nghị quốc tế về chất độc da cam tổ chức ở Hà Nội đầu năm nay, tôi đã được gặp một số cựu chiến binh từ các nước Astralia, Hàn Quốc, New Zealand, Việt Nam và Mỹ. Tôi đã lắng nghe họ kể lại về thời gian tham gia cuộc chiến ở Việt Nam, kể cả một số người trực tiếp rải chất hóa học xuống các vùng ở Việt Nam. Tôi rất cảm động khi nghe một người Mỹ nói về cái chết của đứa con trai ngay trong vòng tay của ông. Rõ ràng cái chết của đứa trẻ này là do người bố đã tiếp xúc với chất độc hóa học ở Việt Nam.
Câu chuyện của người đàn ông này cũng giống như bi kịch của hàng nghìn người Việt Nam và thậm chí nhiều người vẫn đang phải chứng kiến con cháu của họ tiếp tục phải gánh chịu hậu quả của chất hóa học do quân Mỹ sử dụng ở Việt Nam hơn 30 năm trước.
Những đứa trẻ mà tôi đã nhìn thấy trong những lần tới thăm Việt Nam là thế hệ thứ ba của những người bị nhiễm chất độc da cam và liệu còn bao nhiêu thế hệ nữa sẽ tiếp tục phải chịu ảnh hưởng của loại chất độc này.
Vào giữa tháng 12 tới, tôi sẽ tới thành phố Hồ Chí Minh để tham dự đám cưới của Nguyễn Đức, một nạn nhân chất độc da cam của cặp song sinh dính liền Đức-Việt sinh năm 1981, 10 năm sau khi quân Mỹ chấm dứt việc rải chất độc hóa học ở Việt Nam, và lần đầu tiên tôi gặp họ là vào năm 1989. Hai anh em được phẫu thuật tách rời 1988. Thật không may là Việt vẫn còn rất yếu và cần sự chăm sóc y tế thường xuyên.
Món quà cưới đáng quý nhất đối với Đức và vợ sắp cưới Thanh Tuyền là nhận được phán quyết công bằng của tòa án Mỹ cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Tôi hy vọng rằng các thẩm phán Mỹ sẽ đem lại sự công bằng cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Len Aldis
Thư ký Hội Hữu nghị Anh-Việt
Nguồn: Báo Nhân dân