"Chuyến thăm là thông điệp về một VN chủ động hội nhập"


"Chuyến thăm là thông điệp về một VN chủ động hội nhập"

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước ta tại Mỹ Nguyễn Tâm Chiến đã khẳng định như vậy trong một bài trả lời phỏng vấn tại Washington nhân kỷ niệm 10 năm bình thường hoá quan hệ Việt Nam-Mỹ (12/7/1995-2005) và trước chuyến thăm Mỹ đầu tiên của Thủ tướng nước ta Phan Văn Khải (từ 19 đến 25/6)

PV: Trước hết xin Đại sứ nhận định về sự cải thiện quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ trong 30 năm qua?

Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến: Ngay từ sau năm 1975, xuất phát từ truyền thống hoà hiếu của dân tộc, với mong muốn củng cố hoà bình, ổn định vì phát triển chung, Việt Nam đã bày tỏ sẵn sàng thiết lập quan hệ bình thường với Mỹ dựa trên những chuẩn mực của quan hệ quốc tế. Song do nhiều nguyên nhân, phải 20 năm sau, quá trình bình thường hoá mới chính thức bắt đầu, với việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước năm 1995.

Trong 10 năm qua, nhờ nỗ lực của cả hai phía, mối quan hệ giữa hai nước đã đi được một chặng đường quan trọng, đạt được những thành quả đáng khích lệ trong nhiều lĩnh vực, như đã tạo dựng được những cơ sở tốt cho sự hợp tác kinh tế- thương mại và thiết lập được các cuộc tiếp xúc và đối thoại về chính trị thông qua trao đổi các đoàn cao cấp ngày càng thường xuyên hơn. Sự hợp tác về tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh đã trở thành một điểm sáng. Hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học công nghệ, tư pháp cũng đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Hợp tác trong lĩnh vực chống khủng bố, phòng chống ma tuý, rà phá bom mìn .... đã được mở ra và đạt kết quả. Quan hệ trong lĩnh vực quốc phòng cũng đã được thiết lập. Thông qua phát triển du lịch, thiết lập đường bay thẳng, công dân hai nước ngày càng có điều kiện thăm viếng lẫn nhau, với mức hơn 300.000 công dân Mỹ tới thăm Việt Nam mỗi năm hiện nay. Quan hệ giữa các địa phương, các hội, các trường đại học cũng đang từng bước được gia tăng.

Tựu trung lại có thể nói 30 năm qua với phương châm gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, chúng ta đã chuyển quan hệ hai nước từ chỗ là thù nghịch sang giai đoạn quan hệ bình thường, đạt được những bước tiến lớn không chỉ về chính trị - ngoại giao mà cả về kinh tế-thương mại, khoa học - kỹ thuật, giáo dục-đào tạo, cũng như trong lĩnh vực quốc phòng. Việc bình thường hoá quan hệ là phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước và là sự đóng góp quan trọng vào củng cố hoà bình và phát triển ở khu vực.

PV: Sự bình thường hoá quan hệ hai nước đã có ý nghĩa thế nào đối với Việt Nam?

Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến:Trong khi thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và rộng mở, với phương châm sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển, thêm bạn bớt thù, chúng ta đã nỗ lực bình thường hoá quan hệ với Mỹ. Với việc đó, chúng ta đã khẳng định và tăng cường hơn nữa vị thế của đất nước Việt Nam. Từ chỗ bị bao vây cấm vận, quan hệ kinh tế thương mại bị hạn chế, ngày nay cùng một lúc chúng ta đã có quan hệ bình thường và ngày càng phát triển với tất cả các nước lớn và trung tâm thế giới và với đại đa số các nước khác. Nước ta đã trở thành thành viên bình đẳng, tham gia tích cực vào các quan hệ quốc tế, có vai trò không nhỏ trong việc giải quyết các vấn đề quan trọng của khu vực và thế giới và là đối tác và bạn hàng lớn của nhiều nước, trong đó có Mỹ. Đây là cục diện chưa từng có.

Tất cả những nỗ lực của chúng ta là nhằm giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, lợi ích cao nhất của dân tộc.

Việc xác lập quan hệ bình thường với Mỹ, một trung tâm lớn về kinh tế, có trình độ khoa học công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, là tạo điều kiện cho doanh nghiệp của chúng ta có cơ hội tìm kiếm thêm thị trường mới cho xuất khẩu hàng hoá và sản phẩm của Việt Nam, cũng như thị trường cho ta nhập khẩu thiết bị máy móc công nghệ cao phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước. Mỹ cũng là một trung tâm về giáo dục và đào tạo của thế giới với nhiều nguồn lực mà chúng ta có thể hợp tác cùng có lợi.

Ngoài ra, việc thiết lập quan hệ bình thường giữa hai nước còn có ý nghĩa vượt ra ngoài biên giới, đóng góp quan trọng vào củng cố hoà bình, ổn định, hợp tác ở Châu A-Thái Bình Dương nói chung và khu vực Đông Nam A nói riêng.

PV: Theo Đại sứ, chuyến thăm chính thức Mỹ sắp tới của Thủ tướng Phan Văn Khải có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ hai nước?

Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến: Đây là chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử, vì là lần đầu tiên Thủ tướng nước Việt Nam thống nhất sang thăm Mỹ sau 30 năm kết thúc chiến tranh. Chuyến đi lại diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Do vậy, đây là một mốc mới, một thông điệp rõ ràng về sự phát triển quan hệ giữa hai nước, về sự cần thiết đưa mối quan hệ tay đôi lên mức mới, thiết lập quan hệ đối tác xây dựng, ổn định lâu dài. Chuyến thăm cũng là một thông điệp về một đất nước Việt Nam đang lớn mạnh và chủ động hội nhập vào kinh tế thế giới.

Tôi tin rằng trong dịp này các nhà lãnh đạo hai nước sẽ điểm lại thành quả quan hệ 10 năm qua, trên cơ sở đó thoả thuận những đường hướng cơ bản trong tương lai cho sự hợp tác cùng có lợi, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, nhằm tạo động lực để quan hệ hai nước gặt hái nhiều thành quả hơn nữa.

PV: Đại sứ đánh giá thế nào về ý nghĩa của Hiệp định thương mại (BTA) đối với quan hệ hai nước và đối với sự phát triển kinh tế, thương mại cũng như sự hội nhập của Việt Nam?

Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến: Việt Nam và Mỹ có những tiềm năng lớn để hợp tác về kinh tế thương mại. Tuy nhiên trước khi có BTA, do thiếu một cơ sở tốt nên quan hệ kinh tế thương mại gặp nhiều hạn chế, với những con số thống kê rất nhỏ bé. BTA đã trở thành động lực to lớn cho sự hợp tác kinh tế-thương mại phát triển nhanh chóng: Kim ngạch thương mại hai chiều tăng gần năm lần, từ 1,5 tỷ USD năm 2001 lên 6,4 tỷ USD năm 2004, tức tăng gần 20 lần so với năm 1995.
Mỹ đã trở thành một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Quan hệ kinh tế-thương mại đã tạo đà kéo theo quan hệ trên nhiều lĩnh vực khác phát triển, từ chính trị đến hợp tác khoa học, giáo dục, y tế, nhân đạo, văn hoá, chống khủng bố, chống tội phạm xuyên quốc gia và hợp tác giải quyết các vấn đề toàn cầu. Tất cả những thành quả thực tế đó đã nói lên ý nghĩa quan trọng của BTA.

Tuy nhiên, với tiềm năng của hai nước, mức độ quan hệ kinh tế như hiện nay vẫn còn thấp. Điều quan trọng là nước ta chưa phải là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nên hàng hoá của Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ vẫn bị những trở ngại của hàng rào hạn ngạch và bị đối xử không công bằng, thậm chí quá phi lý như trong vụ kiện "bán phá giá" cá basa. Những điều đó đã làm trở ngại đáng kể cho việc gia tăng quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước. Hiện nay hai nước đang cố gắng để có thể kết thúc đàm phán song phương về việc Việt Nam gia nhập WTO. Chúng ta hy vọng rằng vì lợi ích lớn của quan hệ hai nước, Mỹ sẽ sớm kết thúc đàm phán song phương với Việt Nam và dành cho Việt Nam quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR), tạo điều kiện để Việt Nam có thể sớm trở thành thành viên WTO. Đó sẽ là động lực quan trọng để phát triển nhanh và mạnh hơn nữa mối quan hệ kinh tế thương mại cùng có lợi giữa hai nước. Điều đó cũng sẽ gia tăng cơ hội cho các doanh nghiệp Mỹ tại thị trường Việt Nam.

PV: Theo Đại sứ, hiện nay quan hệ Việt Nam-Mỹ đang có những vấn đề gì cản trở phát triển?

Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến: Với việc bình thường hoá hoàn toàn, quan hệ hai nước càng có nhiều điều kiện để phát triển. Còn nhiều dư địa để đẩy nhanh và mạnh hơn nữa quan hệ kinh tế-thương mại. Kim ngạch buôn bán hai chiều chưa phải cao. Các nhà đầu tư Mỹ vẫn chưa kinh doanh nhiều ở Việt Nam. Tổng giá trị đầu tư trực tiếp (FDI) chưa tương xứng với khả năng to lớn của một nền kinh tế mạnh như Mỹ và với đòi hỏi của một thị trường đang gia tăng sức mua của 82 triệu người tiêu dùng Việt Nam. Các lý do đã nêu trên như Việt Nam chưa phải là thành viên WTO, Mỹ chưa dành cho Việt Nam quy chế PNTR và vẫn còn sự đối xử thương mại không công bằng đã làm chững lại buôn bán của mặt hàng này hay mặt hàng khác. Tôi hy vọng những vấn đề này sớm được giải quyết.

Về những lĩnh vực khác, theo tôi trong quan hệ đã bình thường giữa hai nhà nước bất kỳ nào cũng sẽ không tránh khỏi nảy sinh những vấn đề này hay vấn đề khác cần phải xử lý. Nếu hai bên luôn coi trọng lợi ích lớn và căn bản của quan hệ giữa hai quốc gia, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, thì bất kỳ vấn đề khác biệt gì cũng có thể giải quyết được, dù nhạy cảm hay phức tạp đến đâu. Để đạt mục tiêu đó cần gia tăng đối thoại thẳng thắn, nhằm tăng cường hiểu biết. Khi có bất đồng nảy sinh thì cần tham khảo ý kiến chính thức của nhau.

PV: Xin cảm ơn Đại sứ.

TTXVN, 17/6/2005