Chuyện cưới xin - Những tục lệ khác nhau

Nhandan.org.vn, cập nhật 18 giờ 7 - 17-11-2003

Ngày nay, việc cưới và được tổ chức theo hình thức mới, ít coi trọng tục lệ cũ, nhưng những truyền thống đằng sau các bước và nghi thức chính chưa phải đã mất hết. Tuy nhiên, các đám cưới truyền thống xưa cũng khác nhau tùy theo vùng và dân tộc.

Ngày nay, khi những người dân thành thị ở Việt Nam làm đám cưới, cả cô dâu và chú rể đều mặc quần áo cưới theo kiểu phương Tây, thay cho những bộ đồ cưới cổ truyền. Nhưng, ngay cả khi họ vẫn mặc bộ đồ cưới cổ truyền thì những bộ đồ cưới này không chỉ là màu trắng như vẫn dùng từ thế hệ này qua thế hệ khác, mà cả những bộ đồ mới nguyên màu hồng và màu đỏ.

Ngày xưa, cha mẹ thường lựa chọn nàng dâu cho con trai mình. Ở vùng cao, nam nữ thanh niên được tự do tìm hiểu, cha mẹ chỉ tham gia khi con cái đã có sự lựa chọn. Đôi khi, trong những gia đình là bạn thân của nhau thì cha mẹ sắp xếp chuyện cưới xin, sắp đặt tương lai cho con cái. Thời Pháp thuộc, việc lựa chọn vị hôn phu theo kiểu Tây phương bắt đầu có ảnh hưởng đến truyền thống hôn nhân của Việt Nam - tương tự như truyền thống của các dân tộc châu Á khác. Mặc dù, nam nữ thanh niên ngày nay có thể tự do hơn trong việc lựa chọn người bạn đời, nhưng sự đồng ý của cha mẹ, đặc biệt trong các gia đình lớn, vẫn là cần thiết.

Trong các dân tộc ít người, việc lựa chọn người bạn đời thường được dành cho từng cá nhân. Ở Tây Nguyên, nam nữ thanh niên có thể hẹn hò, gặp gỡ nhau trong rừng, ở nhà hoặc trong các lễ hội. Một số cha mẹ còn dựng các lều nhỏ cho con gái mình làm nơi hò hẹn. Cô gái sẽ mời người yêu của mình về ở với cô trong lều năm đêm. Nếu chàng trai không đồng ý lấy cô thì phải nộp phạt cho nhà gái một con gà và một ché rượu. Nếu đôi trai gái đồng ý kết hôn, họ sẽ thưa chuyện với cha mẹ. Qua các ông mối, các thiếu nữ Gia Lai và Ê Đê thường ngỏ tình cảm và đưa tặng người yêu chiếc vòng tay. Nếu người bạn trai nhận vòng, tức là họ chấp nhận lời hứa hôn và hôn lễ sẽ được cử hành sau đó.

Đối với người Mông, khi đôi trai gái đồng ý cưới nhau, chàng trai sẽ báo trước cho người yêu biết ngày và nơi mà cô sẽ bị "bắt". Theo tục lệ “bắt vợ” này, người con gái sẽ được đưa về nhà người yêu như một "tù nhân". Sau 3 ngày bị "bắt", nếu cô gái không trốn khỏi nhà có nghĩa là cô gái đã đồng ý cưới chàng trai. Sau đó, cha mẹ chàng trai nhờ ông mối chọn ngày lành tháng tốt cho lễ cưới. Cô gái được trở về nhà để chuẩn bị tư trang và váy áo cho đám cưới.

Đôi khi, thêm một lần thử thách người yêu, cô gái Mông lại yêu cầu người yêu "bắt" cô ngay tại nhà vào giữa đêm - việc này không phải là dễ vì lúc này trong nhà thường có đầy đủ mọi người. Để giúp người yêu, cô gái thường để ngỏ cửa sau. Khi bị "bắt", cô gái có thể sẽ hoảng sợ, kêu thật to, đánh thức cả nhà. Nếu chàng trai kéo được cô thật nhanh ra khỏi nhà thì càng chứng tỏ chàng trai của cô là người dũng cảm và mạnh mẽ.

Nhiều chàng trai Mông muốn mang hạnh phúc bất ngờ cho người yêu. Họ đến "bắt" mà không báo trước, lại còn giả làm người lạ để cô gái không nhận ra ngay từ đầu. Nhưng sau đó, cô gái sẽ vô cùng hạnh phúc khi nhận ra người yêu. Một số cô gái đã biết trước thường tách ra khỏi bạn bè, ở nơi vắng vẻ để bị "bắt" được thuận tiện. Từ bao đời nay, tục lệ "bắt vợ" này vẫn còn tồn tại.

Ở vùng Tây Bắc, khi chàng trai muốn cưới cô gái, anh ta thường rủ bạn bè, mang những chiếc khèn bè, đến diễn tấu dưới cửa sổ nhà sàn các cô gái. Qua thời gian tìm hiểu, chàng trai nào chọn được người yêu rồi sẽ nói với cha mẹ để lo chuyện hôn nhân. Theo tục lệ cũ, người con trai phải đến ở nhà người con gái trong 3 tháng trước khi làm lễ cưới chính thức. Anh ta chỉ được phép ở gian đầu nhà sàn dành cho khách nam giới. Anh ta cũng chỉ được phép mang theo một con dao để làm việc. Sau thời gian “thử thách” 3 tháng, nếu được bố mẹ vợ tương lai ưng ý, chàng trai sẽ trở về nhà để báo cho bố mẹ mình biết. Lần này, anh ta mới được mang tư trang của mình đến và ở đó suốt 3 năm. Lễ thành hôn chính thức chỉ được tiến hành sau 3 năm! Sau 3 năm, nếu đồng ý lấy chàng trai, cô gái sẽ búi tóc bằng trâm cài đầu và cái độn tóc giả do gia đình nhà trai mang đến. Cô gái nào không muốn cưới chàng trai sau 3 năm đó sẽ phản kháng bằng cách cắt trụi tóc mình. Sau lễ cưới, chú rể sẽ tiếp tục ở nhà gái từ một đến mười năm và chỉ được phép đưa vợ về nhà mình sau một nghi lễ đưa dâu long trọng. Lần này, nàng dâu phải chuẩn bị nhiều quà biếu gia đình bên chồng như tấm áo khoác thật đẹp cho mẹ chồng, một bộ quần áo thật đẹp biếu bố chồng và những tấm khăn piêu biếu cô bắc bên chồng.

Trong một số trường hợp khi đám cưới do bố mẹ sắp xếp, lễ nạp thái đánh dấu lần đầu tiên hai gia đình gặp nhau. Ở giai đoạn này, chàng trai và cô gái đã được "lựa chọn". Sau đó, gia đình chú rể sẽ hỏi họ tên, ngày sinh tháng đẻ cô dâu tương lai. Song, họ thường nhờ thầy số bấm tuổi từng người, so đôi tuổi xem đôi trai gái có thể sống hòa hợp nhau và bền lâu hay không.

Khi mọi thứ suôn sẻ, gia đình chú rể sẽ thông báo cho gia đình cô dâu biết và trước lễ ăn hỏi, gia đình nhà gái sẽ thách cưới. Lễ vật gồm gạo nếp, gà, thịt heo, trà, trầu cau cho lễ cưới, một số nữ trang và vải vóc cho con gái. Việc đem những lễ vật này đánh dấu bước ăn hỏi giữa hai gia đình.

Trầu cau mang điển tích nhắc nhở long thủy chung của đôi trai gái. Gia đình cô dâu sẽ biếu lại nhà trai một phần lễ vật, số còn lại đem chia thành gói nhỏ, biếu họ hàng, bạn hữu để báo tin con mình đã đính hôn.

Từ ngày ăn hỏi đến ngày cưới, có tục sêu tết. Chàng rể chưa cưới biếu nhà vợ mùa nào thức nấy những thứ đầu mùa như chim ngói, ngỗng, dưa hấu v.v. và qua ngày Tết. Thời gian này, nhà gái thường phải tỏ ra không vội vã trong khi chú rể biết rằng anh ta phải cưới vợ càng nhanh càng tốt. Trong dân gian có câu rằng: “cưới vợ thì cưới liền tay” bởi vì cô gái có thể bỏ đi với người khác nếu phải chờ đợi quá lâu.

Lễ cưới được tổ chức khác nhau tùy theo từng vùng. Ở vùng nông thôn miền bắc có tục chăng dây tơ hồng đám cưới. Một số thanh niên bên nhà gái chăng một sợi chỉ đỏ ngang đường mà cắt đi là điều tối kỵ. Nếu sợi tơ hồng bị đứt, cặp vợ chồng không thể ăn đời ở kiếp với nhau lâu được. Dưới sợi tơ hồng đó đặt một chiếc bàn, có sẵn bút, mực và giấy, trên giấy đã ghi sẵn một vế đối mà chú rể phải viết nốt vế đối còn lại. Thíí dụ: nếu một vế của câu đối là: "Đông sàng tự Cổ, Đô Tây tịch." (Cái giường phía Đông từ xưa vẫn trải chiếu phía Tây) thì chú rể đối lại như sau: "Nam nhạn quy Trình, Xá Bắc chân." (Con chim nhạn ở phương Nam bay về - đỗ ở bãi phía Bắc).

Một khi chú rể hoặc một người trong họ nhà trai hoàn thành vế câu đối, chú rể coi như đã “đậu”. Nhà gái cuốn sợi dây tơ hồng lại, nổ pháo tưng bừng, đón mừng chú rể. Gia đình chú rể được mời ăn trầu, uống rượu và ăn cơm chiều. Sau bữa ăn, đại diện nhà gái mặc quần áo đẹp, cùng cô dâu, chú rể trở về nhà chú rể.

Về đến nhà chú rể, cô dâu phải bước qua một lò nhỏ than hồng, tục rằng để đốt vía, tránh dư luận dèm pha. Hai người làm lễ tế tơ hồng, khấn Ông Tơ Bà Nguyệt, rồi cùng uống chung chén rượu, cùng ăn chung khẩu trầu. Đến lễ gia tiên, hai người lạy ông bà, cha mẹ.

Nghi lễ cuối cùng chấm dứt khi cô dâu chú rể vào phòng. Một bà cao tuổi, vợ chồng song toàn, con cái đông đủ được mới sắp giường, giải chiếu cho đôi vợ chồng mới. Xong, mọi người rút lui.

Ngày hôm sau hoặc sau 4 ngày, đôi vợ chồng mới về thăm gia đình nhà vợ, thường mang theo mâm lễ, có cả con lợn quay. Nghi lễ này gọi là Lễ nhị hỷ hoặc lễ tứ hỷ. Nếu rủi thấy tai con lợn đem sang bị xẻo, đó là báo hiệu có chuyện “trục trặc”.

Ở, vùng nông thôn, đôi vợ chồng mới cưới thường phải nộp cheo bằng một số vật liệu như gạch, ngói để tu bổ hoặc xây mới các công trình công cộng của làng xóm bên gái như đình, điếm, đường làng, cổng làng.... Việc này chứng tỏ đôi vợ chồng mới là thành viên của làng, của xóm.

Trong các đám cưới ở thành phố hiện nay, các phu cưới được thay bằng các xe xích lô lọng vàng hoặc ô-tô chở lễ vật từ nhà trai sang nhà gái. Đám cưới giảm hầu hết các nghi lễ cổ kính mà thay bằng tiệc tùng náo nhiệt, có ca hát, có nhạc mới, một số nơi có cả khiêu vũ, chụp ảnh, quay phim. Cô dâu, chú rể lên xe hoa về nhà.

Ngày nay, đám cưới đã có những thay đổi lớn, theo thời gian và thời thế. Người phụ nữ không còn quanh quẩn trong nhà nữa, đã ra ngoài xã hội, làm mọi công việc bình đẳng với nam giới, tự quyết định lấy cuộc đời của mình. Tuy nhiên, những nghi lễ cần thiết như cưới, hỏi vẫn phải có vì thanh niên ngày nay vẫn phải xin phép cha mẹ khi cưới xin.

NGUYỄN MẠNH QUÂN
(Heritage Magazine)