Huy động toàn dân giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam

Nhandan.org.vn, cập nhật 18giờ30 - 08-10-2003

Giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam vừa là trách nhiệm vừa thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn". Nên chăng cần có Ngày vì nạn nhân chất độc da cam nhằm huy động sự giúp đỡ rộng khắp của toàn dân.
Chất độc da cam, nỗi đau dai dẳng của chiến tranh

Ở thôn Tống Phố, xã Thanh Quang, Hải Dương có một căn nhà bé nhỏ hằng ngày vẫn chở che cho hai mẹ con chị Trần Thị Hoành và cháu Trần Ðình Nghĩa. Cậu bé Nghĩa 12 tuổi thân hình quặt quẹo, chỉ biết bò, nói không rõ lời, ngồi nép bên cạnh mẹ. Em sinh ra đã bị dị tật bẩm sinh, thỉnh thoảng lại lên cơn co giật. Nhắc đến thời thanh xuân của mình, mắt chị ngấn lệ: Trước khi tình nguyện đi thanh niên xung phong, chị có một tình yêu thật đẹp. Năm 1978, chị xung phong vào chiến trường Tây Nguyên. Thời gian ở Gia Lai, Kon Tum, ngày ngày chị vẫn đi thu gom, dọn dẹp những hòm đạn trên chiến trường, lấp hố bom giúp bà con làm nương rẫy. Năm 1982, trở về quê hương, chị trở nên ốm yếu, bệnh tật và bị nghi là nhiễm chất độc da cam. Còn bé Nghĩa ra đời là kết quả của một niềm mong ước lớn lao mà giản dị của người phụ nữ chứ chị đâu biết đến cái gọi là "chất độc da cam". Giờ đây, cuộc sống của hai mẹ con chỉ trông chờ vào hai sào ruộng, chị phải đi làm thuê đủ mọi việc, nhưng làm sao có đủ điều kiện cho bé Nghĩa được đi học và chữa bệnh.

Chia tay hai mẹ con chị, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Cười và bà Vũ Thị Mậu ở phường Trại Cau, quận Lê Chân, Hải Phòng. Gia đình có năm người con thì cả năm đều bị ảnh hưởng chất độc da cam: ba cháu bị câm điếc bẩm sinh và hai cháu bị thiểu năng trí tuệ. Năm đứa con, đứa nào cũng ngơ ngơ ngẩn ngẩn, có đứa chẳng làm được gì. Ðã thế, thỉnh thoảng lại bỏ nhà đi đâu mất, khiến người mẹ lại phải nháo nhác đi tìm. Trước khi lập gia đình, ông Cười tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên từ năm 1963 đến 1975, tại trung đoàn 550, đoàn 24. Năm 1968, gia đình nhận được giấy báo tử của ông, nhưng năm 1975, ông Cười đột ngột trở về, không giấy tờ làm chứng, ông không được hưởng chế độ. Gia cảnh khó khăn, bản thân đau yếu, năm đứa con tật nguyền, mãi đến năm 1999, ông Cười mới được xét duyệt hưởng chế độ trợ cấp nạn nhân chất độc da cam với mức 88.000 đồng/tháng cho những người trực tiếp tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, bị suy giảm khả năng lao động. Các con của ông, một người được hưởng trợ cấp 84.000 đồng/tháng (mức thứ 3 dành cho những đối tượng là con đẻ của người bị nhiễm chất độc da cam tham gia kháng chiến không có khả năng lao động, không tự lực được trong sinh hoạt), hai người được hưởng trợ cấp 48.000 đồng/tháng (mức thấp nhất dành cho con đẻ người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam không có khả năng lao động nhưng còn tự lực được trong sinh hoạt). Còn bà Mậu đi thanh niên xung phong ở đường 9 Nam Lào, dọc đường mòn Hồ Chí Minh. Sau khi về mất sức, với gánh rau trên vai, hằng ngày bà cũng chỉ kiếm được 5.000 - 7.000 đồng bù vào số tiền trợ cấp thương binh ít ỏi để nuôi con. Nỗi lo lắng duy nhất của người mẹ ấy bây giờ là tương lai của con cái mình sẽ ra sao, liệu có lặp lại cảnh của những người cha, người mẹ chúng đã gặp phải hay không? Có lẽ họ đã phải nén nỗi đau, nỗi xót xa đến cùng cực để tiếp tục sống vì những đứa con bất hạnh.

Những việc đã làm nhằm giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam

Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, Ðảng và Nhà nước ta đã có những biện pháp tích cực trong việc điều tra và giải quyết hậu quả chiến tranh hóa học. Thủ tướng Chính phủ đã có Nghị định số 07 ra ngày 9-3-2000 về chính sách cứu trợ xã hội, cũng như ban hành Quyết định số 26 ra ngày 23-2-2000 quy định về một số chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, chung quanh các vấn đề liên quan việc giải quyết chế độ cho các nạn nhân chất độc da cam vẫn còn chậm trễ và gặp nhiều bất cập. Trong thực tế đã xuất hiện nhiều gia đình nạn nhân có thế hệ cháu bị dị tật bẩm sinh, trong khi thế hệ con không có biểu hiện, triệu chứng gì. Vậy thế hệ cháu có được hưởng chế độ gì không? Cũng cần thấy rằng, hầu hết các gia đình nạn nhân chất độc da cam thường rất nghèo. Có gia đình sinh con dị tật nhưng vẫn cứ tiếp tục sinh con chỉ vì khát khao và hy vọng. Họ lo sợ những đứa con dị tật của mình sẽ sống như thế nào nếu ngày mai những người cha, người mẹ như họ sẽ ra đi. Nhưng rõ ràng, với số tiền trợ cấp ít ỏi như hiện nay, họ lo sao cho đủ ăn, đủ mặc, chưa nói đến chuyện lo chữa bệnh.

Hơn nữa để được hưởng trợ cấp, nhiều người, nhiều gia đình đã rất vất vả vì những thủ tục. Tiêu chuẩn xác định nạn nhân chất độc da cam dường như quá khắt khe đối với họ. Anh Tạ Doanh, Phó trưởng phòng Lao động, Thương binh - Xã hội quận Lê Chân, Hải Phòng cho biết: Có hai tiêu chuẩn để xác định nạn nhân chất độc da cam được hưởng trợ cấp, đó là những người tham gia lực lượng vũ trang, cán bộ dân chính đảng, thanh niên xung phong tham gia công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại các vùng bị Mỹ sử dụng chất độc hóa học trong chiến tranh Việt Nam (miền nam Việt Nam) từ tháng 8-1961 đến 30-4-1975 và bị những dị dạng, dị tật thực thể. Nhưng trên thực tế, có nhiều người tham gia kháng chiến sống trong vùng bị rải chất độc hóa học nhưng đã bị thất lạc giấy tờ. Mặt khác, có những người sau năm 1975 hoạt động, công tác ở những vùng Mỹ rải chất độc hóa học, họ vẫn có nguy cơ bị ảnh hưởng chất độc da cam vì đi-ô-xin không thể tiêu hủy ngày một ngày hai mà chứng cứ khoa học cũng đã chứng minh rằng, nó tồn tại rất nhiều năm và bây giờ thực tế con cái họ vẫn bị ảnh hưởng. Vậy họ có phải là những người được hưởng trợ cấp theo quy định của Nhà nước? Có cứng nhắc quá không khi chúng ta căn cứ vào việc xác định ranh giới chỉ miền nam Việt Nam mới có nguy cơ nhiễm chất độc da cam trong khi việc rải hóa chất từ trên cao không loại trừ khả năng chúng bị phân tán xuống các vùng lân cận do ảnh hưởng của hướng gió hoặc theo nguồn nước... Ðó cũng chính là nguyên nhân cho đến nay vẫn còn rất nhiều người chưa được hưởng chế độ trợ cấp. Theo số liệu thống kê của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hải Dương, tính đến tháng 12-2002, toàn tỉnh có 15.588 người nghi nhiễm chất độc da cam nhưng mới có 2.160 người được xác minh và hưởng chế độ trợ cấp. Riêng xã Thanh Quang trong số 78 trường hợp nghi nhiễm chất độc da cam, chỉ có hai người được hưởng chế độ. Quận Lê Chân (Hải Phòng) có 531 người nghi nhiễm chất độc da cam chỉ có 97 người được hưởng chế độ.

Có chứng kiến tận mắt nỗi khổ tâm mà những nạn nhân chất độc da cam đang từng ngày phải gánh chịu mới hiểu nỗi mong chờ và hy vọng nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Ðảng, Nhà nước, của những cơ quan chức năng có thẩm quyền, của những người chung quanh như thế nào? Bà con, xóm làng, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức nhân đạo từ thiện không bỏ rơi họ. Nhà nước cũng đã cho thành lập Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam thuộc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhằm phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp các nạn nhân khám, chữa bệnh, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, trợ giúp vốn và phương tiện sản xuất... cho các nạn nhân của chiến tranh hóa học. Tuy nhiên, các hoạt động hỗ trợ này mới chỉ tập trung giúp đỡ được một phần các nạn nhân ở 30 tỉnh, thành phố miền nam và miền trung, Tây Nguyên, trong đó phần lớn là những đối tượng chưa có chế độ. Ðó là những người dân đang sống ở vùng còn chứa nhiều chất độc hóa học. Với nguồn quỹ còn hạn chế từ cấp trung ương đến địa phương, của các ban, ngành, đoàn thể như hiện nay chắc chắn những việc chúng ta đã làm quả thật vẫn còn quá ít ỏi.

Cần sự quan tâm hơn nữa

Trong lúc các công trình nghiên cứu trên thế giới về tác hại của chất độc hóa học trên con người vẫn đang được tiến hành một cách chậm chạp thì một câu hỏi vẫn ám ảnh chúng ta: Vậy nạn nhân chất độc da cam còn phải chờ đợi đến bao giờ? Có lẽ sẽ là quá muộn nếu ngay từ bây giờ chúng ta chưa có một hướng giải quyết kịp thời và thấu đáo đối với những nạn nhân chất độc da cam. Từ việc điều chỉnh các tiêu chuẩn xác định nạn nhân chất độc da cam chính xác và đầy đủ cho đến việc cân đối mức trợ cấp đối với nạn nhân chất độc da cam một cách thỏa đáng, giúp họ có một cuộc sống tương đối ổn định và vơi bớt nỗi đau về tinh thần. Việc thành lập các trung tâm tư vấn về chất độc da cam cho các nạn nhân chất độc da cam để hạn chế nguy cơ sinh con dị tật ở những vùng bị rải chất độc hóa học và người có "nguy cơ" cao là hết sức cần thiết. Chúng ta đã có Ngày vì người nghèo, Tháng Hành động Vì trẻ em,... Nên chăng cần có Ngày vì nạn nhân chất độc da cam nhằm huy động sự đóng góp của toàn dân đối với Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam để giúp đỡ một cách rộng khắp và hiệu quả hơn nữa đối với các nạn nhân chất độc da cam.

LÊ HIỀN
(Hội Chữ thập đỏ Việt Nam)