Diễn văn Chủ Tịch Trần Đức Lương - Chiêu Đãi Tổng Thống Clinton



Hà Nội (Ttxvn 17/11/2000)

Trong diễn văn đọc tại buổi chiêu đãi Tổng thống Hoa Kỳ W.J Clinton tại Phủ Chủ tịch tối ngày 17/11, sau khi khẳng định chuyến thăm này của Tổng thống W.j. Clinton là một mốc mới trong tiến trình bình thường hóa đầy đủ các quan hệ giữa hai nước,

Chủ tịch nước Trần Đức Lương nói: " Dân tộc Việt Nam yêu hòa bình, trọng nhân nghĩa, luôn mong muốn xây đắp tình hữu nghị, sống hòa hiếu với nhân dân các dân tộc trên thế giới trong đó có Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Trong những năm tháng bôn ba tìm
đường cứu nước vào những thập kỷ đầu của thế kỷ 20, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đến Hoa Kỳ. Người trân trọng tinh thần đấu tranh vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước của nhân dân Hoa Kỳ trong các thế kỷ trước đó.

Trong Chiến tranh thế giới thứ II, Chủ tịch Hồ Chí Minh và phong trào Việt Nam do Người lãnh đạo đã quyết định đứng hẳn về phe Đồng minh trong cuộc đấu tranh chống phát xít.

Không phải ngẫu nhiên mà ngày 2/9/1945, trong phần mở đầu của bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn một câu trong Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ nói về quyền được sống, quyền được tự do, bình đẳng và mưuu cầu hạnh phúc cho tất cả mọi người và Người chỉ rõ:"... Lời nói bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do". Trong những năm đầu của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cả về sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần bày tỏ với các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ về nguyện vọng của Việt Nam và đề nghị nhiều hình thức hợp tác giữa hai nước.

Lịch sử cho thấy các nguyện vọng cháy bỏng của nhân dân Việt Nam về độc lập tự do, mưuu cầu hòa bình để xây dựng đất
nước đã không được đáp ứng.

Trong những năm 60, 70 của thế kỷ 20, nhân dân Việt Nam đã buộc phải tiến hành cuộc kháng chiến chính nghĩa để bảo vệ độc lập, tự do với nhiều hy sinh nhất trong lịch sử dân tộc. Cuộc chiến tranh đã tàn phá nghiêm trọng đất nước chúng tôi, đồng thời cũng để lại những tổn thương không nhỏ cho nhân dân Mỹ. Nhân dân Việt Nam ghi nhớ và biết ơn phong trào rộng lớn của nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh. Phong trào đấu tranh đó đã góp phần với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, dẫn đến kết thúc chiến tranh năm 1975.

Thời gian càng lùi xa, càng giúp cho chúng ta nhìn nhận rõ hơn, sâu hơn, bình tĩnh hơn về quá khứ và lịch sử. Chúng tôi biết ơn dưu luận thế giới và các tầng lớp nhân dân Mỹ đã không ngừng lên tiếng đòi xóa bỏ bao vây cấm vận, bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Chúng tôi ghi nhận sự đóng góp nhiệt tình của giới doanh nghiệp, các nhà khoa học, của nhiều chính khách Mỹ cho quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước chúng ta. Chúng tôi đánh giá cao vai trò cá nhân của Tổng thống đã có những quyết định cần thiết để từng bước bình thường hóa quan hệ hai nước.

Trong 8 năm qua, chúng ta đã đi được một quãng đường khá dài trong việc cải thiện quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, đó mới chỉ là sự bắt đầu. Hy vọng rằng chuyến thăm Việt Nam của Ngài tổng thống sẽ đánh dấu một giai đoạn mới của quan hệ hợp tác hữu nghị lâu dài dựa trên cơ sở các các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, đáp ứng lòng mong đợi và lợi ích chân chính của nhân dân Việt Nam và nhân dân Hoa Kỳ, góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển ở Đông Nam á, châu á-thái Bình Dương và trên thế giới.

Trong khi cùng hướng về việc xây dựng mối quan hệ mới cho
tương lai, cả hai nước chúng ta phải giải quyết những vấn đề do quá khứ để lại. Sáng mai, khi đi thăm hiện trường khai quật chung tại huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc, Ngài Tổng thống sẽ tận mắt chứng kiến sự hợp tác chân thành của Việt Nam với Hoa Kỳ nhằm giải quyết một vấn đề nhân đạo: vấn đề tìm kiếm tin tức của các quân nhân Mỹ bị mất tích trong chiến tranh. Nhân dịp này, tôi muốn nhắc lại lập trường nhất quán và rõ ràng của Việt Nam: chúng tôi coi đây là vấn đề nhân đạo. Chúng tôi đã, đang và sẽ hợp tác chặt chẽ với phía Hoa Kỳ để giải quyết vấn đề này một cách tốt nhất có thể được.

Cuộc chiến đã để lại những hậu quả hết sức nặng nề cho Việt Nam. Nhân dân Việt Nam đều nghĩ rằng, Chính phủ Mỹ cần có một sự nhìn nhận về trách nhiệm đối với những mất mát to lớn mà nhân dân Việt Nam đã phải chịu đựng. Trước mắt chúng tôi cho rằng phía Hoa Kỳ cần quan tâm đúng mức và có sự đáp ứng thích đáng đối với các vấn đề nhân đạo của Việt Nam, cụ thể là hợp tác trong việc tìm kiếm tin tức của những người Việt Nam mất tích; rà phá và vô hiệu hóa số bom, mìn chưa nổ; tẩy độc các căn cứ quân sự cũ bị nhiễm độc và nhất trí là trợ giúp cần thiết cho các nạn nhân của chất độc da cam và những vấn đề nhân đạo khác hậu quả chiến tranh để lại.

Trong khi cố gắng từng bước xây dựng quan hệ hợp tác mới, chúng ta đều nhận thức rằng hai nước chúng ta ở cách xa nhau về địa lý, khác nhau về chế độ xã hội, lịch sử, văn hóa, về trình độ phát triển kinh tế. Từ đó, điều dễ hiểu là hai nước có những quan điểm khác nhau về một số vấn đề trong chủ trương, chính sách cụ thể ở mỗi nước. Chúng tôi cho rằng điều quan trọng nhất là chúng ta cần tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không để những khác biệt đó biến thành những trở ngại cho sự hợp tác bình đẳng, cùng có lợi giữa hai nước. Là một nước đang phát triển ở trình độ thấp, lại phải chịu đựng tổn thất nặng nề do chiến tranh gây ra, Việt Nam cần sự hỗ trợ thích đáng của Hoa Kỳ. Chúng tôi tin tưởng rằng tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy sự hợp tác nhiều mặt, nhất là về kinh tế-thương mại, về khoa học-công nghệ, về y tế, về giáo dục và đào tạo, sẽ làm cho quan hệ Việt Nam-hoa Kỳ ngày càng tốt hơn, giúp cho Việt Nam có điều kiện phát triển đất nước, nhanh chóng nâng cao phúc lợi và đời sống nhân dân. Đó chính là phương cách tích cực để giải quyết những vấn đề do quá khứ để lại.

Việt Nam và Hoa Kỳ có nhiều tiềm lực cần được khai thác để hợp tác phát triển. Việt Nam là một thị trường có gần 80 triệu dân, đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, có nhu cầu lớn về trang bị công nghệ, khoa học-kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý. Việt Nam có nguồn tài nguyên phong phú, có nguồn nhân lực dồi dào, cần cù, ham học, có năng khiếu phát triển trí tuệ... Hoa Kỳ là một cường quốc hàng đầu về kinh tế, với đội ngũ đông đảo các nhà doanh nghiệp năng động, có thị trường rộng lớn, có nền khoa học-công nghệ tiên tiến có thể đáp ứng nhiều mặt nhu cầu phát triển của Việt Nam. Điều cần thiết là Chính phủ hai nước cần có những hành động tích cực, tạo môi trường thuận lợi cho việc biến các tiềm năng to lớn đó thành hiện thực.

Ngài Tổng thống, phu nhân và các vị khách quý Hoa Kỳ tới thăm Việt Nam đúng vào những ngày nhân dân chúng tôi cũng như nhân dân Hoa Kỳ và toàn thể nhân loại đang bước vào thế kỷ mới. Mong rằng thế kỷ 21 sẽ là một thế kỷ hòa bình, công lý, thịnh vượng và hạnh phúc cho tất cả các dân tộc và cho mỗi con người trên hành tinh chúng ta. Tôi tin tưởng rằng với nỗ lực của cả hai bên, quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai quốc gia chúng ta sẽ ngày càng phát triển, phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hai nước"./.