Chương Trình Xây Dựng Luật và Dự án Luật Kinh Doanh Bảo Hiểm
(Ttxvn 24/11/2000)
Sáng 23/11/2000, các đại biểu Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe các thành viên Chính phủ đọc Tờ trình về dự án Luật kinh doanh bảo hiểm; về đổi mới chương trình các cấp học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở; ủy ban Thường vụ Quốc hội đọc Tờ trình về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2001.
Căn cứ vào đặc điểm tình hình và yêu cầu đặt ra đối với công tác xây dựng pháp luật năm 2001, ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến tại kỳ họp thứ 9 cho ý kiến về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều cuả Hiến pháp năm 1992 và quyết định thành lập ủy ban sửa đổi Hiến pháp; thông qua 5 dự án luật; 9 dự án pháp lệnh, nghị quyết và các dự án pháp lệnh cuả năm 2000 chuyển sang.
Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật kinh doanh bảo hiểm. Về phạm vi điều chỉnh cuả Luật, hầu hết các đại biểu Quốc hội tán thành với quy định cuả dự thảo Luật là chỉ điều chỉnh hoạt động bảo hiểm mang tính chất kinh doanh. Cũng có ý kiến đề nghị đưa tất cả các loại hình bảo hiểm vào phạm vi điều chỉnh cuả Luật này để hạn chế tính độc quyền và sự phục vụ chưa tốt cuả bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội... Vấn đề này nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc do Nhà nước thực hiện chính sách an sinh xã hội có mục đích và phương thức hoạt động khác với bảo hiểm kinh doanh. Do đó Luật kinh doanh bảo hiểm không thể quy định chung các loại bảo hiểm có nguyên tắc và nội dung hoạt động khác nhau trong cùng đạo luật.
Về hội nhập và hợp tác quốc tế trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 5), có một số ý kiến cuả đại biểu Quốc hội cho rằng hội nhập quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm là cần thiết, nhưng đây là lĩnh vực dịch vụ tài chính rất nhạy cảm, cho nên quá trình hội nhập quốc tế cần có bước đi phù hợp, bảo đảm chủ quyền, lợi ích quốc gia. Do đó, Luật kinh doanh bảo hiểm chỉ quy định những vấn đề có tính nguyên tắc, còn những vấn đề cụ thể giao cho Chính phủ quy định.
Có ý kiến cuả đại biểu Quốc hội đặt vấn đề tại sao không cho phép doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh trực tiếp kinh doanh bảo hiểm. Sau khi thảo luận, vấn đề này đã được thống nhất như sau: Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động kinh doanh nhằm mục đích sinh lợi, nên doanh nghiệp bảo hiểm thu phí bảo hiểm cuả rất nhiều người để lập dự phòng trả tiền bảo hiểm và bồi thường được tích lũy lớn. Mặt khác nhiều hoạt động bảo hiểm có thời hạn dài, có khi lên tới vài chục năm. Vì vậy, hình thức pháp lý cuả doanh nghiệp phải đảm bảo sự tồn tại cuả doanh nghiệp được ổn định lâu dài và doanh nghiệp phải có khả năng huy động nguồn vốn lớn, bảo đảm lâu dài để thực hiện cam kết đối với người được bảo hiểm. Tuy nhiên đối với doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và đại lý bảo hiểm thì Luật không hạn chế hình thức pháp lý, vì những doanh nghiệp này là trung gian, không phải thực hiện cam kết tài chính đối với bên mua bảo hiểm.
Về vai trò cuả doanh nghiệp nhà nước trong kinh doanh bảo hiểm, dự thảo Luật quy định Nhà nước cần đầu tư vốn và các nguồn lực khác để doanh nghiệp nhà nước kinh doanh bảo hiểm giữ vai trò chủ đạo trên thị trường bảo hiểm. Vì đây là một trong những lĩnh vực liên quan trực tiếp tới sự ổn định sản xuất kinh doanh và đời sống cuả nhân dân. Có ý kiến cuả đại biểu Quốc hội đề nghị không cần đưa vấn đề này vào Luật, vì trong hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp phải hoạt động chung trong một môi trường pháp lý và bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp bảo hiểm khác.
Ngày 24/11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục làm việc ở Tổ ./.