10.300 vụ phạm tội ma túy trong năm 2000




Hà Nội(Ttxvn 17/1/2001)
Theo Văn phòng thường trực phòng chống ma túy, ủy ban Quốc gia phòng chống Aids và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, năm 2000, các lực lượng chức năng đã khám phá 10.300 vụ, bắt 19.500 đối tượng phạm tội ma túy.

Tang vật thu giữ được bao gồm 60 kg hêrôin, 567 kg thuốc phiện, 2.200 kg cần sa, 119.465 ống tân dược gây nghiện, hàng trăn liều gói ma túy cùng nhiều tang vật phạm tội khác.

Theo đánh giá của Văn phòng, thời gian qua, mặc dù Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong công tác phòng chống và kiểm soát ma túy, tuy nhiên tình hình tội phạm ma túy trên phạm vi cả nước vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Ma túy tổng hợp dạng methamphetamin, ecstasy đã xuất hiện ở một số tỉnh, thành phố và có nguy cơ lây lan gây lo lắng trong nhân dân. Đã xuất hiện thêm các hình thức, phương thức, thủ đọan cất giấu, vận chuyển ma túy mới...

Năm 2000, cả nước có trên 101.000 người người nghiệm ma túy, giảm trên 3.000 người so với năm 1999. Trong số đó có 1.200 người là học sinh, sinh viên, giảm 46%. Cả nước hiện có 53 trung cai nghiện ma túy cấp tỉnh có khả năng cai nghiện từ 100 đến 200 người trở lên và hơn 700 cơ sở cai nghiện ma túy tại quận huyện, xã, phường. Các trung tâm cai nghiện trên đã được nâng cấp, đa dạng hóa và xã hội hóa các mô hình cai nghiện. Cán bộ làm công tác này cũng đã được đào tạo nghiệp vụ.

Việc vận động nhân dân không trồng cây thuốc phiện, thay thế bằng vật nuôi, cây trồng, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống các đồng bào dân tộc vùng cao đã được thực hiện. Nhiều địa phương đã làm tốt công tác này. Đến nay đã có 37,7% số hộ có mức sống khá hơn trước, hơn 40% số hộ ổn định và từng bước phát triển. Tuy nhiên việc phát triển kinh tế xã hội các xã vùng cao, vùng xa vẫn chưa vũng chắc, đời sống đồng bào dân tộc vẫn còn nhiều khó khăn.

Năm 2000, công tác hợp tác quốc tế về phòng chống ma túy vẫn tiếp tục được đẩy mạnh thông qua các hoạt động trong khuôn khổ các Hiệp định và thỏa thuận song phương và đa phương. ủy ban cũng đã chú trọng hợp tác với Chương trình kiếm soát ma túy của Liên Hợp Quốc(Ndndcp) và các nước có chung đường biên giới và khu vực để trao đổi thông tin, kinh nghiệm phối hợp các hoạt động nhằm ngăn chặn ma túy và tân dược gây nghiện từ nước ngoài vào Việt Nam./.