Đối thoại ASEAN-Hoa Kỳ lần thứ 26

 

Ngày 2-3/5/2013, tại Oa-sinh-tơn, Hoa Kỳ, đã diễn ra Cuộc họp Đối thoại ASEAN-Hoa Kỳ lần thứ 26. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Cuộc họp. 
 
Đây là cuộc họp thường niên cấp Thứ trưởng Ngoại giao trong khuôn khổ quan hệ đối thoại ASEAN-Hoa Kỳ nhằm kiểm điểm và thảo luận định hướng và các biện pháp tăng cường quan hệ và hợp tác giữa hai bên. 
 
Tại cuộc họp, các nước ASEAN và Hoa Kỳ đánh giá cao những tiến triển tích cực và quan trọng đạt được trong quan hệ và hợp tác giữa hai bên. Nhiều hoạt động hợp tác đang được triển khai hiệu quả về chính trị-an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ… thông qua Kế hoạch Hành động ASEAN-Hoa Kỳ giai đoạn 2011-2015, Chương trình Công tác về Thỏa thuận Khung về Đầu tư và Thương mại (TIFA) ASEAN-Hoa Kỳ năm 2012, cũng như các chương trình hợp tác khác. Hiện Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ tư của ASEAN với kim ngạch thương mại đạt khoảng trên 198 tỷ USD, và nhà đầu tư lớn thứ ba của ASEAN.
 
Các nước ASEAN và Hoa Kỳ nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của quan hệ đối tác và hợp tác ASEAN-Hoa Kỳ đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực. Trên cơ sở kết quả đạt được, ASEAN và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục mở rộng và tăng cường hiệu quả hợp tác nhằm đưa quan hệ đối tác hai bên lên tầm đối tác chiến lược. Cụ thể, cùng với việc tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch Hành động ASEAN-Hoa Kỳ giai đoạn 2011-2015, hai bên sẽ tập trung nguồn lực đẩy mạnh hợp tác toàn diện, ưu tiên hỗ trợ ASEAN xây dựng thành công Cộng đồng vào năm 2015, gia tăng kết nối, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục, giao lưu nhân dân và giải quyết các thách thức chung như an ninh năng lượng, quản lý nguồn nước bền vững, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai, bệnh dịch, chống tội phạm xuyên quốc gia (buôn người, tội phạm mạng, chống cướp biển). Hai bên cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến hợp tác giữa Hoa Kỳ và các nước Hạ nguồn Mê Công (LMI). 
 
Hoa Kỳ khẳng định Chính quyền của Tổng thống Ô-ba-ma tiếp tục chính sách gắn kết với Châu Á-Thái Bình Dương nói chung và ASEAN nói riêng, coi ASEAN là một trụ cột chính trong chính sách của Hoa Kỳ ở khu vực và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực. Hoa Kỳ cũng khẳng định tiếp tục hỗ trợ xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, tăng cường hội nhập và thu hẹp khoảng cách phát triển, triển khai Kế hoạch Tổng thể ASEAN về Kết nối và cam kết tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến Hạ nguồn Mê Công (LMI) thông qua các chương trình hợp tác phát triển mới như Chương trình Kết nối ASEAN thông qua Thương mại và Đầu tư (ACTI) với số vốn tài trợ khoảng 16 triệu USD trong 5 năm và Chương trình Đối tác ASEAN-Hoa Kỳ về Quản trị tốt, An ninh và Phát triển Công bằng - Bền vững (PROGRESS) trị giá khoảng 13 triệu USD trong 5 năm. 
 
Trong trao đổi tại Đối thoại, hai bên chia sẻ về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, đặc biệt đề nghị ASEAN và Trung Quốc cần sớm đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC), góp phần tăng cường lòng tin, bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
 
Phát biểu tại Cuộc họp, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh đánh giá cao việc Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với ASEAN, hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng và chính sách gắn kết với khu vực; chia sẻ những trọng tâm và định hướng ưu tiên của ASEAN trong năm 2013 và những năm tới nhằm hướng tới Cộng đồng vào năm 2015; đồng thời nhấn mạnh Hoa Kỳ và ASEAN cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ thúc đẩy quan hệ đối tác và hợp tác phát triển thực chất và hiệu quả trên các lĩnh vực ưu tiên như kinh tế, thương mại và đầu tư, kết nối, khoa học và công nghệ, giáo dục… Thứ trưởng Phạm Quang Vinh cũng chia sẻ về những nỗ lực của ASEAN nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực, và phối hợp trong giải quyết các thách thức an ninh như chống phổ biến vũ khí hạt nhân, tội phạm xuyên quốc gia, cướp biển, tội phạm mạng, quản lý thiên tai, bệnh dịch, cũng như bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải ở Biển Đông, ủng hộ giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982, thực hiện Tuyên bố về Ứng xử ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy việc sớm xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).