Ai đặt quốc hiệu Việt Nam đầu tiên?


Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải cho biết, ông và một số đồng nghiệp đã phát hiện tổng số 12 bia niên đại thế kỷ 16, 17 có hai tiếng Việt Nam. Ngoài ra, còn một bản in khắc gỗ từ năm 1752 cũng có danh xưng Việt Nam. Như vậy, hai tiếng Việt Nam đã có từ lâu, và theo ông Giác Hải, Nguyễn Bỉnh Khiêm có thể là người đầu tiên sử dụng tên gọi này như quốc hiệu.

* Vì sao ông lại quan tâm đến vấn đề này?

- Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải: Cách đây nhiều năm, tôi tình cờ đọc được một thắc mắc đăng trên báo quốc hiệu Việt Nam có từ bao giờ. Câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản nhưng tôi dám chắc phần lớn học sinh trung học, thậm chí đại học không trả lời được, vì đại đa số các sách giáo khoa của chúng ta không đề cập đến vấn đề này, còn tại sao thì xin dành cho các nhà biên soạn sách và các sử gia.

Ngay cuốn Lịch sử Việt Nam do Ủy ban Khoa học xã hội xuất bản năm 1976 cũng không hề nói tới điều này. Còn cuốn Bách khoa toàn thư Anh (1992) thì cho nhận định, hai tiếng Việt Nam bắt đầu từ thời Nguyễn do việc nhà Thanh bên Trung Hoa năm 1804 đã đảo ngược hai chữ Nam Việt mà Gia Long đề nghị sắc phong năm 1802. Điều này quả cũng có thực. Trong cuốn chính sử nhà Nguyễn Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất ký có ghi lại sự kiện này.

* Chính sử thời ấy đã khá rõ ràng, vì sao ông, một nhà nghiên cứu về sinh học và ngoại cảm lại không bằng lòng với cách giải thích này?

- Năm 1974, khi công tác ở Viện Khoa học Việt Nam, tôi bắt đầu nghiên cứu về ngoại cảm, về khoa học dự báo và tôi có được đọc tập sách dự báo Sấm Trạng Trình, được coi là của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585). Khi nghiên cứu tập sấm này, đến bản AB 444 trong kho sách của Viện Hán Nôm, tôi bất đồ tìm thấy hai chữ Việt Nam ngay trong những dòng đầu tiên: Việt Narn khởi tổ xây nền. Theo quan niệm chính thống, hai chữ Việt Nam không được phép có mặt trước năm 1804, trong khi cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm lại sống cách ta 500 năm. Vấn đề đặt ra là có thật hai chữ Việt Nam đã được dùng cách đây hơn 500 năm để chỉ tên gọi đất nước? Trước Nguyễn Bỉnh Khiêm còn những ai đã dùng danh xưng Việt Nam? Liệu có những bằng chứng khảo cổ về vấn đề này? Song lúc đó không có điều kiện tiếp xúc với bản gốc nên phải tạm gác lại. Đến 1980, khi được tiếp xúc với bản gốc, tôi đã dành hơn 20 năm nay để nghiên cứu. Theo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú (thế kỷ 19), thì từ thời nhà Trần, tiến sĩ Hồ Tông Thốc đã viết bộ sách Việt Nam thế chí. Cuốn Dư địa chí của Nguyễn Trãi, trong thế kỷ 15 cũng đã nhiều lần nhắc đến hai tiếng Việt Nam. Song đáng tiếc, Việt Nam thế chí không còn nữa, chỉ còn được dẫn bài tựa trong Lịch triều hiến chương loại chí; còn Dư địa chí chỉ được khắc ván in ở thế kỷ 19 khi đã có quốc hiệu Việt Nam rồi, những bản trước không có niên hiệu rõ ràng.

* Ông có thể nói rõ hơn về quá trình tìm kiếm nguồn gốc tên gọi đất nước?

- Sau khi đọc được bản gốc Sấm Trạng Trình, tôi đã khẳng định được hai tiếng Việt Nam đã được sử dụng từ thế kỷ 15. Song bản sấm này được truyền lại qua những bản chép tay, cũng không ai dám chắc tác giả là cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tôi liền chuyển qua tra cứu thơ văn của cụ để so sánh. Thật bất ngờ, hai tiếng Việt Nam được cụ nhắc tới bốn lần: Trong tập thơ Sơn hà hái động thường vịnh (Vịnh về núi non sông biển) đã đề cập tới. Rõ hơn, trong các bài thơ gửi trạng Giáp Hải, cụ có viết: "Tuệ tinh cộng ngưỡng quang mang tại, Tiền hậu quang huy chiếu Việt Nam"; còn trong bài gửi trạng Nguyễn Thuyến, "Tiền đồ vĩ đại quân tu ký / Thùy thị công danh trọng Việt Nam".

Dẫu sao, đó cũng mới chỉ là những văn bản chép tay. Để khẳng định thêm, tôi đã đi tìm trong bi ký (bài ký trên bia đá). Nhờ một số nhà khoa học Viện Hán Nôm, tôi đã tìm ra trong bia trùng tu chùa Phúc Thánh (Quế Võ, Bắc Ninh) năm 1664, phần bài Minh có câu Việt Nam cảnh giới, Kinh Bắc thừa tuyên. Sau đó là bia trùng tu chùa Bảo Lâm (Chí Linh, Hải Dương) năm 1558, Việt Nam đại danh lam bất tri kỳ cơ, bia chùa Cam Lộ (Hà Tây), năm 1590, Chân Việt Nam chi đệ nhất. Tuy nhiên, phát hiện quan trọng nhất là tấm bia Thủy Môn Đình ở biên giới Lạng Sơn do trấn thủ Lạng Sơn Nguyễn Đình Lộc soạn năm Cảnh Trị thứ tám (1670), có câu : Việt Nam hầu thiệt trấn bắc ải quan (Cửa ải phía Bắc Việt Nam). Đây là tấm bia có niên đại muộn hơn song nó có danh tính người soạn, hơn nữa đây là một mệnh quan triều đình, là phát ngôn chính thức.

Cho đến nay, sau tôi một số nhà nghiên cứu khác đã phát hiện tổng số 12 bia có hai tiếng Việt Nam. Tất cả đều có niên đại thế kỷ 16, 17. Ngoài ra, còn một bản in khắc gỗ có danh xưng Việt Nam năm 1752. Như vậy, hai tiếng Việt Nam đã có từ lâu, và cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm là người đầu tiên sử dụng, sử dụng nhiều nhất và có ý thức nhất.

* Theo những nghiên cứu của ông, có thể lý giải vì sao Nguyễn Bỉnh Khiêm là nguời đầu tiên sử dụng hai tiếng Việt Nam?

- Dân tộc ta bắt nguồn từ một bộ tộc Việt trong Bách Việt - chỉ tất cả các dân tộc phía nam Trung Hoa. Trong toàn bộ lịch sử, ta luôn dùng tử việt, để chỉ dân tộc và đất nước ta. Song cha ông ta cũng dùng từ "Nam" với ý nghĩa tương tự. Bài thơ Thần-tuyên ngôn độc lập đầu tiên, Lý Thường Kiệt viết: Nam quốc sơn hà nam đế cư. Từ Nam được dùng với nghĩa phương Nam để đối lại với phương Bắc (Trung Quốc). Trong thế kỷ 18, danh y Tuệ Tĩnh khi viết bộ sách khảo cứu về cây thuốc nước ta, lấy tên là Nam dược thần hiệu. Ngày nay ta vẫn nói thuốc nam-thuốc bắc.

Vì sao có thể coi Nguyễn Bỉnh Khiêm là người đầu tiên sử dụng Việt Nam như là quốc hiệu? Thế kỷ 15, nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê ở nước ta, nhà Minh bên Trung Quốc lấy cớ đem quân can thiệp. Nhà Mạc đầu hàng, Đại Việt lúc đó bị biến thành một quận của Trung Quốc, không còn quốc hiệu. Mạc Đăng Dung được nhà Minh phong làm An Nam đô sứ ty. Trên thực tế Mạc Đăng Dung vẫn là vua một nước, để vừa đối phó với triều đình phương Bắc, vừa an dân, tên nước được gọi là Việt Nam. Lúc ấy, Nguyễn Bỉnh Khiêm là học giả đứng đầu cả nước, nên nhiều khả năng ông đặt ra cách gọi này.

Do Trạng Trình được coi là một nhà tiên tri lỗi lạc, cũng có người muốn thần bí hóa bằng cách giải thích: Do nhìn thấy trước việc nhà Thanh phong vương cho Gia Long và gọi nước ta là Việt Nam nên ông đã gọi trước tên nước là Việt Nam để tránh sự lúng túng cho hậu thế: Tên gọi là do ngoại quốc áp đặt. Trên thực tế, vài chục năm sau, nhà Nguyễn để tránh bị phụ thuộc đã đổi tên nước là Đại Nam.

Dù giải thích thế nào, thì quốc hiệu Việt Nam cũng được Trạng Trình sử dụng đầu tiên, nhiều nhất và có ý thức nhất. Từ nguồn gốc này, lịch sử quốc hiệu đất nước không còn phụ thuộc vào hai triều đại phong kiến nữa.

* Nhân đây, ông có thể giải thích thế nào là quốc danh, quốc hiệu?

- Các tên gọi Văn Lang, Vạn Xuân, Đại Việt... đều được các sử gia sử dụng làm quốc hiệu. Còn các học giả xưa vẫn viết "Ngã Việt quốc, ngã Nam nhân" (Nước Việt ta, người Việt ta). Hai tiếng Việt Nam, qua các thư tịch cổ thì mới chỉ là quốc danh, song rất hạn chế. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, tên gọi Việt Nam chính thức thành tên gọi đất nước (quốc danh). Hiến pháp 1946 viết "Nước Việt Nam là một nước theo chế độ dân chủ cộng hòa". Như vậy, Việt Nam dân chủ cộng hòa mới trở thành quốc hiệu, đến nay 1976 quốc hiệu này được đổi thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nguyễn Phúc Giác Hải, nhà sinh học trở thành chủ nhiệm môn Khoa học Dự báo

Xuất thân là dân sinh vật học, sau khi ra trường, Nguyễn Phúc Giác Hải về dạy ở Trường Bổ túc văn hóa Trung ương, Trường Trung cấp sư phạm Trung ương, năm 1964, ông về Viện Khoa học Việt Nam nghiên cứu di truyền học.

Sau thời gian nghỉ việc tới năm 1990 ông trở lại Viện Khoa học Việt Nam (nay là Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia), làm đúng công việc từng khiến ông phải ra đi: Nghiên cứu ngoại cảm. Hiện giờ, Nguyễn Phúc Giác Hải đang là chủ nhiệm bộ môn Khoa học Dự báo (Dự báo học) thuộc Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người. "Tôi phải cảm ơn số phận, nhờ có 14 năm long đong, tôi có điều kiện tự do nghiên cứu những gì mình thích. Nếu như cuộc đời cứ bình lặng, có lẽ tôi đã đi sâu nghiên cứu về di truyền, làm vài công trình, rồi bảo vệ luận án... Nếu không đi sâu tìm hiểu về ngoại cảm, có lẽ tôi đã không đọc sấm trạng Trình và cũng chẳng tìm ra nguồn gốc hai tiếng Việt Nam và cũng chẳng dính dáng gì đến Khoa học Dự báo" - ông tâm sự.

Còn một năm nữa, ông sẽ bước sang tuổi "cổ lai hy". Ông đang chạy đua với thời gian để hoàn chỉnh bốn nghiên cứu mới của mình: Mã số vũ trụ; Những vấn đề bí ẩn về hoạt động của bộ não; kinh dịch dưới ánh sáng của khoa học; Dự báo học và những nhà tiên tri xuyên thế kỷ. Còn trước mắt, ông sẽ cho ra đời cuốn sách "Đi tìm cội nguồn tên gọi đất nước: Hai tiếng Việt Nam có từ bao giờ?

THÀNH LÂN thực hiện
(Báo Đại đoàn kết)