Khai mạc Hội nghị TW 7 (phần 2) Khóa IX

Hà Nội (TTXVN 13/1/2003)

Hội nghị lần thứ 7 (phần 2), Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IX đã khai mạc sáng 13/1 tại Hà Nội.

Hội nghị tập trung thảo luận và ra các Nghị quyết về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; công tác dân tộc trong tình hình mới; công tác tôn giáo trong tình hình mới; tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hội nghị cũng sẽ thảo luận và quyết định và một số vấn đề quan trọng khác.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhấn mạnh rằng những vấn đề mà Hội nghị lần này bàn "Không chỉ là những vấn đề có ý nghĩa chiến lược hệ trọng, được nhân dân đặc biệt quan tâm, không thể trì hoãn, mà còn là những vấn đề nhạy cảm, đòi hỏi sự giải quyết rất tinh tế và chuẩn xác".

Tổng Bí thư nói: "Các vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác dân tộc và tôn giáo đều là những vấn đề chính trị lớn, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta. Bàn và quyết định các vấn đề đó là cụ thể hóa tư tưởng chiến lược của Đảng về phát huy sức mạnh toàn dân tộc đã ghi trong Nghị quyết Đại hội IX, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giữ vững độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, bảo vệ và phát triển những thành quả của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đó cũng là trực tiếp bàn việc tiếp tục đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác dân vận của Đảng.

Từ sau Đại hội VI của Đảng đến nay, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết và chỉ thị về các vấn đề nêu trên: Nghị quyết 8B ngày 27-3-1990 của Ban Chấp hành Trung ương khóa VI "Về đổi mới công tác quần chúng", Nghị quyết 07 của Ban Chấp hành Trung ương khóa VII "Về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường mặt trận dân tộc thống nhất", các nghị quyết và chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư về các vấn đề dân tộc, tôn giáo, về công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ cùng nhiều đối tượng quần chúng khác. Điều cần thiết đối với Trung ương lần này là trong bối cảnh mới, sau hơn 16 năm đổi mới nhìn lại việc thực hiện các nghị quyết ấy, đánh giá đầy đủ và đúng đắn về tình hình thực hiện chủ trương đại đoàn kết toàn dân, trong đó, đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo là bộ phận rất quan trọng, chỉ rõ những việc làm tốt, làm được và chưa làm tốt, chưa làm được, phân tích những nguyên nhân thành công và chưa thành công, rút ra những bài học cần thiết, trên cơ sở đó, đề ra những chủ trương và giải pháp có hiệu lực cho việc tiếp tục chỉ đạo mở rộng và các tôn giáo, động viên mạnh mẽ mọi tầng lớp nhân dân, mọi giai cấp, mọi dân tộc và tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tạo ra động lực mới đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, giữ vững quốc phòng và an ninh. Đây là nhân tố bảo đảm giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.

Trong vấn đề đại đoàn kết toàn dân, các vấn đề dân tộc và tôn giáo lại có tính đặc thù quan trọng. Nước ta có 54 dân tộc anh em, trong đó có nhiều dân tộc thiểu số sống xen kẽ nhau nhau trên nhiều vùng rộng lớn và là địa bàn trọng yếu. Nước ta cũng có nhiều tôn giáo, trong đó có 6 tôn giáo lớn, với khoảng hơn 1/4 số dân theo đạo. Giải quyết tốt và có chính sách đúng về các vấn đề dân tộc và tôn giáo sẽ là một đóng góp to lớn vào việc mở rộng và tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết dân tộc trong thời kỳ mới.

Cùng với các vấn đề nêu trên, chính sách đất đai là chính sách lớn, hệ trọng, mang tính tổng hợp cả về kinh tế và chính trị- xã hội, được Đảng, Nhà nước và nhân dân rất quan tâm. Giải quyết đúng đắn chính sách đất đai sẽ tạo thêm động lực, góp phần quan trọng để đạt được những thành tựu to lớn của sự nghiệp cách mạng nước ta.

Yêu cầu đối với Trung ương lần nầy là đánh giá toàn diện và đúng đắn tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai trong thời gian vừa qua, cả về nội dung các chính sách, pháp luật, việc thực hiện chính sách, pháp luật và tình hình thực tế quan hệ đất đai diễn ra trong xã hội. Cần tập trung phân tích, đánh giá tình hình từ năm 1993 đến nay, vừa khẳng định những quy định đúng đắn trong chính sách pháp luật hiện hành, vừa nêu được những vấn đề cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình hiện nay, làm cơ sở cho việc Quốc hội tiến hành xây dựng, sửa đổi bổ sung Luật đất đai mới".