Thủ tướng Phan Văn Khải trả lời phỏng vấn về ASEAN

Hà Nội (TTXVN 4/11/2002)

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, "Nhật báo Campuchia" trong số đặc biệt mới đây chào mừng Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 8 đã đăng trả lời phỏng vấn của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phan Văn Khải với chủ bút và trợ lý tổng biên tập của báo này tại Hà Nội.

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

"Hỏi: Những mục tiêu của Việt Nam tại Hội nghị cấp cao ASEAN 8, đặc biệt là những vấn đề mà Thủ tướng mong muốn giải quyết tại hội nghị?

Trả lời: Trong tình hình chính trị và kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, Hội nghị cấp cao ASEAN 8 có ý nghĩa rất quan trọng là nâng cao hơn nữa khả năng của ASEAN như một lực lượng năng động của hòa bình, ổn định và phát triển phồn vinh. Tham gia hội nghị, Việt Nam mong muốn đóng góp vào việc củng cố hòa bình, ổn định khu vực, củng cố đoàn kết, mở rộng liên kết và hội nhập trong và ngoài ASEAN, tăng cường vai trò và vị thế của Hiệp hội nhằm tranh thủ những cơ hội và đối phó với những thách thức của một thế giới đang toàn cầu hóa nhanh chóng, đưa ASEAN tiến bước vững chắc tới những mục tiêu trong "Tầm nhìn 2020". Tại hội nghị này, tôi cho rằng có một số vấn đề quan trọng như sau: Thứ nhất, ASEAN cần đẩy mạnh liên kết khu vực, nhất là về kinh tế, thu hẹp khoảng cách phát triển, trợ giúp thành viên mới thông qua việc thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận, các hiệp định như AFTA, AIA, Chương trình hành động Hà Nội và các dự án trong Kế hoạch công tác về thu hẹp khoảng cách phát triển, các dự án về xây dựng tuyến đường sắt Singapore - Côn Minh (Trung Quốc), hệ thống đường bộ ASEAN, mạng lưới điện, đường ống dẫn khí đốt khu vực, các tam giác, tứ giác phát triển trong đó có tiểu vùng Mê Công, hành lang Đông - Tây, tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Thứ hai, mở rộng và làm sâu sắc thêm hợp tác với bên ngoài, giữ gìn tính thống nhất và chủ động của ASEAN trong các cơ chế, khuôn khổ hợp tác khu vực, nhất là trong Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), ASEAN+3 và ASEAN+1, đặt cơ sở tiến tới hình thành những khuôn khổ hợp tác khu vực rộng lớn hơn ở Đông Á. Thứ ba, ASEAN cần tiếp tục nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định khu vực, trong đó có việc phấn đấu cùng Trung Quốc nhanh chóng đạt được thỏa thuận về Tuyên bố về cách ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông như một bước tiến quan trọng để tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, đẩy mạnh hợp tác trong và ngoài khu vực nhằm đấu tranh chống các loại tội phạm xuyên quốc gia, trong đó có hành động khủng bố, buôn bán ma túy, buôn bán phụ nữ, trẻ em, cướp biển...

Hỏi: Suy nghĩ của Thủ tướng về tương lai của ASEAN?

Trả lời: Tôi lạc quan về tương lai tươi đẹp của ASEAN như được đề ra trong "Tầm nhìn 2020" vì Hiệp hội đã hình thành và phát triển 35 năm qua, từng trải qua những giai đoạn thăng trầm và mỗi khi vượt qua được thách thức, ASEAN lại tiếp tục lớn mạnh và năng động hơn. Giờ đây, ASEAN đã bao gồm cả 10 nước Đông Nam Á, gắn với nhau bởi nguyện vọng thiết tha và quyết tâm mạnh mẽ duy trì hòa bình và tăng cường liên kết để phát triển đất nước và khu vực. ASEAN đang tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn các quan hệ với 11 bên đối thoại, thúc đẩy các quan hệ liên lục địa do ASEAN khởi xướng với châu Âu và Mỹ - La-tinh và đang mở rộng quan hệ với nhiều đối tác khác, đã chứng tỏ rõ ràng vị thế và sức sống của hiệp hội. Tôi tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của hiệp hội còn bởi lẽ nhân dân khu vực vừa cần cù, năng động, vừa có ý thức tự cường cao. Chắc chắn rằng ASEAN sẽ trở thành một tập hợp của các quốc gia trong khu vực, mở rộng hợp tác với bên ngoài, sống trong hòa bình, ổn định và phồn vinh, gắn bó với nhau bằng quan hệ đối tác trong sự phát triển năng động và trong cộng đồng các xã hội đùm bọc lẫn nhau.

Hỏi: Thủ tướng hình dung thế nào về những nỗ lực hợp tác trong những lĩnh vực giao thông, du lịch, viễn thông, di dân, nông nghiệp, giáo dục, thương mại và đầu tư trong ASEAN? Những thông điệp khác mà Thủ tướng muốn truyền đạt?

Trả lời: Có thể nói hiện nay hợp tác ASEAN đã bao gồm hầu hết các lĩnh vực đời sống của các quốc gia khu vực, từ chính trị, an ninh đến kinh tế, giáo dục, văn hóa và quan hệ với thế giới bên ngoài. Đây là một trong những thành tựu to lớn của ASEAN. Nhìn tổng thể, tôi thấy các lĩnh vực hợp tác trong ASEAN tập trung vào những vấn đề sau đây: Thứ nhất, bảo đảm và giữ vững hòa bình, ổn định khu vực, xây dựng các mối quan hệ hữu nghị giữa các nước thành viên, coi đây là điều kiện tiên quyết cho phát triển. Thứ hai, đẩy mạnh liên kết khu vực, nhất là về kinh tế, thông qua hợp tác thương mại, tài chính, đầu tư, nông nghiệp, giao thông-vận tải, viễn thông nhằm tạo sức mạnh kinh tế tổng thể cho hiệp hội để tranh thủ những cơ hội nhằm đối phó với những biến động khó lường trước của quá trình toàn cầu hóa kinh tế. Thứ ba, phát triển con người, cải thiện và nâng cao đời sống của người dân trong khu vực và phát triển nguồn nhân lực thông qua các chương trình xóa đói, giảm nghèo, phòng chống bệnh tật, giáo dục, đào tạo nghề. Thứ tư, tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau trên tinh thần một xã hội gồm các cộng đồng đùm bọc, cưu mang nhau. Tôi vui mừng nhận thấy rằng hợp tác ASEAN trong các lĩnh vực theo hướng trên đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Chúng tôi đến Campuchia dự Hội nghị cấp cao ASEAN 8 với tinh thần đoàn kết, hợp tác vì hòa bình và phát triển. Xuất phát từ quan hệ truyền thống láng giềng, hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước và trong tinh thần đại gia đình ASEAN, chúng tôi sẽ đóng góp hết sức mình để cùng Chính phủ Campuchia và các nước ASEAN khác đảm bảo thành công hội nghị cấp cao lần này. Đây là lần đầu tiên Campuchia, một thành viên trẻ của ASEAN, tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN trên đất nước Ăng-co cổ kính huy hoàng. Tôi tin chắc hội nghị sẽ thành công tốt đẹp nhờ sự đóng góp rất quan trọng của Campuchia"./.