Phân công công việc của Thủ tướng và Phó thủ tướng

(TTXVN) Theo quyết định ngày 17/9 của Thủ tướng Phan Văn Khải, Thủ tướng sẽ lãnh đạo, quản lý chung mọi mặt hoạt động và công tác của chính phủ, của các thành viên chính phủ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ, chủ tịch HĐND, UBND địa phương.

a- Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực công tác sau đây:

- Kinh tế tổng hợp, bao gồm: chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành, vùng, lĩnh vực quan trọng; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và hằng năm, các dự án, các công trình đầu tư lớn, trọng điểm; tài chính, giá cả, tiền tệ, ngân hàng, chứng khoán, thống kê, kiểm toán, dự trữ quốc gia, vay và trả nợ nước ngoài.

- Công tác cải cách hành chính; xây dựng thể chế, cụ thể hoá nghị quyết của Đảng, luật, pháp lệnh; công tác tổ chức bộ máy và cán bộ; các tổ chức phi chính phủ trong nước; công tác thi đua, khen thưởng và kỷ luật; quy chế và lề lối làm việc của chính phủ;

- Công tác quốc phòng, an ninh; những vấn đề lớn, đột xuất, nhạy cảm thuộc các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, đối ngoại; những công việc, giải pháp đặc biệt quan trọng, có tính chất đột phá về chỉ đạo điều hành trong từng thời gian.

- Quan hệ phối hợp giữa Chính phủ với Quốc hội, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Uỷ ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân.

b- Theo dõi và chỉ đạo các cơ quan: Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan thuộc Chính phủ theo khối công việc có liên quan.

Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm nhiệm vụ Phó thủ tướng thường trực, chủ trì và điều phối hoạt động chung của Chính phủ khi Thủ tướng Chính phủ đi vắng hoặc được Thủ tướng uỷ quyền.

a- Trực tiếp phụ trách các lĩnh vực công tác: công nghiệp; bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin; nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, thuỷ lợi, khí tượng thuỷ văn; công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn, phát triển làng nghề, kinh tế hợp tác; tiêu thụ sản phẩm (cả thị trường trong nước và xuất nhập khẩu theo các ngành hàng cụ thể); xây dựng cơ bản, kiến trúc, phát triển đô thị; giao thông vận tải; đổi mới phát triển doanh nghiệp nhà nước; các tổng công ty 91; phát triển doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; tài nguyên và môi trường; thanh tra, xét khiếu tố, chống tham nhũng, chống tội phạm; tìm kiếm cứu nạn; phòng chống lụt bão; công tác cải cách hành chính tiền lương; các công việc trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh theo phân công của Bộ Chính trị và Thủ tướng chính phủ.

b- Theo dõi và chỉ đạo các cơ quan: Bộ Xây dựng, Bộ Công nghiệp, Bộ Bưu chính viễn thông, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Thanh tra Nhà nước, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan thuộc Chính phủ theo khối công việc có liên quan.

Phó thủ tướng Vũ Khoan:

a- Trực tiếp phụ trách các lĩnh vực công tác: ngoại giao và quan hệ đối ngoại; hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế; kinh tế đối ngoại, bao gồm: đầu tư trực tiếp nước ngoài (chính sách, cơ chế chung), vận động tài trợ phát triển chính thức (ODA) và viện trợ phi chính phủ, quan hệ với các tổ chức kinh tế quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức kinh tế khu vực, đàm phán gia nhập WTO; cơ chế chính sách chung về thương mại: thị trường nội địa và xuất nhập khẩu; chống buôn lậu và gian lận thương mại, quản lý thị trường, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; công tác du lịch; công tác biên giới; biển Đông - hải đảo, bao gồm cả kinh tế biển và hải đảo; các bấn đề về nhân quyền; công tác dân tộc, tôn giáo; một số công việc khác có liên quan đến lĩnh vực công tác.

b- Phối hợp công tác giữa Chính phủ và Ban bí thư Trung ương Đảng; theo dõi và chỉ đạo các cơ quan: Bộ Ngoại giao, Bộ Thương Mại, Uỷ ban Dân tộc và các cơ quan thuộc Chính phủ theo khối công việc có liên quan.

Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm:

a- Trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực công tác: khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hoá, nghệ thuật; thông tin báo chí, phát thanh, truyền hình; y tế, thể dục thể thao; lao động và các vấn đề xã hội; xuất khẩu lao động; xoá đói giảm nghèo; dân số, gia đình và trẻ em.

b- Theo dõi và chỉ đạo các cơ quan: Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Y tế, Uỷ ban Dân số - Gia đình và Trẻ em, Uỷ ban Thể dục thể thao và các cơ quan thuộc Chính phủ theo khối công việc có liên quan.