Bác bỏ những luận điệu vu cáo xằng bậy

Mới đây, ngày 13-1, trang bình luận trên tờ Thời báo Washington times đăng bài "Các vi phạm khủng khiếp ở Việt Nam" của M.Ben-giê, cố vấn cấp cao "Tổ chức nhân quyền Mon-ta-gnat" vu cáo Việt Nam khủng bố có hệ thống người Thượng. Để luận điệu dối trá này không rơi vào lạc lõng, ngày 14-1, cả ba đài BBC, VOA, RFI cũng đồng loạt phụ họa: "Tổ chức nhân quyền thế giới cho biết nhà chức trách Việt Nam đã bắt giam nhiều chục người sắc tộc thiểu số ở vùng biên giới Cam-pu-chia trong dịp lễ Giáng sinh, vì những người này tổ chức lễ và cầu nguyện".

Tính nghiêm trọng của sự vu cáo ghê tởm này không phải chỉ là do ông cố vấn cấp cao một tổ chức mang danh "Tổ chức nhân quyền Montargnad" mà chính là ở phạm vi những điều vô căn cứ: Việt Nam phá hủy các nhà thờ, bắt người Thượng phải từ bỏ Chúa, bắt bớ, tra tấn các tín đồ Thiên chúa giáo. Việt Nam khủng bố một cách có hệ thống người Thượng bằng việc đốt nhà ở, tịch thu đất đai. Các phiên tòa xử án bí mật, không công khai (!). Thậm chí, "Việt Nam tiến hành các hoạt động khủng bố quốc tế bằng việc vượt qua biên giới bắt các người Thượng tị nạn. Rồi, người Thượng khi đưa về Việt Nam bị tra tấn, bỏ tù hoặc giết hại. Bỉ ổi hơn, họ nói Việt Nam thực hiện chính sách triệt sản phụ nữ người Thượng (!).

Ông M.Ben-giê còn trích lời người đứng đầu nước Mỹ, "cuộc chiến tranh chống khủng bố không bao giờ được là một cớ để truy đuổi người thiểu số", để lắp vào luận điệu của mình rằng vì "người Thượng là một trong những đồng minh trung kiên nhất của người Mỹ" (!).

Nghe giọng lưỡi ấy, cộng đồng người Việt Nam nói chung, và bà con dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói riêng, rất phẫn nộ. Họ xúc phạm dân tộc Việt Nam không phải chỉ ở những điều xuyên tạc (những người thiếu thiện chí xưa nay bao giờ chẳng bóp méo, bôi đen, xuyên tạc), mà ở chỗ vu cáo trắng trợn đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và thực tiễn ở Việt Nam.

Vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam luôn luôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng. Chính sách dân tộc của Đảng xuất phát từ quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc; từ truyền thống đoàn kết trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm nay, từ thực tiễn sự nghiệp cách mạng của dân tộc trong 72 năm qua và công cuộc đổi mới hiện nay dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đại hội IX của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ, thực hiện tốt chính sách các dân tộc bình đẳng, đoàn kết tương trợ, giúp nhau cùng phát triển..., chống kỳ thị, chia rẽ dân tộc, chống tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, dân tộc cực đoan; khắc phục tư tưởng tự ty, mặc cảm dân tộc. Đảng coi tín
ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền không theo một tôn giáo nào. Thực hiện đoàn kết, bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ giữa những người theo tôn giáo và không theo tôn giáo, tạo điều kiện cho người theo tôn giáo "sống tốt đời, đẹp đạo", thực hiện nghĩa vụ công dân, mọi công dân tôn trọng luật pháp và bình đẳng trước pháp luật. Đồng thời Nhà nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam không cho phép bất cứ một ai, một tổ chức nào ở trong nước hay nước ngoài lợi dụng quyền dân chủ, tín ngưỡng gây rối, chống phá cuộc sống yên lành của dân tộc ta.

Điều quý báu, rất giá trị đối với mỗi con người Việt Nam là ở Việt Nam, những chủ trương, chính sách đó không phải chỉ
được khẳng định ở Hiến pháp, pháp luật, trên văn bản, giấy tờ mà được thể hiện sống động trong cuộc sống hằng ngày. Việt Nam là một đất nước đa tín ngưỡng, tôn giáo. Trong những năm qua, số tín đồ các tôn giáo, trong đó có Thiên chúa giáo tăng lên. Số nhà thờ, chùa chiền và những nơi thờ tự được xây dựng mới hoặc sửa chữa, tu bổ ngày càng nhiều. Các tôn giáo ở Việt Nam được Nhà nước Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện đáp ứng những nhu cầu tôn giáo cơ bản: tự do sinh hoạt tôn giáo, bảo vệ nơi thờ tự, xây dựng mới nơi thờ tự, có trường đào tạo giáo sĩ,
được đi đào tạo ở nước ngoài; có kinh sách, ấn phẩm tôn giáo;
được giao lưu quốc tế. Từ trước tới nay, Việt Nam không xử tù, giam giữ, quản chế hành chính bất kỳ một nhân vật nào vì lý do tôn giáo.

Việt Nam là một quốc gia bao gồm 54 dân tộc luôn luôn chung sống hòa thuận. Trong số 77 triệu người Việt Nam thì 10 triệu người thuộc các dân tộc thiểu số. Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, thực hiện nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi và vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là chương trình định canh, định cư, chương trình xóa đói, giảm nghèo, nhiều chương trình ưu đãi y tế, giáo dục, thương mại... Nổi bật hơn cả là chương trình đầu tư phát triển các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhờ các chính sách này, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số dần dần
được cải thiện, từng bước nâng cao, cơ sở hạ tầng được mở rộng.

Việt Nam là một nước đông dân, tốc độ tăng dân số cao đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân. Vì vậy, Nhà nước Việt Nam khuyến khích việc thực hiện sinh đẻ có kế hoạch và kế hoạch hóa gia đình. Việc thực hiện thành công chương trình kế hoạch hóa gia đình đã được cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) ghi nhận và đánh giá cao.

Điểm qua một số sự thật đó ở Việt Nam, đối chiếu với những điều bịa đặt vu cáo của ông M.Ben-giê, càng thấy tính chất nguy hiểm, đổi trắng thay đen trong luận điệu của những người thiếu thiện chí. Họ thật sự là những người hò hét thuê, tiếp tay cho các thế lực chống phá quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, cản trở những
bước tiến mà nhân dân hai nước đang chờ đợi. Chính vì thế mà những người có lương tri, có thiện chí đều lên án mạnh mẽ những luận điệu xuyên tạc, vu cáo xằng bậy đó đối với Việt Nam.

Minh Cường