Du thảo Báo cáo Đại hội đảng VIIII: VN thế kỷ 20 và triển vọng



Hà Nội (Ttxvn 3/2/2001)
Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá Viii trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ Ix của Đảng đã được công bố để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân.

Toàn văn Dự thảo như sau:
" Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 9 của Đảng họp vào thời điểm có ý nghĩa lịch sử trọng đại. Loài người kết thúc thế kỷ 20 và bước sang thế kỷ 21. Nhân dân ta vừa kỷ niệm lần thứ 71 Ngày thành lập Đảng. Toàn Đảng, toàn dân ta đã trải qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 8 của Đảng, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 1991 - 2000 và 15 năm đổi mới.

Nhìn lại quá khứ và hướng tới tương lai, Đại hội 9 có nhiệm vụ kiểm điểm và đánh giá những thành tựu và khuyết điểm thời gian qua, đề ra những quyết sách cho thời kỳ tới; phấn đấu nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; động viên và phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vững bước tiến vào thế kỷ mới.
Với tinh thần đó, Ban Chấp hành Trung ương xin trình bày trước Đại hội những vấn đề cơ bản sau đây :

I- Việt Nam trong thế kỷ 20 và triển vọng phát triển trong thế kỷ 21.

Thế kỷ 20 là thế kỷ phát triển rực rỡ của loài người. Đó là thế kỷ khoa học và công nghệ tiến nhanh chưa từng thấy, giá trị sản xuất vật chất tăng gấp nhiều lần so với thế kỷ trước; thế kỷ kinh tế phát triển mạnh mẽ xen lẫn những cuộc khủng hoảng lớn của chủ nghĩa tư bản thế giới. Đó là thế kỷ diễn ra hai cuộc chiến tranh thế giới đẫm máu cùng hàng trăm cuộc xung đột vũ trang. Đó cũng là thế kỷ chứng kiến một phong trào cách mạng sâu rộng trên phạm vi toàn thế giới với thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga, cuộc cách mạng vĩ đại mở ra thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội; thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở một loạt nước từ Châu Âu sang Châu á và Mỹ La-tinh; sự giải phóng hầu hết các nước thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, sự phát triển của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và phong trào hoà bình, dân chủ; mặt khác lại xảy ra sự thoái trào của chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới vào cuối thế kỷ.

Đối với nước ta, thế kỷ 20 là thế kỷ của những biến đổi to lớn và sâu sắc, thế kỷ đấu tranh gian nan, oanh liệt giành lại độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, thế kỷ của những chiến công và thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và thời đại. Từ cuối thế kỷ 19 cho đến những năm đầu thế kỷ 20, nhân dân ta liên tiếp nổi dậy chống chủ nghĩa thực dân. Tiếp nối các phong trào Văn Thân và Cần Vương, phong trào yêu nước ba mươi năm đầu thế kỷ 20 diễn ra liên tục, sôi động, vô cùng anh dũng, từ khởi nghĩa Yên Thế và các phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, Duy Tân đến cuộc khởi nghĩa Yên Bái... nhưng đều không thành công vì thiếu một đường lối đúng. Năm 1930, kế thừa Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và các tổ chức cộng sản tiền thân, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu bước ngoặt của cách mạng Việt Nam. Trong 71 năm xây dựng và
trưởng thành, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta giành được những thắng lợi vĩ đại :

Một là, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đây là kết quả tổng hợp của các phong trào cách mạng liên tục diễn ra trong 15 năm sau ngày thành lập Đảng, từ cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, cuộc vận động dân chủ 1936 - 1939 đến phong trào giải phóng dân tộc 1939 - 1945, mặc dù có những lúc bị dìm trong biển máu. Chế độ thuộc địa nửa phong kiến ở nước ta bị xoá bỏ, một kỷ nguyên mới mở ra, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Hai là, thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Ba là, thắng lợi của sự nghiệp đổi mới và từng bước đưa đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Kế thừa những thành tựu và kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc khi còn chiến tranh và trong những năm đầu sau khi nước nhà thống nhất, Đảng ta trải qua nhiều tìm tòi, khảo nghiệm, đã đề ra và lãnh đạo thực hiện đường lối đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc phù hợp với thực tiễn Việt Nam và bối cảnh quốc tế mới.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, cũng có lúc Đảng ta phạm phải sai lầm, khuyết điểm nhưng đã nghiêm túc tự phê bình, tích cực sửa chữa và rút ra những bài học kinh nghiệm để tiến lên.

Với những thắng lợi giành được trong thế kỷ 20, nước ta từ một
nước thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có tiếng nói và vị trí ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Đất nước ta từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Chúng ta tự hào về dân tộc ta - một dân tộc anh hùng, thông minh và sáng tạo; tự hào về Đảng ta - Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện - một lòng, một dạ chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Thế kỷ 21 sẽ có nhiều biến đổi sâu sắc hơn. Khoa học và công nghệ sẽ có bước tiến nhảy vọt chưa từng thấy. Kinh tế tri thức sẽ có vai trò ngày càng nổi bật trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất của loài người. Toàn cầu hoá kinh tế là một xu thế khách quan lôi cuốn ngày càng nhiều nước tham gia; xu thế này đang bị một số nước phát triển và các tập đoàn kinh tế tư bản xuyên quốc gia chi phối, chứa đựng nhiều mâu thuẫn, vừa có mặt tích cực vừa có mặt tiêu cực, vừa có hợp tác vừa có đấu tranh. Các mâu thuẫn cơ bản trên thế giới, biểu hiện dưới những hình thức và mức độ khác nhau vẫn tồn tại và phát triển, có mặt sâu sắc hơn. Đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp tiếp tục diễn ra một cách gay gắt. Thế giới đứng trước nhiều vấn đề toàn cầu mà không một quốc gia riêng lẻ nào có thể tự giải quyết nếu không có sự hợp tác đa phương như các vấn đề : bảo vệ môi trường, hạn chế sự bùng nổ về dân số, đẩy lùi những bệnh tật hiểm nghèo, chống tội phạm quốc tế... Chủ nghĩa tư bản hiện đại đang nắm ưu thế về vốn, khoa học - công nghệ cao, thị trường, song không thể khắc phục nổi những mâu thuẫn vốn có, đặc biệt là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hoá ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, mâu thuẫn giữa các nước tư bản phát triển và các nước đang phát triển. Các quốc gia độc lập sẽ ngày càng tăng cường cuộc đấu tranh để tự lựa chọn và quyết định con đường phát triển của mình, chống lại chính sách cường quyền và áp đặt, can thiệp và xâm lược của nước ngoài, bảo vệ độc lập, chủ quyền và nền văn hoá dân tộc. Chủ nghĩa xã hội thế giới, từ những bài học thành công và thất bại cũng như từ khát vọng và sự thức tỉnh của các dân tộc, có điều kiện và khả năng vượt qua thời kỳ thoái trào, tạo ra bước phát triển mới. Lịch sử thế giới đã, đang và sẽ còn trải qua những bước quanh co, song loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hoá của lịch sử.

Trong một vài thập kỷ tới, ít có khả năng xảy ra chiến tranh thế giới, chiến tranh tổng lực dùng vũ khí hạt nhân và các vũ khí giết người hàng loạt khác. Nhưng chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột dân tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp lật đổ, khủng bố còn xảy ra ở nhiều nơi với tính chất phức tạp ngày càng tăng. Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, phản ánh đòi hỏi bức xúc của các quốc gia, dân tộc. Cuộc đấu tranh của các dân tộc cho hoà bình và phát triển, vì độc lập dân tộc, dân chủ, dân sinh, tiến bộ và công bằng xã hội sẽ có những bước tiến mới. Khu vực Đông Nam á, Châu á - Thái Bình Dương, sau khủng hoảng tài chính - tiền tệ, có khả năng phát triển năng động mặc dù vẫn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định.

Những nét mới ấy trong tình hình quốc tế và khu vực, với những xu thế phát triển của nó, tác động mạnh mẽ đến tình hình nước ta. Trước mắt chúng ta có cả cơ hội lớn và thách thức lớn.

Cùng với những thắng lợi đã giành được từ trước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những thành tựu to lớn và rất quan trọng của 15 năm đổi mới làm cho thế và lực của nước ta lớn mạnh lên nhiều. Cơ sở vật chất - kỹ thuật của nền kinh tế được tăng cường. Đất nước còn nhiều tiềm năng lớn về tài nguyên, lao động. Nhân dân ta có nhiều phẩm chất tốt đẹp. Tình hình chính trị - xã hội cơ bản ổn định. Môi trường hoà bình, sự hợp tác, liên kết quốc tế và những xu thế tích cực trên thế giới tạo điều kiện để chúng ta tiếp tục phát huy nội lực và lợi thế so sánh, tranh thủ ngoại lực, nguồn vốn, công nghệ mới, kinh nghiệm quản lý, mở rộng thị trường phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đó là cơ hội lớn để chúng ta tạo ra bước phát triển mới.
(Còn tiếp)