Du thảo Báo cáo Đại hội đảng VIIII: Vấn đề tồn tại


(Tiếp theo 2)
Những thành tựu trong 5 năm qua đã tăng cường sức mạnh tổng hợp, làm thay đổi bộ mặt của đất nước và cuộc sống của nhân dân, củng cố vững chắc độc lập dân tộc và chế độ xã hội chủ nghĩa, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của nước ta.

Đạt được những thành tựu nói trên là do Đảng ta có bản lĩnh chính trị vững vàng và đường lối lãnh đạo đúng đắn; Nhà nước ta có cố gắng lớn trong việc điều hành, quản lý; toàn dân và toàn quân ta phát huy lòng yêu nước và tinh thần dũng cảm, đoàn kết nhất trí, cần cù, năng động, sáng tạo, tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, ra sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết Đại hội 8 còn có những yếu kém, khuyết điểm :

Nền kinh tế phát triển chưa vững chắc, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp. Nhịp độ tăng trưởng kinh tế 5 năm qua chậm dần, riêng năm 2000 đã tăng trở lại nhưng vẫn chưa đạt được mức tăng trưởng cao như 5 năm đầu của thập niên 90. Một số chỉ tiêu do Đại hội 8 đề ra như: nhịp độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (Gdp) và Gdp bình quân đầu người, nhịp độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ, kim ngạch xuất nhập khẩu... không đạt. Năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm chưa tốt, giá thành cao. Nhiều sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp thiếu thị trường tiêu thụ cả ở trong nước và nước ngoài, một phần do thiếu sức cạnh tranh. Nhiều diện tích rừng và một số tài nguyên khác bị phá huỷ. Nạn buôn lậu, gian lận thương mại chưa bị đẩy lùi. Hệ thống tài chính - ngân hàng còn nhiều mặt yếu kém và chưa lành mạnh. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và điều chỉnh cơ cấu đầu tư chậm và chưa hợp lý. Đầu tư cho phát triển còn bị phân tán, lãng phí và thất thoát nhiều, làm cho hiệu quả sử dụng đồng vốn, nhất là vốn từ ngân sách nhà nước, còn thấp. Nguồn vốn trong dân chưa được huy động đúng mức. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm nhiều, trong khi công tác quản lý, điều hành lĩnh vực này còn nhiều vướng mắc và khuyết điểm. Kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể chưa được củng cố tương xứng với vai trò nền tảng.
Một số vấn đề văn hoá - xã hội bức xúc và gay gắt chậm được giải quyết. Tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị và thiếu việc làm ở nông thôn còn ở mức cao, đang là một trong những vấn đề nổi cộm, nóng bỏng nhất của xã hội. Chất lượng và hiệu quả giáo dục - đào tạo thấp so với yêu cầu. Mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học, sách giáo khoa, thi cử, cơ cấu đào tạo, trình độ quản lý có nhiều thiếu sót; những hiện tượng tiêu cực đáng lo ngại trong giáo dục - đào tạo tiếp tục diễn ra. Đào tạo chưa gắn với sử dụng, gây lãng phí. Chi phí học tập cao so với khả năng thu nhập của dân, nhất là của đồng bào nghèo. Giáo dục - đào tạo ở miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn. Các hoạt động khoa học và công nghệ chưa đáp ứng tốt yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, của các ngành kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Trình độ công nghệ thấp. Nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học hoạt động phân tán, thiếu sự phối hợp. Môi trường đô thị, nơi công nghiệp tập trung và một số vùng nông thôn bị ô nhiễm ngày càng nặng. Công tác quản lý xuất bản, báo chí có nhiều mặt buông lỏng. Văn hoá phẩm độc hại xâm nhập, tác động xấu đến thanh niên, thiếu niên. Mê tín, hủ tục có chiều hướng tăng. Cơ sở vật chất của ngành y tế thiếu thốn và lạc hậu, nhất là ở tuyến huyện và xã. Y đức chưa được quan tâm giáo dục. Dịch bệnh cục bộ vẫn xảy ra ở một số nơi. Việc khám và chữa bệnh cho nhân dân, nhất là cho đồng bào nghèo, còn phiền hà và có nhiều tiêu cực.
Tai nạn giao thông xảy ra ở mức nghiêm trọng, gây những thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản. Các tệ nạn xã hội, nhất là nạn ma tuý và mại dâm, chưa bị đẩy lùi. Bệnh Hiv/aids lan ra cả
nước. Chưa bảo đảm vững chắc trật tự an toàn xã hội. Tội phạm gia tăng. Mức sống nhân dân ở một số vùng quá thấp. Chính sách tiền lương và phân phối trong xã hội còn nhiều bất hợp lý. Sự phân hoá giàu nghèo ngày càng tăng giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, giữa các tầng lớp dân cư. Tình trạng khiếu kiện của nhân dân ở nhiều nơi kéo dài và phức tạp nhưng chưa được các cấp, các ngành giải quyết kịp thời.

Cơ chế, chính sách không đồng bộ và chưa tạo động lực mạnh để phát triển. Một số cơ chế, chính sách còn thiếu hoặc chưa sát với cuộc sống, chưa hợp lý, thiếu tính khả thi. Nhiều cấp, nhiều ngành chưa thay thế, sửa đổi những quy định về quản lý nhà nước không còn phù hợp; chưa bổ sung những cơ chế, chính sách mới thật sự mạnh mẽ và đồng bộ để giải phóng lực lượng sản xuất, khai thác nhiều hơn nữa các nguồn lực dồi dào trong các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, các vùng và toàn xã hội. Có khi chính sách bị biến dạng qua nhiều tầng nấc hành chính quan liêu. Sau khi đã có luật và chính sách, việc ban hành các văn bản pháp quy hướng dẫn cụ thể rất chậm.

Tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng.

Tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu kéo dài, diễn ra trên nhiều lĩnh vực trong bộ máy nhà nước, đảng, đoàn thể và trong các doanh nghiệp nhà nước. Một số cán bộ, đảng viên sa đoạ, biến chất, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tình hình trên đã gây bất bình trong nhân dân.

Ban Chấp hành Trung ương xin tự phê bình trước Đại hội và trước nhân dân về việc chậm khắc phục những khuyết điểm trên, làm hạn chế những thành tựu lẽ ra đã có thể đạt được nhiều hơn.

Sở dĩ có tình trạng đó là do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chính :

Việc tổ chức thực hiện nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng chưa tốt; kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm.

Tình trạng tuỳ tiện, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, không chấp hành nghị quyết của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước là lực cản đối với việc đưa đường lối, quan điểm và nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Công tác chỉ đạo, điều hành ở các cấp, các ngành còn nhiều bất cập, thiếu kiểm tra, đôn đốc và chưa có sự phối hợp chặt chẽ nên hiệu lực và hiệu quả chưa cao. Nhiều nhiệm vụ công tác lớn đã được đề ra nhưng việc thực hiện không đến nơi đến chốn hoặc chỉ nói mà không làm. Chức năng lãnh đạo của cấp uỷ đảng và chức năng quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước chưa được phân định rành mạch.

Vai trò và trách nhiệm cá nhân người phụ trách, người đứng đầu chưa được đề cao. Kỷ luật, kỷ cương phép nước chưa nghiêm. Một số vụ sai phạm nghiêm trọng chưa được xử lý kiên quyết. Năng lực hành động thực tiễn, trí tuệ và kiến thức còn thấp của một số cán bộ, công chức, cơ quan chỉ đạo, điều hành và tham mưu cũng làm cho việc thực hiện nghị quyết của Đảng không tốt.

Một số quan điểm, chủ trương chưa có sự nhận thức thống nhất và chưa được quán triệt thông suốt ở các cấp, các ngành. Trong cán bộ, đảng viên còn có những nhận thức và ý kiến khác nhau về những vấn đề như: kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, đổi mới quản lý doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, kinh tế tri thức, kinh tế trang trại, nội dung và bước đi công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế v.v... Việc tổng kết thực tiễn, hoàn thiện và cụ thể hoá đường lối, quan điểm của Đảng làm chậm và kém. Tình trạng này dẫn đến việc thực hiện thiếu thống nhất, khó phân rõ ranh giới giữa quan điểm đúng đắn, khoa học của Đảng với các quan điểm lệch lạc.

Cải cách hành chính tiến hành chậm, hiệu quả thấp. Tổ chức và bộ máy nhà nước cồng kềnh, trùng lắp chức năng, trong không ít trường hợp trên và dưới, trung ương và địa phương hành động không ăn khớp, cản trở việc phát triển kinh tế - xã hội và làm giảm động lực phát triển. Nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn nhưng thực hiện không đạt kết quả do phải qua nhiều tầng nấc trung gian và những thủ tục hành chính phiền hà. Một số người và cơ quan do lợi ích riêng không muốn đẩy mạnh cải cách hành chính. Không ít cán bộ, công chức hành chính không những kém về đạo đức, phẩm chất, gây ra tệ tham nhũng, quan liêu, sách nhiễu, cửa quyền, mà còn yếu về bản lĩnh chính trị, kém về năng lực, trí tuệ, văn hoá, trình độ chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ, làm giảm hiệu lực của bộ máy hành chính.

Công tác tư tưởng, lý luận, công tác tổ chức, cán bộ có nhiều yếu kém, bất cập. Công tác tư tưởng thiếu sắc bén, tính chiến đấu không cao, phương pháp tiến hành chưa linh hoạt, sáng tạo, chưa tạo được nhận thức sâu và sự nhất trí cao trong Đảng đối với một số quan điểm có tính nguyên tắc của Đảng; chưa phê phán mạnh những quan điểm mơ hồ, sai trái; đấu tranh không kiên quyết với xu hướng "thương mại hoá", lai căng, chạy theo thị hiếu tầm thường trên báo chí, phát thanh, truyền hình, trong văn học nghệ thuật và xuất bản. Công tác tư tưởng chưa gắn với công tác tổ chức, xây dựng cơ chế, chính sách.

Công tác nghiên cứu lý luận chưa thực sự đổi mới, không theo kịp sự phát triển của thực tiễn và chưa giải đáp được nhiều vấn đề nóng bỏng trong thời kỳ quá độ và trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Công tác tổ chức, cán bộ chậm đổi mới, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ mới. Tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị, nhất là bộ máy hành chính nhà nước, còn có quá nhiều đầu mối, trách nhiệm tập thể và cá nhân không rành mạch, chất lượng hoạt động và hiệu quả thấp. Chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của nhiều cơ quan và người đứng đầu chưa thật rõ, còn chồng chéo; cơ chế vận hành và nhiều mối quan hệ còn bất hợp lý. Việc tuyển chọn, đào tạo, sắp xếp, sử dụng và đánh giá cán bộ còn nhiều thiếu sót, có khi còn dựa vào một số quan niệm, định kiến cũ và theo cảm tính; cách làm thiếu quy hoạch, không sâu sát, chưa dân chủ và chưa lắng nghe ý kiến của quần chúng, của tập thể. Công tác quản lý cán bộ, đảng viên thiếu chặt chẽ. Chưa tích cực phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ có đức, có tài.

Tuy còn một số chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm (1996 - 2000) không đạt, một số nhiệm vụ do Nghị quyết Đại hội 8 đề ra chưa được thực hiện tốt nhưng 10 năm thực hiện Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội (1991-2000) đã đạt những thành tựu to lớn và rất quan trọng:

Tổng sản phẩm trong nước năm 2000 tăng gấp đôi so với năm 1990. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và năng lực sản xuất một số sản phẩm chủ yếu tăng hơn trước. Nền kinh tế từ tình trạng khan hiếm, thiếu nghiêm trọng lương thực và hàng tiêu dùng nay đã đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu của nhân dân và nền kinh tế; từ cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp đã chuyển sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; từ chỗ nền kinh tế chủ yếu chỉ có hai thành phần là kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể đã chuyển sang nền kinh tế có nhiều thành phần, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Đời sống các tầng lớp nhân dân được cải thiện. Đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, vượt qua được cơn chấn động chính trị và sự hẫng hụt về thị trường do những biến động ở Liên Xô và các nước Đông Âu gây ra; không để bị cuốn sâu vào cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ ở khu vực châu á mặc dù hậu quả của nó đối với nước ta cũng khá nặng nề; phá được thế bị bao vây cấm vận, mở rộng được quan hệ đối ngoại và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; quốc phòng - an ninh được củng cố. Sức mạnh về mọi mặt của nước ta đã lớn hơn nhiều so với mười năm trước.
(Còn tiếp)