Phát triển các ngành nghề nông thôn



Hà Nội(Ttxvn 28/1/2001)
Thời gian gần đây, sự phát triển nghề và làng nghề đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông thôn theo hướng giảm nhanh tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ nông thôn và góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Hiện nay, các ngành nghề ở nông thôn đã thu hút khoảng 29,5% lực lượng lao động tại chỗ. Hoạt động ngành nghề đã phát triển mạnh trong khuôn khổ hộ gia đình. Hiện cả nước có khoảng trên 1,33 triệu hộ nông dân phát triển ngành nghề phi nông nghiệp. Thu nhập từ các ngành nghề này cao gấp 2 đến 3 lần so với sản xuất nông nghiệp, đời sống của người dân trong vùng được cải thiện rõ rệt.

Cả nước đã có khoảng 24.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn hoạt động trong các lĩnh vực thủy sản, thủ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ và thương mại nông thôn...
Sản phẩm của nhiều làng nghề đã phát triển mạnh cả ở trong và ngoài nước. Các cơ sở dệt ở Tương Giang, Bắc Ninh chuyên sản xuất sản phẩm khăn gạc, gạc y tế, ngoài thị trường trong nước còn mở rộng xuất khẩu sang Nhật Bản. Đồ gốm sứ Bát Tràng đã xuất khẩu sang các nước Châu á và một số nước Châu Âu. Hàng thủ công mỹ nghệ của Làng Khảm trai Chuyên Mỹ Hà Tây được xuất khẩu sang Pháp, Nhật bản và các nước Châu á. Trong số các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ đang tìm được chõ đứng trên thị trường thế giới. Năm 2000 cả nước xuất khẩu đạt 250 triệu Usd, tăng 50 triệu Usd so với năm 1999.

Từ năm 1993 trở lại đây, sau khi Nghị quyết của Chính phủ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn được ban hành, cả nước đã đẩy mạnh khôi phục các nghề, làng nghề truyền thống; phát triển nghề, làng nghề mới. Tuy nhiên, hiện nay, tốc độ phát triển ngành nghề tương đối cao, nhưng chủ yếu là loại hình kinh tế hộ chiếm tới 97% với qui mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu, hạn chế khả năng phát triển theo hướng công nghiệp hóa.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục tiêu phát triển ngành nghề nông thôn trong những năm tới là tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng Gdp của công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp-dịch vụ. Năm 2010 tỷ lệ này đạt khoảng 70%. Dự kiến, hàng năm thu hút 400-500 ngàn lao động nông thôn vào các hoạt động ngành nghề, góp phần tăng thu nhập ở khu vực nông thôn, hạn chế khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn, tăng kim ngạch xuất khẩu từ tiểu thủ công nghiệp nông thôn, đến 2010 đạt 1-1,5 tỷ Usd.

Các địa phương sẽ chú trọng phát triển mạnh các ngành nghề có nhiều tiềm năng, lợi thế như chế biến nông sản, chế biến gỗ và lâm sản, tiểu thủ công. Khoảng 1.000 làng nghề truyền thống hiện có sẽ được khôi phục và phát triển. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nông thôn sẽ được chú trọng phát triển, nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của ngành nghề nông thôn.

Nhà nước cũng sẽ có chính sách ưu đãi nghệ nhân và đào tạo tay nghề, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để tạo lập, phát triển môi trường thể chế ch phát triển làng nghề./.