Một số chính sách khuyến khích công nghiệp phần mềm



Quyết định của thủ tướng chính phủ
Về một số chính sách và biện pháp khuyến khích đầu tưu
và phát triển công nghiệp phần mềm

THủ TƯớNG CHíNH PHủ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Nghị quyết số 07/2000/NQ-CP ngày 05 tháng 6 năm 2000 của Chính phủ về xây dựng và phát triển công nghiệp phần mềm giai đoạn 2000 - 2005;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi
trường.

quyết định:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quyết định này quy định một số chính sách và biện pháp khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước thuộc mọi thành phần kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư sản xuất sản phẩm và làm dịch vụ phần mềm tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp phần mềm).

2 . Những khuyến khích và ưu đãi quy định trong Quyết định này được áp dụng cho các doanh nghiệp phần mềm. Trong trường hợp doanh nghiệp có nhiều loại hoạt động khác nhau thì chỉ được hưởng các ưu đãi được quy định trong Quyết định này đối với các hoạt động sản xuất sản phẩm và dịch vụ phần mềm.

Điều 2. Thuật ngữ sử dụng trong quyết định

Trong Quyết định này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Phần mềm được hiểu là chương trình, tài liệu mô tả chương trình, tài liệu hỗ trợ, nội dung thông tin số hóa.

a) Chương trình là một tập hợp của các lệnh, câu lệnh được mô tả bằng bất kỳ ngôn ngữ, mã hay hệ thống ký hiệu nào và được thể hiện hoặc lưu trữ trong các vật mang tin (có hoặc không kèm theo các thông tin liên quan), được dùng trực tiếp hoặc dùng gián tiếp sau khi qua một hoặc cả hai khâu sau:

- Chuyển đổi sang một ngôn ngữ, mã, hệ thống ký hiệu khác;

- Tái tạo sang một vật mang tin khác; làm cho một dụng cụ có khả năng xử lý thông tin thực hiện một chức năng nào đó.

b) Tài liệu mô tả chương trình và tài liệu hỗ trợ là tài liệu được thể hiện dưới bất kỳ dạng nào có nội dung mô tả chương trình, giới thiệu, hướng dẫn cách cài đặt, sử dụng, nâng cấp, sửa lỗi hoặc các hướng dẫn khác liên quan đến sử dụng và khai thác chương trình.

c) Nội dung thông tin số hóa bao gồm:

- Cơ sở dữ liệu là tập hợp dữ liệu được sắp xếp và lưu trữ dưới dạng điện tử số hóa;

- Sưu tập tác phẩm số hóa là sưu tập tác phẩm được lưu trữ dưới dạng điện tử số hóa.

2. Sản phẩm phần mềm là phần mềm được sản xuất và được thể hiện hay lưu trữ ở bất kỳ một dạng vật thể nào, có thể được mua bán hoặc chuyển giao cho đối tượng khác sử dụng.

Các loại sản phẩm phần mềm bao gồm:

a) Phần mềm nhúng là phần mềm được nhà sản xuất thiết bị cài sẵn vào thiết bị và chúng được sử dụng ngay cùng với thiết bị mà không cần có sự cài đặt của người sử dụng hay người thứ ba.

b) Phần mềm đóng gói là sản phẩm phần mềm có thể sử dụng được ngay sau khi người sử dụng hoặc nhà cung cấp dịch vụ cài đặt vào các thiết bị hay hệ thống. Các phần mềm này thường được cung cấp qua dạng đĩa mềm, đĩa CD; qua bất kể vật mang tin nào khác hay thông qua mạng máy tính. Phần mềm đóng gói thường được phân ra hai loại: phần mềm hệ thống và phần mềm ứng dụng (thí dụ như: hệ điều hành, các công cụ phát triển, các ngôn ngữ lập trình, xử lý văn bản, bảng tính, diệt virus, kế toán, dạy học, quản lý tài chính, quản lý vật tư, các phần mềm tính toán khoa học và kỹ thuật, đồ họa,v.v.).

c) Phần mềm chuyên dụng là sản phẩm phần mềm được phát triển theo yêu cầu cụ thể và riêng biệt của khách hàng. Phần mềm chuyên dụng có thể được phát triển từ đầu hoặc được thiết kế theo yêu cầu của khách hàng dựa trên cơ sở các phầm mềm sẵn có trên thị trường.

d) Sản phẩm thông tin số hóa là nội dung thông tin số hóa được lưu trữ trên một vật thể nào đó.

3. Dịch vụ phần mềm dùng để chỉ mọi hoạt động trực tiếp phục vụ việc sản xuất sản phẩm phần mềm, khai thác, nghiên cứu, sử dụng, đào tạo, phổ biến và hoạt động tương tự khác liên quan đến phần mềm.

Dịch vụ phần mềm bao gồm các dịch vụ: tư vấn phần mềm; tích hợp, cung cấp hệ thống; dịch vụ chuyên nghiệp về phần mềm; gia công phần mềm; dịch vụ xử lý dữ liệu, dịch vụ huấn luyện, đào tạo và dịch vụ tổ chức xuất khẩu lao động phần mềm.

a) Dịch vụ tư vấn phần mềm bao gồm tư vấn, cung cấp thông tin, hướng dẫn, trao đổi về phần mềm, nghiên cứu về nhu cầu, giải pháp và kinh nghiệm trong thiết kế, cài đặt, nâng cấp hệ thống mạng máy tính.

b) Dịch vụ tích hợp, cung cấp hệ thống bao gồm tư vấn, kết nối phần cứng, thiết bị mạng và phần mềm chuyên dụng thành toàn bộ hệ thống, huấn luyện và đào tạo đi kèm.

c) Dịch vụ chuyên nghiệp về phần mềm bao gồm phát triển phần mềm chuyên dụng cho khách hàng, hỗ trợ kỹ thuật, huấn luyện, quản lý, cài đặt, nâng cấp, bảo dưỡng, bảo hành, bảo trì các hệ thống công nghệ thông tin.

d) Dịch vụ xử lý dữ liệu là dịch vụ vào dữ liệu, xử lý dữ liệu điện tử số hóa cho khách hàng.

đ) Dịch vụ huấn luyện và đào tạo phần mềm là huấn luyện, đào tạo về chuyên môn liên quan đến công nghiệp phần mềm.

Điều 3. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp

1. Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam và doanh nghiệp phần mềm nước ngoài hoạt động tại Việt Nam không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp với các mức sau:

a) Thuế suất 25%.

b) Thuế suất 20% đối với doanh nghiệp đầu tư ở địa bàn có điều kiện
kinh tế - xã hội khó khăn.

c) Thuế suất 15% đối với doanh nghiệp đầu tư ở địa bàn có điều kiện
kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Các địa bàn đầu tư nêu tại điểm b, c khoản này được quy định theo Danh mục B, C của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi).

2. Doanh nghiệp phần mềm thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10%.

3. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư về nước trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm theo Luật Đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm, được hưởng thuế suất thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài đối với thu nhập từ các hoạt động sản xuất và dịch vụ phần mềm theo quy định tại Điều 50 Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 4. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp

Doanh nghiệp phần mềm được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian bốn năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung đối với thu nhập do hoạt động sản xuất và dịch vụ phần mềm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc thực hiện miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Điều này.

Điều 5. Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao

Người lao động chuyên nghiệp là người Việt Nam trực tiếp tham gia các hoạt động sản xuất và dịch vụ phần mềm được áp dụng mức khởi điểm chịu thuế và mức lũy tiến như quy định đối với người nước ngoài.

Điều 6. Thuế giá trị gia tăng

Sản phẩm và dịch vụ phần mềm được hưởng ưu đãi cao nhất về thuế giá trị gia tăng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc thực hiện thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Điều này.

Điều 7. Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

1. Miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên vật liệu phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm mà trong nước chưa sản xuất được. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành danh mục nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất sản phẩm phần mềm mà trong nước đã sản xuất được để làm cơ sở cho việc xác định ưu đãi về thuế nhập khẩu. Danh mục nói trên được điều chỉnh định kỳ hàng năm.

2. Miễn thuế xuất khẩu đối với sản phẩm phần mềm.

Điều 8. Ưu đãi về tín dụng

Doanh nghiệp Việt Nam có các hoạt động sản xuất và dịch vụ phần mềm được áp dụng các hình thức hỗ trợ đầu tư từ Quỹ hỗ trợ phát triển của Nhà nước theo quy định tại Nghị định số 43/1999/NĐ-CP ngày 29 tháng 6 năm 1999 của Chính phủ về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.

Điều 9. Ưu đãi về sử dụng đất và thuê đất

1. Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam được miễn, giảm tiền sử dụng đất; tiền thuê đất; thuế sử dụng đất theo quy định tại Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ.

2. Doanh nghiệp phần mềm thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được hưởng ưu đãi theo quy định hiện hành về tiền thuê đất.

Điều 10. Bảo hộ quyền tác giả đối với phần mềm

Bộ Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc bảo hộ quyền tác giả đối với sản phẩm phần mềm; tăng cường khả năng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý và thực thi quyền tác giả đối với phần mềm.

Điều 11. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực

1. Các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập các cơ sở đào tạo về công nghệ thông tin. Các cơ sở này được hưởng các ưu đãi đối với các hoạt động đào tạo về công nghệ thông tin như đối với doanh nghiệp phần mềm.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Tổng cục Bưu điện và các Bộ, ngành có liên quan trình Chính phủ kế hoạch triển khai việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp phần mềm và dự án Internet phục vụ giáo dục và đào tạo.

3. Tổng cục Bưu điện chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành có liên quan ban hành chính sách để giảng viên, giáo viên, sinh viên và học sinh các trường học trong hệ thống giáo dục quốc dân được hưởng chế độ miễn, giảm phí truy cập Internet tại các cơ sở đào tạo.

Điều 12. Tạo cơ sở hạ tầng viễn thông thuận lợi

Tổng cục Bưu điện chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan ban hành chính sách, quy định cụ thể nhằm đảm bảo thúc đẩy môi trường cạnh tranh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phần mềm tham gia các hoạt động dịch vụ viễn thông và Internet; cung cấp đầy đủ và thuận lợi các dịch vụ viễn thông và Intemet cho người sử dụng với tốc độ và chất lượng cao, giá cước thấp hơn hoặc tương đương so với các nước trong khu vực; cho phép các khu công nghiệp phần mềm tập trung được kết nối cổng Internet riêng với hệ thống Internet quốc tế để tất cả các doanh nghiệp phần mềm trong các khu này và các doanh nghiệp phần mềm đăng ký dịch vụ Internet qua các khu này có thể sử dụng đầy đủ và dễ dàng các dịch vụ Internet theo giá cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Điều 13. Xuất bản và kiểm tra xuất, nhập khẩu phần mềm

Bộ Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn, cải tiến thủ tục để việc xuất bản, xuất, nhập khẩu phần mềm đặc biệt là chương trình tài liệu mô tả chương trình và tài liệu hỗ trợ được thực hiện nhanh chóng không gây phiền hà, ách tắc, thiệt hại cho tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích liên quan; đồng thời phải có biện pháp toàn diện, đồng bộ để ngăn chặn những hành vi lợi dụng gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Điều 14. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Kt. thủ tướng chính phủ
Phó Thủ tướng
Phạm Gia Khiêm