Hàng dệt may Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu


Hà Nội (Ttxvn 2/11/2000)

Theo Bộ Thương mại, dự kiến năm 2000 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 1,9 tỷ Usd, tăng 8,7% so với năm 1999.

Trong đó thị trường có hạn ngạch như Eu, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ đạt từ 720 đến 730 triệu Usd, tăng 15% và chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may của Việt Nam. Để thực hiện "chiến lược tăng tốc" của ngành dệt may, đưa kim ngạch xuất khẩu ngành này lên 4 tỷ Usd vào năm 2005 và 8 tỷ Usd vào năm 2010, cơ chế quản lý và phân bổ hạn ngạch hàng dệt may xuất khẩu sang Eu năm 2001-2002 đã được cải tiến theo chiều hướng tạo điều kiện thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp.

Hiệp định về buôn bán hàng dệt may với EU được thực hiện trong những năm qua luôn là một trong những động lực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của ngành dệt may Việt Nam. Với nỗ lực tăng nguồn hạn ngạch, giảm bớt các thủ tục và chi phí cho doanh nghiệp để đẩy mạnh xuất khẩu của 3 Bộ Thương mại - Công nghiệp - Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 năm qua, kể từ 1993 đến nay, với 3 lần ký Hiệp định chính thức và 2 lần điều chỉnh đã nâng kim ngạch xuất khẩu vào Eu tăng gần 3 lần. Đến nay, đã có 17 trên tổng số 29 chủng loại hàng được cấp giấy phép tự động, không cần xin hạn ngạch từ các Bộ và thành phố. Các phương thức khuyến khích như thưởng xuất khẩu, đấu thầu được mở rộng, và việc cấp hạn ngạch theo yêu cầu trước đây, cũng như cấp giấy phép tự động hiện nay cho một số chủng loại hàng (cat.), giảm phí hạn ngạch, giảm giá trúng thầu... đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tuy vậy, 10 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường có hạn ngạch mới đạt hơn 500 triệu Usd, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm 1999. Theo đánh giá của một số chuyên gia và khách hàng, sức tiêu thụ của thị trường Eu có chiều hướng giảm. Mức tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường không áp dụng hạn ngạch không cao và không đồng đều, dự kiến chỉ tăng khoảng 7% so với 17% năm 1999. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do xác định giá Fob thấp hơn năm 1999 từ 5-6%.

Quy chế về hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang Eu hai năm 2001-2002 có những nội dung mới hơn như việc chỉ cấp hạn ngạch đối với một số mặt hàng nhạy cảm, bao gồm T.shirt, áo len, quần âu, sơ mi nữ, sơ mi nam, áo khoác nữ, bộ quần áo nữ, áo lót nữ, bộ thể thao, quần áo thuộc và quần áo dệt kim và toàn bộ hạn ngạch xuất khẩu vào thị trường Canada. Nhiều mặt hàng khác xuất khẩu vào Eu và toàn bộ hàng xuất khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ được cấp giấy phép tự động, các doanh nghiệp sau khi giao hàng, xuất trình chứng từ và được cấp E/l tại các phòng Quản lý xuất nhập khẩu.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, Bộ Thương mại mở thêm chức năng cấp giấy phép hàng may mặc tại 3 địa điểm Hải Phòng, Đồng Nai và Vũng Tàu, như vậy cả nước có 6 địa điểm cấp giấy phép. So với các năm trước, năm nay số thành phố thực hiện việc phân cấp giao hạn ngạch cũng tăng lên. Đấu thầu hạn ngạch được duy trì ở mức 25% hạn ngạch thương mại với 8 loại hàng. Nguồn hạn ngạch tăng nên số lượng tuyệt đối đưa ra đấu thầu đều tăng hơn năm 2000. Thưởng xuất khẩu sang thị trường không áp dụng hạn ngạch và sử dụng vải sản xuất trong nước tiếp tục được áp dụng và sẽ cụ thể hóa trong quy chế thưởng; dành 5% hạn ngạch, bao gồm cả tỷ lệ tăng trưởng hàng năm để giao cho các doanh nghiệp mới.

Thứ trưởng Bộ Thương mại Mai Văn Dâu cho biết, Liên Bộ đang đề nghị Bộ Tài chính không thu lệ phí hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Eu những mặt hàng năm 2001 cấp giấy phép tự động, không cấp hạn ngạch, bao gồm 16 mặt hàng khăn bông, quần lót, áo khoác nam, bộ pijama, khăn trải giường, áo jacket, áo dài nữ, quần dệt kim, vải tổng hợp, khăn trải bàn, sợi tổng hợp, quần áo trẻ em, quần áo bảo hộ lao động, lưới sợi, khăn trải bàn bằng lanh, gai, quần áo bằng vải thô. Những mặt hàng còn lại xuất khẩu sang thị trường này vẫn giữ nguyên mực thu lệ phí hạn ngạch cũ./.